Tôi dự định sửa sang phòng các con trước khi vào năm học mới này, nghe nói gần đây có nhiều loại vật liệu nhẹ để trang trí phòng trẻ độc đáo, không biết có nên áp dụng không? Xin cảm ơn quý báo.
Phạm Mẫn (P. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM)
Thế hệ vật liệu mới hiện nay hướng nhiều đến các tính năng an toàn, bền vững, cách nhiệt, chống cháy và xử lý bề mặt đẹp hơn. Còn việc dùng những chủng loại vật liệu đó như thế nào thì đòi hỏi gia chủ và người thiết kế – thi công phải tìm tòi và sáng tạo thêm. Có thể tham khảo ba xu hướng chính đang được ưa chuộng và phát triển hiện nay trong xử lý nội thất phòng trẻ em, đó là:
Thay đổi màu sắc và chất liệu
Đa số tường phòng trẻ em thường có màu sắc vui vẻ, nhiều mảng nhấn nổi bật, nhưng không phải tất cả đều như thế. Một không gian khá cao nếu cần tạo sự ấm cúng thì có thể sơn thành những vệt nằm ngang và có chuyển sắc. Một không gian thấp và hẹp nếu muốn tạo cảm giác thoáng rộng thì nên dùng sọc dọc, màu sáng và không có ranh giới rõ rệt giữa trần với tường (không viền phào chỉ, đặt đèn hắt sát góc, sơn cùng màu). Một căn phòng cũng không nên sơn quá nhiều màu mà cần giữ một tông màu chủ đạo (thông thường là màu hợp với ngũ hành tuổi của trẻ, hoặc màu mà trẻ thích). Một số ngôi nhà xử lý phòng chơi và học của trẻ theo phong cách thô mộc – để lộ lớp gạch xây rồi lăn sơn trực tiếp lên. Những hệ tủ kệ liên hoàn hay khung tranh ảnh chế tác dạng thủ công lạ mắt sẽ giúp tạo điểm nhấn khá đơn giản và có thể thay đổi theo thời gian khi trẻ lớn lên.
Tạo chủ đề và ấn tượng riêng
Nếu trước kia tường phòng trẻ chủ yếu là màu sắc và hình ảnh hoạt họa, thơ ngây đôi lúc hơi giống nhà trẻ mẫu giáo, thì hiện nay có thêm khá nhiều sáng tạo riêng biệt. Từ việc tạo khối lập thể bằng tấm thạch cao cho đến phối hợp với tranh kính màu, tấm kim loại, lam gỗ… đều khá độc đáo và đa dạng, nhưng vẫn giữ được chủ đề như về vũ trụ, thần tiên, hoa lá hay nhân vật hoạt hình. Cá tính riêng của trẻ cũng được đề cao qua hình ảnh trang trí, vật dụng cá nhân dạng thủ công, chứ không chỉ thuần túy theo kiểu dán hình chuột Mickey hoặc trưng bày tủ búp bê quen thuộc.
Bố trí đèn “độc” và dễ thay đổi
Với những gia chủ thích “chơi ánh sáng” thì kiểu trang trí không quan trọng bằng kiểu đèn, chính xác hơn là cách thức chiếu sáng trên trần cũng như tường phải đẹp và hài hòa với các thành phần khác như trần, sàn và đồ đạc nội thất riêng của từng phòng. Theo phong cách này thì trần cũng như tường thường làm phẳng lặng đơn giản và ít lồi lõm để làm “hậu cảnh” cho đèn thể hiện tốt hơn, cũng như để gia chủ dễ thay đổi kiểu đèn khi có những mẫu mới xuất hiện. Cần lưu ý cách dùng đèn trang trí này không làm sai biệt đến ánh sáng trong phòng, nhất là ánh sáng cho khu bàn học luôn phải ổn định và đúng với chuẩn chiếu sáng để không ảnh hưởng thị lực của trẻ.
Dĩ nhiên, dù theo phong cách nào thì phòng của trẻ em trong nhà cũng không phải là… khu vui chơi hay trường mẫu giáo. Có ý tưởng, bố cục giản dị và đảm bảo công năng hợp lý, an toàn sẽ giúp ngôi nhà thành chốn an lành và hạnh phúc hơn cho trẻ.
Công ty TNHH Tư vấn – Thiết kế – Xây dựng Kiến Xanh. D11, đường 5A
Khu dân cư Him Lam, P. Tân Hưng, Q.7, TP.HCM