Tôi cảm thấy nhiều giải pháp thiết kế và phong thủy hiện nay dường như chỉ dành cho nhà của người giàu có với diện tích rộng rãi; còn với những người như cá nhân tôi, hiện đang ở trong một ngôi nhà khá nhỏ (4m x 8m) thì có cần bố trí nhà theo phong thủy hay không? Nếu có thì nên theo các nguyên tắc nào để ít nhất nhà vừa thoáng mát vừa an lành về lâu dài?
(Nguyễn Văn Đạt, Q. Bình Tân, TP.HCM)
Khoa học phong thủy và văn hóa phương Đông xưa nay đã khẳng định: nơi sống của con người không phụ thuộc vào cấp độ sang trọng hay tiện nghi, mà cốt sao có được ứng xử tốt với môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Ngôi nhà Việt Nam ngày xưa dù chỉ là nhà tranh vách đất hay nhà gạch gỗ mộc mạc cũng luôn được cha ông ta chú trọng bài trí, sắp xếp theo phong thủy và văn hóa truyền thống. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” – dù chỉ là ngồi ăn bữa cơm trong một khoảng thời gian ngắn cũng cần quan tâm đến vị trí, phương hướng sao cho hài hòa, có ý tứ, huống chi nơi ở của mình và gia đình làm sao có thể tùy tiện dễ dãi được. Một số lưu ý phong thủy sau cho nhà nhỏ có thể giúp cải thiện tốt môi trường sống:
– Âm – dương hài hòa sẽ giúp cân bằng trường khí. Chỗ ngủ, phòng vệ sinh, khoảng tối… là vùng âm, khí tĩnh, còn chỗ bếp núc, vui chơi, khoảng sáng… là vùng dương, khí động. Động quá hoặc tĩnh quá đều sẽ dẫn đến mất cân bằng. Cửa mở cũng tránh tầm nhìn từ ngoài vào xuyên thấu toàn nhà, nhất là khu bếp núc – vệ sinh, nhỏ nên càng cần phải gọn ghẽ mà vẫn kín đáo. Nên tận dụng hệ thống tủ kệ đa năng, liên hoàn, như kệ tivi đi với bàn viết…
– Nhà nhỏ ít phòng, khi ngăn chia nhiều và “cứng” bằng tường xây sẽ càng làm phân cách trường khí, gây chật chội thêm. Do đó cần tính toán để các không gian kiêm nhiều chức năng, như vừa làm chỗ sinh hoạt ban ngày (ăn, tiếp khách, làm việc) vừa là chỗ ngủ ban đêm.
– Cần chú trọng sắp xếp nội thất ngăn nắp, giản tiện và rõ ràng. Nếu những phần cố định như sàn, tường khó tác động thì vẫn có thể dùng giải pháp đóng trần kết hợp bố trí chiếu sáng để định vị không gian tốt hơn. Ví dụ, khu vực ngủ thì dùng đèn hắt nhẹ quanh mảng trần hạ thấp nhẹ nhàng, còn khu vực bếp ăn hay tiếp khách thì có thể thay đổi kiểu trần sang lối giật cấp hay tạo lam, tạo mảng nhấn bằng màu sắc khác biệt. Về phong thủy, có khi chỉ với một bình hoa, một bể cá nhỏ xinh xắn nhưng biết chăm sóc kỹ lưỡng, xếp đặt chu đáo vẫn có thể kích hoạt nguồn nội khí hiệu quả.
– Nên tránh tâm lý “nhà nhỏ không cần bày biện” dẫn đến đồ đạc bừa bãi càng làm suy giảm sinh khí, phạm vào hung kỵ trong Gia tướng học: “Dương cơ bề bộn khiến nhà giống như kho là đại hung, đồ đạc nhiều sẽchiếm chỗ ngăn cản sinh khí nhập trạch”.