Đa phần nhà cửa xưa nay đều hình thành từ bộ khung kết cấu móng – cột – tường – mái…, sau đó các phần “khung” khác sẽ hoàn thiện không gian nội thất. Dù không quan trọng hàng đầu như cửa đi, bếp và các vị trí sinh hoạt cơ bản khác trong nhà, nhưng cửa sổ và hệ thống khung trang trí trong nhà như gương soi, tranh ảnh… lại đóng vai trò điều chỉnh ánh sáng, thông gió, tầm nhìn, tạo tiện nghi và thẩm mỹ.
Trên thực tế, cửa sổ thường được làm dạng “ăn theo” cửa chính sao cho cân đối hài hòa, mang tính trang trí nhiều hơn. Tuy vậy, theo phong thủy ứng dụng thì vai trò của cửa sổ không hề thua kém cửa chính, nhất là về mặt cân bằng khí và giảm xung sát cho nơi cư ngụ.
Cửa sổ và mối quan hệ trong ngoài
Điều cốt yếu để ngôi nhà hài hòa trong – ngoài là sự tương quan giữa khí khẩu – khí đạo mà việc khai mở thông qua hệ thống cửa sổ – cửa đi với toàn thể không gian sử dụng. Nhà quá ít cửa sổ thì mang tính hướng nội, khép kín và tách biệt với ngoại cảnh. Ngược lại, nhà nhiều cửa sổ hay mở những mảng kính rộng thì tính hướng ngoại tăng, phù hợp nơi tập trung người như phòng khách, phòng kinh doanh. Do đó, phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà tính toán số lượng, kích thước, độ mở… của hệ thống cửa sổ.
Theo nguyên lý Âm Dương, xét về mặt tĩnh – động thì những chỗ cần giao tiếp và thay đổi thường xuyên (Dương thịnh) nên có nhiều cửa sổ; ví dụ: phòng khách, phòng ăn hay sinh hoạt gia đình (có thể khuất tầm nhìn từ ngoài vào nhưng phải hướng được ra thiên nhiên). Còn đối với không gian cần tĩnh lặng (Âm thịnh) và riêng tư như phòng ngủ, phòng vệ sinh… thì cửa sổ nên có kích thước vừa phải, có thể chủ động điều chỉnh được ánh sáng và tránh gió lùa. Nhưng vẫn có những trường hợp đặc biệt dù ở nơi riêng tư khuất nẻo mà vẫn mở cửa sổ rộng, ví dụ không gian phòng tắm trong các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp thường được mở cửa sổ khá rộng hoặc dài, thậm chí mở cửa trên cao (thiên song) và làm mảng khung kính lớn nhìn ra thiên nhiên. Đây chính là vấn đề cân bằng âm dương theo phong thủy hiện đại, khá hợp lý cho một nơi hay được coi là thiếu sáng sủa, là “khu phụ” trong quan niệm làm nhà trước kia.
Bên cạnh đó, cửa sổ mở ra cần có tầm nhìn hướng ra cảnh quan đẹp cho người sử dụng bên trong, đồng thời phải tránh được người ngoài nhìn xuyên thấu nội thất nhà mình. Ví dụ: trong phòng ngủ nên tránh mở cửa sổ ngay trên đầu giường hay thẳng về phía cuối chân giường. Tốt nhất là chếch góc để giường ngủ nằm trong vùng khuất sáng, vừa thuận lợi cho bố trí đồ đạc, vừa giảm hung khí tác động vào người nằm. Rèm cũng nhưcác loại mành sáo, mái hắt, nan chớp… cũng khá cần thiết trong việc chỉnh ánh sáng, che chắn tầm nhìn, và tạo nét trang trí hài hòa với các thành phần khác của nội thất.
Khung tranh và những biến thể
Đối với những không gian nhà bị bít bùng thì có thể dùng cửa sổảo. Đây là cách tạo nên những khung tranh, khung cửa giả trên bề mặt vách mặt tường nào mà không thể mở được. Nhà thiết kế có thể dùng kính nghệ thuật, xếp đặt, gắn khung viền quanh… để tạo ảo giác dường nhưcó một bộ cửa sổ tại vị trí đó, giúp không gian về thị giác nới rộng hơn và có thể tận dụng phần “bệ cửa” làm chỗ đặt đồ trang trí. Đây là một thủ pháp phong thủy “mượn hình tạo thế” nhằm giúp cân bằng và bổ trợ khiếm khuyết, giúp tạo nên nội khí tốt hơn cho nơi cư ngụ.
Tương tự như vậy là những khung tranh phong cảnh, mảng tường dán giấy, tranh vẽ lên tường… cũng là giải pháp phong thủy ứng dụng để tạo một góc nhìn khác, cảm giác khác cho tính chất không gian. Những nguyên tắc mảng tranh hợp phong thủy vừa tương đồng vừa có thêm khác biệt so với nguyên tắc treo tranh thông thường, đó là làm sao để đảm bảo đúng không gian chức năng, giúp người xem tranh có sự liên tưởng tích cực, hạn chế các khiếm khuyết của nội thất, tạo tâm lý thoải mái, bình yên.
