Trước những thách thức môi trường toàn cầu đang gia tăng, chúng ta cần tận dụng tối đa tất cả các nguồn nguyên liệu bền vững sẵn có. Gỗ là nguyên liệu ít tác động đến môi trường và dễ dàng tái chế. Sự lựa chọn vật liệu gỗ sẽ có tác động lâu dài đến sự tồn sinh của rừng. Việc phụ thuộc quá nhiều vào vài lựa chọn hẹp đối với một số loại gỗ cuối cùng sẽ dẫn đến căng thẳng về nguồn cung.
Giải thưởng A Seat at the Table do Riva 1920 – một công ty sản xuất đồ nội thất gỗ thiết kế có lịch sử hơn 100 năm của Italy và Hội đồng Xuất khẩu Gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) khởi xướng giới thiệu một thế hệ nhà thiết kế mới với cam kết thiết kế bền vững, chú ý hơn tác động đến môi trường và toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Đặc biệt, dự án là cơ hội để bốn nhà thiết kế được trao giải thưởng thử nghiệm các đặc tính thẩm mỹ và chức năng của ba loài gỗ cứng đẹp, hiệu suất cao của Mỹ nhưng chưa được sử dụng nhiều là gỗ anh đào, sồi đỏ và gỗ phong.
Alter Ego bắt nguồn từ mong muốn mang lại sự nhẹ nhàng và tự do cho một món đồ nội thất thường rất tĩnh là chiếc bàn. Thiết kế tạo nên một chiếc bàn vững chắc, trong đó mọi thứ đều góp phần làm nên sự sống động cho hình dạng và vật liệu, không có yếu tố nào chiếm ưu thế hơn hẳn yếu tố khác. Nhà thiết kế đã chọn gỗ maple vì màu sáng với sắc vàng làm tăng vẻ tạo hình của thiết kế.
Mẫu bàn Libra được phát triển bằng gỗ sồi đỏ của Mỹ (American red oak) với mục đích làm nổi bật mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên. Các đường nét phản ánh kiểu dáng của một con chuồn chuồn, với phần chân bàn đại diện cho cơ thể thuôn nhọn của nó, trong khi phần trên mô tả đôi cánh. Sự nhẹ nhàng, thanh lịch và năng động là những “từ khóa” của Libra, thể hiện đây là một chiếc bàn hữu ích và linh hoạt phù hợp với nhiều môi trường khác nhau.
Bàn Navalia được làm thủ công bằng gỗ sồi đỏ Mỹ nguyên khối. Tên gọi của tác phẩm gợi nên thế giới hàng hải, và mở rộng hơn là thế giới hàng không, nơi cấu trúc và hình dạng của các vật thể làm thăng hoa mối quan hệ giữa hình thức và chức năng, mở rộng đến tính thẩm mỹ.
Morso là một chiếc bàn có thể lắp ráp hoàn toàn bằng tay, không cần dùng đến dụng cụ. Ý tưởng được lấy cảm hứng từ nghề mộc truyền thống với khởi đầu là chiếc băng ghế kinh điển của thợ mộc. Các chân được gắn vào phần đầu bằng khớp nối chìm, một cách diễn giải lại của khớp truyền thống: điều này cho phép các đặc tính liên kết của khớp được duy trì trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp ráp. Hai kẹp vít lớn chạy ngang qua chân và mặt bàn, có thể giữ tất cả các bộ phận ở đúng vị trí. Đối với tác phẩm này, nhà thiết kế đã chọn gỗ anh đào Mỹ.
Vật liệu gỗ
Gỗ sồi đỏ Mỹ – Ấm, sần sùi, dai và dễ uốn cong
Đạt chiều cao 21m, với đường kính thân 1m, sồi đỏ là loài hiện diện nhiều nhất trong các khu rừng gỗ cứng của Mỹ. Được đặt tên theo màu sắc của lá vào mùa thu, loại gỗ sồi cổ điển này có dác gỗ màu nâu nhạt và tâm gỗ đặc trưng bởi tông màu hồng đỏ ấm áp hấp dẫn. Gỗ sồi đỏ chắc, thớ thẳng, kết cấu thô và đặc biệt. Độ xốp làm cho nó trở thành một loại gỗ cao cấp để uốn và nhuộm.
Gỗ maple – Nhẹ, mịn và cứng
Là anh em họ hàng gần của cây phong châu Âu và cây si, cây phong châu Mỹ có thể đạt chiều cao từ 23–27m, với đường kính thân 75cm. Dự án này sử dụng hai phân loài thực vật là phong cứng và phong mềm, có các đặc điểm giống nhau và cả hai đều tương đối phong phú. Phong cứng là một loài hợp với khí hậu lạnh ở các bang phía bắc, trong khi phong mềm mọc rộng rãi hơn trên khắp các khu rừng gỗ cứng hỗn hợp ở miền đông Hoa Kỳ.
Gỗ anh đào Mỹ
Là cây có kích thước trung bình, chiều cao khoảng 20m, anh đào có vòng quay tương đối ngắn, mất ít thời gian để trưởng thành hơn các loại gỗ cứng khác. Dác gỗ hẹp có màu hồng nhạt, trong khi tâm gỗ thay đổi từ đỏ đậm đến nâu đỏ và sẫm lại khi tiếp xúc với ánh sáng. Gỗ anh đào Mỹ đã có một thời gian dài phổ biến trong sản xuất đồ nội thất; sau đó nó trở nên ít phổ biến, nhưng đang có xu hướng thịnh hành trở lại.
- Xem thêm: Forest Tales – Những câu chuyện về rừng