Con đường phu trầm ngày ấy chính là miền Đông ngày nay. “Hãy dành ba ngày trekking xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn từ tây Khánh Hòa qua miền đông Đắk Lắk với các địa hình rừng rậm, đồi cỏ, suối sâu… – hành trình chứa đựng những giai thoại huyền bí và gian nan của người dân trong cuộc mưu sinh ngậm ngải tìm trầm” – nghe lời rủ rê của anh bạn dẫn đường, thế là chúng tôi đi.
Qua một đêm trên chuyến xe khách Sài Gòn – Nha Trang, thêm một chuyến trung chuyển bằng xe 16 chỗ, rồi chín chiếc xe gắn máy của người dân địa phương đưa chúng tôi đi thêm 30km vào đến cửa rừng. Con đường quanh co khúc khuỷu băng qua hai đập thủy điện; ngoại trừ vài nhóm thợ của công trình ngoài ra không một bóng người. Hai bên đường, hàng lau giương lên những ngọn cờ trắng xóa. Những dải núi và cánh rừng mờ xa kia sẽ là nơi chúng tôi băng qua. Trên 40km cho ba ngày đi bộ và hai đêm ngủ lều bên suối. Chỉ hình dung thôi đã thấy phấn khích.
Chúng tôi bắt đầu hành trình lúc 11 giờ trưa. Người dẫn đường bảo chúng tôi gặp may, bởi hôm nay trời đẹp, hai hôm trước mưa suốt! Trời đẹp nhưng hậu quả của hai ngày mưa trước vẫn còn đó: con đường đất đỏ lầy bùn. Giờ mới thấy kinh nghiệm của người dẫn đường thật hữu ích khi đã dặn trước phải mang giày rọ – loại giày thích hợp với cung đường bùn lầy và phải lội qua nhiều suối. Thi thoảng chúng tôi lại băng qua những trảng cỏ tranh nằm giữa thung lũng. Đám cỏ tranh xòe ra níu lấy chân, với dân đi rừng thì không là gì nhưng với ống chân trần của dân văn phòng thì trở thành vấn đề đấy.
- Xem thêm: Vấn vương mùa hoa dã quỳ
Rồi con suối đầu tiên. Lội suối quả là một sự cám dỗ, nhất là khi bạn đã băng qua những vũng lầy. Lúc đó dòng nước mát lạnh vừa gột rửa vừa tiếp thêm năng lượng. Thật thú vị khi băng qua một con suối, rồi tiếp đến lại một con suối khác, quần áo chưa kịp khô. Nước suối trong vắt, nhìn thấu đáy, nhưng cẩn thận đấy, vì khúc xạ ánh sáng dễ khiến bị nhầm về độ sâu của nó. Không khéo sẽ ngâm balô dưới nước và khi đó trọng lượng phải mang sau lưng sẽ tăng lên đáng kể.
Bữa ăn đầu tiên trong rừng là cơm nắm và đồ ăn mang theo, dã chiến nhưng ai cũng thấy ngon, phần vì đói do đã tiêu hao hết năng lượng ở chặng đường vừa đi qua, phần vì được ăn trong một khung cảnh hoàn toàn xa lạ. Mọi người xoay quanh chiếc bàn xếp được bung ra rồi tìm cho mình một mỏm đá, một gờ đất thích hợp. Nhưng buổi chiều, khi lều trại đã xong và lửa trại nổi lên, cơm nóng, thịt nướng, cá suối và rau tàu bay hái dọc đường sẽ là trải nghiệm ẩm thực không thể tìm được ở các resort sang trọng. Buổi sáng thức dậy với ly trà gừng hoặc cà phê nóng bên suối, trong tiếng chim ríu rít, tiếng gió rừng vi vu, và trong sự nghi hoặc như vừa thấy có con thú nào chạy ngang qua mỏm đá phía xa… Tất cả những điều đó liệu có đủ để mời gọi một chuyến xuyên rừng?
Cung đường của phu trầm, nhưng đó là ngày xưa, bây giờ tìm được trầm chắc cũng khó như cơ hội trúng xổ số vietlot. Nhưng vẫn còn nhiều điều thú vị khác trong rừng để khám phá. Đó là những cây họ dương xỉ nhỏ có kiểu lá rất lạ lẫm, trông như những liên kết phân tử hóa học; là cây dương xỉ khổng lồ tán cao đến 5 – 7m; hậu duệ của những cây quyết cổ đại sống cách đây 300 triệu năm; là những bông ngải trong lùm cây tối đen nhưng đỏ rực một cách ma mị; và… vắt. Vắt rừng không nhiều để trở thành nỗi ám ảnh như trong vườn quốc gia Bù Gia Mập nhưng đủ để mọi người phải coi chừng. Và lũ vắt thật “hiếu khách” khi mà cả đoàn 13 người xuyên rừng nhưng ông bạn người Nga được chúng chiếu cố nhiều nhất!
- Xem thêm: Cung đường chinh phục thác Hang Cọp
Thật ra, những mô tả trên đây giống như những lát cắt của hành trình. Nếu thích trải nghiệm, bạn cần phải đi cung đường này vì còn phải vượt qua một eo núi của ngọn Cư Tôn 1.700m lãng đãng sương mù. Khi thấy thấp thoáng nương rẫy của người dân tộc vùng cao là sắp chạm đích đến, nhưng cung đường vẫn còn những cầu treo bắc qua suối, để rồi đập vào mắt chúng tôi là sắc màu thổ cẩm đong đưa theo nhịp bước của những người phụ nữ Mông trên đường ra tỉnh lộ, cuối cùng là bữa ăn chiều ở thị trấn Mdrak… Chúng tôi trở về Sài Gòn tràn ngập năng lượng mới, để tiếp tục “cày bừa” mà nghĩ ngay đến một hành trình khác.
– Ảnh Đỗ Nguyên