Chưa bàn đến tính nghệ thuật cao, tranh ảnh dùng trong nhà cũng cần quan tâm đến cái… khung và bối cảnh quanh nó, bởi nguyên tắc “hình khí tương đồng” của phong thủy. Ví dụ, góc ẩm thực kiểu cổ điển phương Tây nên treo tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh lồng khung gỗ hoặc khung mạ nhũ màu sắc ấm áp, có nét cầu kỳ. Trong khi cũng là phòng ăn nhưng theo kiểu phương Đông mộc mạc thì tranh gốm, tranh lụa, tranh tứ bình, sơn mài… cần được ưu tiên hơn. Thậm chí dạng tranh nổi, phù điêu hoặc vật dụng mỹ nghệ được lồng khung treo tường sẽ tạo hiệu quả tốt hơn về chiều sâu cho không gian.
Dùng gương hợp lý
Không ít gia chủ hiện nay thường e ngại dùng gương, hoặc ngược lại sùng bái quá đáng gương dẫn đến lạm dụng, đem lại các hệ quả không tốt. Thực chất, việc sử dụng khéo léo gương trong nội thất không những tạo được tính thẩm mỹ mà còn giúp hóa giải được những dòng năng lượng xấu, đem đến sự cân bằng cho không gian sống, miễn là nên biết lưu tâm đến một vài tính chất của gương.
Chủ yếu có hai nhóm ý kiến trái ngược nhau về việc dùng gương. Nhóm “giảm xấu” cho rằng gương có khả năng phản lại các tác động xấu (xung sát) nên treo tại nơi giao tiếp nhiều, hoặc treo gương bát quái trước cửa giúp giảm xấu bên ngoài xâm nhập. Còn nhóm “tăng tốt” lại khuyên nên dùng gương để nhằm thu hút tài lộc, nhân lên hình ảnh vật dụng, gia tăng phúc đức… Nhưng ngoài tính phản quang của gương để tạo góc nhìn rộng hơn, ánh sáng được bổ sung thêm, thực chất hình ảnh xuất hiện trong gương chỉ là ảnh ảo mà thôi. Nếu một tấm gương treo trong nội thất mà làm lệch lạc về thẩm mỹ, làm chói mắt khó chịu, ảnh hưởng đến giao tiếp thì chắc chắn nên xem xét lại.
Trước khi đặt một khung gương trong nhà, nên biết không gian vùng nào thuộc Dương, chỗ nào là Âm, khu vực giao tiếp, góc quan sát… để đặt gương tại các vị trí thuận lợi về tầm nhìn và ánh sáng. Nếu phòng nhiều góc cạnh, ánh sáng âm u thì phải quan tâm đến mở cửa lấy sáng, bổ sung đèn và tính toán màu sắc các bề mặt, sau đó mới nghĩ đến gương treo đúng chỗ nhằm hoàn thiện, bổ sung thêm độ sáng và nhân rộng không gian. Khi gương phản chiếu đưa hình ảnh tươi đẹp bên ngoài vào, nó làm tăng hiệu quả cảm nhận thị giác, làm rộng không gian nhờ tầm nhìn được “vay mượn”. Nhưng khi bên ngoài là những cảnh xấu, dây điện chằng chịt, phố xá xô bồ… thì hình ảnh qua gương sẽ gây tâm lý mỏi mệt, bất an. Vì thế cần kiểm tra xem tấm gương phản chiếu điều gì và vị trí cũng như kích thước của gương nên tính toán phù hợp. Tránh dùng những tấm gương cũ, bị hoen ố, méo hình và sứt mẻ. Tốt nhất gương nên có khung viền đẹp, đặt nơi dễ nhìn và có những trang trí hỗ trợ sao cho trông qua biết ngay đó là… tấm gương, chứ không gây nên ảo giác như thật thì lại rất dễ làm giật mình.
Gương dùng trong phòng trẻ em hay người già sẽ có hại nhiều hơn là có lợi, vì có thể tạo ảo giác tâm lý mất ổn định, và sự nghịch ngợm của trẻ có thể làm vỡ gương, mảnh sắc gây nguy hiểm. Do gương phản xạ ánh sáng nên khi đặt gương tại giường ngủ dễ làm chói mắt và gây giật mình (nhất là khi mới ngủ dậy đang lơ mơ mà thấy bóng mình trong gương). Chỉ nên đặt gương tại các vị trí cần phải tạo sự giãn rộng không gian như hốc tường, mặt trong của tủ kệ, lối vào tiền sảnh hoặc chỗ rẽ hành lang, chiếu nghỉ cầu thang hay góc rẽ hành lang khi đi lại cần quan sát. Tránh để gương hay bàn trang điểm có gương đối diện giường ngủ, mà nên đặt song song và phản chiếu cửa ra vào, hoặc nếu có soi vào giường thì chỉ nên soi thấy phần cuối giường, tránh soi vào đầu giường ngủ vì các lý do nêu trên.
- Ảnh Xuân Trang