Từ Paris đến Sài Gòn: Diện mạo mới cho đô thị Á Đông
Xuất hiện từ những năm 1920 tại Pháp, Art Deco là phong cách nghệ thuật và thiết kế đánh dấu sự chuyển mình giữa truyền thống trang trí và tính hiện đại của thế kỷ 20. Sự ra đời của nó gắn liền với tinh thần lạc quan sau Thế chiến thứ nhất, thể hiện qua đường nét hình học, màu sắc táo bạo và sự đề cao công nghệ, tốc độ và sự phồn thịnh. Art Deco không chỉ hiện diện trong kiến trúc mà còn lan tỏa đến thời trang, đồ họa, nội thất, xe hơi và thậm chí trong cả vật dụng thường ngày.
Ở Paris, dấu ấn Art Deco được định hình mạnh mẽ qua các công trình như Nhà hát Champs-Élysées hay Tòa nhà La Samaritaine. Từ trung tâm Âu châu, phong cách này lan rộng đến các thuộc địa của Pháp, trong đó có Đông Dương – vùng đất mà các kiến trúc sư người Pháp đã nhìn thấy tiềm năng để kiến tạo một “modernité coloniale” – hiện đại kiểu thuộc địa.

Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn và Hà Nội, bước vào thế kỷ 20 dưới vai trò là trung tâm hành chính và thương mại của Đông Dương thuộc Pháp. Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, khi chính quyền Pháp đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa đô thị tại Đông Dương, thẩm mỹ Art Deco nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công trình công cộng, biệt thự, rạp chiếu phim, trụ sở ngân hàng và nhà ở tư nhân. So với phong cách Tân cổ điển hay Gothic mang tính uy nghi, Art Deco tại Việt Nam chính là tuyên ngôn về một đô thị hóa hiện đại – vừa thực dụng, vừa trang nhã. Sự kết hợp giữa tỉ lệ hài hòa, mặt đứng đối xứng, các hình khối lập thể và chất liệu bê tông cốt thép đã tạo nên một vẻ đẹp vừa duy lý, vừa đậm chất thời đại.
Giai đoạn hoàng kim: “Triển lãm” kiến trúc Art Deco giữa lòng phố thị

Từ cuối những năm 1930 đến đầu thập niên 1950 là giai đoạn cực thịnh của phong cách Art Deco tại Việt Nam. Ở Hà Nội, ký ức đô thị xưa trong lòng những người cao niên đọng lại hình ảnh các công trình như rạp Đại Đồng, rạp Long Biên, trụ sở Tổng công ty Bưu điện tại phố Kim Mã, cùng hàng loạt biệt thự trong khu vực quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Những thiết kế này cho thấy sự hòa trộn tinh tế giữa phong cách kiến trúc quốc tế và điều kiện khí hậu bản địa.
Tại Sài Gòn, dấu ấn Art Deco hiện diện rõ nét trong các công trình như Nhà thờ Huyện Sĩ (giai đoạn trùng tu những năm 1930), tòa nhà Ngân hàng Nhà nước trên đường Pasteur, khách sạn Grand, rạp Rex, và nhiều biệt thự dọc các tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Thông. Đây là thời điểm giới trung lưu bản xứ bắt đầu nổi lên và tiếp nhận những biểu tượng hiện đại của đời sống đô thị, trong đó kiến trúc Art Deco trở thành phương tiện thể hiện sự phồn thịnh và văn minh hóa.

Vẻ đẹp “tân tiến” chìm dần vào ký ức đô thị
Sau năm 1954 tại miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam, phong cách Art Deco dần thoái trào, nhường chỗ cho những xu hướng kiến trúc mới mang tính lý tưởng hóa xã hội chủ nghĩa, hoặc sau này là chủ nghĩa thực dụng hiện đại. Trong giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng, nhiều công trình Art Deco bị xuống cấp nghiêm trọng do thiếu bảo dưỡng, hoặc bị cải tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng mới – từ rạp chiếu phim thành kho chứa, từ biệt thự thành nhà tập thể.
Trong kí ức của thị dân Sài Gòn, tọa lạc giữa trung tâm Quận 1 từng có một công trình mang tên Cinéma Cathay – rạp chiếu bóng đậm chất Art Deco được xây dựng vào thập niên 1930. Mặt tiền của công trình là tổ hợp tuyệt phẩm hình học: những đường kẻ sọc ngang tạo nhịp điệu mạnh mẽ, cửa vào với mái vòm bo tròn mềm mại, và các chi tiết bê tông đúc trang trí đơn giản nhưng tinh tế – tất cả đều tuân thủ nguyên tắc thẩm mỹ của phong cách Art Deco giai đoạn trưởng thành. Sau gần 90 năm hòa cùng nhịp sống thị thành, đến đầu thập niên 2010, rạp Cathay đã được tháo dỡ trong quá trình tái quy hoạch khu trung tâm để xây dựng tổ hợp thương mại và văn phòng hiện đại – một phần trong xu hướng phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Một công trình khác chỉ còn trong hồi ức là Thương xá Tax – trung tâm thương mại biểu tượng tọa lạc tại giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Xây dựng từ năm 1924 trên nền cũ của Maison Canton, thương xá là tổ hợp kiến trúc lai giữa Beaux-Arts và Tân cổ điển. Diện mạo sau giai đoạn cải tạo vào thập niên 1940 của công trình phản ánh quá trình “pha trộn” kiến trúc rất đặc trưng ở các đô thị Đông Dương khi Art Deco được du nhập. Sở hữu cầu thang xoắn lớn, lan can sắt uốn hoa văn hình học và hệ thống gạch mosaic trang trí mang phong cách thời đại, trải qua nhiều lần cải tạo, thương xá Tax vẫn giữ được phần lớn cấu trúc mang dấu ấn Art Deco cho đến khi bị tháo dỡ vào năm 2016 để nhường chỗ cho dự án Saigon Centre mở rộng. Việc mất đi thương xá Tax không chỉ là sự chia tay với một địa điểm quen thuộc gắn với ký ức đô thị, mà còn là sự ra đi thầm lặng của một trong những di sản kiến trúc Art Deco có giá trị lịch sử và nhận diện cao trong lòng Sài Gòn thế kỷ 20. Sự biến mất của các công trình biểu tượng không chỉ là mất mát về kiến trúc, mà còn là minh chứng cho quá trình bào mòn ký ức thẩm mỹ trong không gian đô thị hiện đại.
Phá bỏ để thích nghi hay đánh mất bản sắc?
Ngày nay, các thành phố không ngừng phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu mở rộng không gian sống và không gian chức năng là một thực tế tất yếu trong quá trình thích ứng với áp lực dân số và kinh tế. Với nhiều nhà đầu tư, phá bỏ những công trình cũ – kể cả có giá trị thẩm mỹ hay lịch sử – là quyết định hợp lý để tối ưu hóa quỹ đất. Những tòa nhà Art Deco, vốn thường chỉ cao 1-3 tầng, nhanh chóng trở nên “lỗi thời” trong mắt của các quy hoạch hiện đại giữa bối cảnh xây dựng ưu tiên mật độ cao và tối đa hóa công năng sử dụng đất.
Sự phát triển đô thị không đồng nghĩa với việc phải chối bỏ quá khứ, thay vào đó đây có thể là cơ hội để tái định nghĩa mối quan hệ giữa hiện đại và di sản. Nhiều thành phố lớn trên thế giới – từ Paris, New York đến Bangkok – đã chứng minh rằng việc bảo tồn kiến trúc lịch sử có thể song hành cùng phát triển bền vững nếu có tầm nhìn dài hạn và chính sách bảo tồn hợp lý.

Tại Việt Nam vài năm trở lại đây, các động thái bảo tồn kiến trúc lịch sử – dù còn khiêm tốn – đang dần xuất hiện như những tín hiệu tích cực giữa làn sóng phát triển đô thị ngày càng mạnh mẽ. Các dự án như trùng tu rạp Công Nhân tại Hà Nội, nỗ lực bảo tồn khách sạn Majestic ở Sài Gòn, hay sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng kiến trúc sư, nhà nghiên cứu và người dân trẻ cho thấy một nhận thức mới đang hình thành: rằng Art Deco không chỉ là thẩm mỹ kiến trúc, mà còn là biểu tượng của một thời đại chuyển giao – nơi đô thị Việt Nam từ thuộc địa hướng tới hiện đại.
Dư âm còn lại: Một chương chưa khép của Art Deco tại Việt Nam
Art Deco tại Việt Nam là một câu chuyện kiến trúc độc đáo chưa được kể hết. Nó không chỉ phản ánh thẩm mỹ phương Tây mà còn là khát vọng hiện đại hóa trong bối cảnh thuộc địa. Những công trình ấy – từ rạp chiếu bóng, khách sạn đến các tòa nhà hành chính – từng góp phần định hình diện mạo đô thị và tinh thần thời đại. Thế nhưng, giữa áp lực phát triển và nhu cầu tối đa hóa công năng, nhiều di sản ấy đã và đang dần biến mất khỏi ký ức thị giác của thành phố.
Việc bảo tồn Art Deco không chỉ là gìn giữ một phong cách, mà còn là giữ lại phần nào bản sắc đô thị, ký ức lịch sử và dòng chảy văn hóa đa tầng của Việt Nam thế kỷ 20. Bài học từ các đô thị lớn trên thế giới cho thấy: chỉ khi đô thị đối thoại được với quá khứ, nó mới có thể phát triển một cách có chiều sâu. Giữa dòng chảy phát triển không ngừng của các đô thị lớn, sự tồn tại của những công trình mang tính biểu tượng là lời nhắc nhở: đô thị không chỉ là đầu tàu phát triển kinh tế xã hội, mà còn là ký ức của những thế hệ đã từng sinh sông và tạo nên diện mạo văn hóa cho vùng đất đó. Sự quan tâm từ cộng đồng, giới chuyên môn và chính sách nhà nước là điều cần thiết – bởi một khi ký ức bị san bằng, rất khó để dựng lại từ đầu.