Á khoa đầu vào Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh K2000, được học bổng đi Nhật khi đang học năm thứ 2, Trịnh Việt A tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Kiến trúc Đại học Tokyo và làm việc cho Công ty Nikken Sekkei tại Nhật. Hầu hết các dự án mà anh cùng các đồng nghiệp thực hiện là các công trình lớn. Ngôi nhà phố này – hoàn thành năm 2009 – được anh thiết kế cho người thân tại Việt Nam.
Nhận xét về loại hình nhà phố ở Việt Nam, Việt A cho rằng văn hóa tiểu thương đô thị từ xưa đã để lại thói quen quy hoạch, theo đó tất cả các căn nhà đều có một mặt tiền hướng ra phố, dù rất nhỏ. Ba mươi sáu phố phường ở Hà Nội hay khu phố cổ Hội An là những ví dụ. Xã hội ngày một phát triển, dân số tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về diện tích ở bùng phát, hệ quả là “nhà phố” ngày càng nhiều, số lượng tầng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, bề rộng mặt tiền của mỗi ngôi nhà thường rất khiêm tốn, nhiều trường hợp chưa đến 4m. Cùng với việc phải chồng xếp các sàn để đảm bảo diện tích sử dụng thì làm thế nào để có được môi trường sinh hoạt với những không gian chức năng thông thoáng và điều kiện ánh sáng tự nhiên luôn là một vấn đề nan giải đối với người thiết kế.
Với ngôi nhà phố này, Việt A muốn giới thiệu một mô hình không gian sống tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên, mang lại cho thị dân một cuộc sống tốt hơn, thú vị hơn với những gì họ đang có. Ngôi nhà có quỹ đất 4m x 20m, được thiết kế một bán hầm, tầng lửng và ba tầng lầu, kết cấu khung bê tông cốt thép và tường gạch, tổng diện tích sàn là 238m². Điểm đặc biệt của ngôi nhà này là tất cả các khu vực chức năng được kết nối với nhau đồng thời mở ra với môi trường xung quanh bằng “không gian trung gian”.
Như vậy “không gian trung gian” là điểm xuyên suốt của thiết kế, là vườn trong, giếng trời, là các không gian sinh hoạt chung nửa kín nửa hở, mở với môi trường bên ngoài nhưng cũng kín đáo bảo vệ sự riêng tư cần thiết. Giàn lam chiếm toàn bộ mặt tiền và các vách kính di động trên mái là giải pháp khắc phục hạn chế về độ mở ra môi trường bên ngoài khá giới hạn của ngôi nhà này. Các khu vực kín đáo hơn như phòng ngủ, vệ sinh… cũng tiếp xúc với không gian trung gian thông qua các khoảng mở ra giếng trời bố trí dọc theo suốt chiều dài căn nhà. Các không gian này có thể đóng, mở tùy theo nhu cầu.
Mảng xanh thiên nhiên là các vườn treo được bố trí tại các không gian trung gian. Những cây xanh khá lớn được trồng trên cao độ 4m đem lại cảm giác sân vườn, sự thoải mái và thư giãn, điều không dễ có được với một ngôi nhà phố. Đặc biệt là với lối tổ chức không gian chức năng và sân vườn ở ngôi nhà này, dù ở phòng khách, gian bếp, phòng ăn hay các phòng ngủ, người ta đều có thể thụ hưởng cảm giác gần gũi với thiên nhiên và sự thông thoáng cần thiết. Khi đưa các khu vực sinh hoạt lên tầng 2, 3, 4 và tách các không gian phụ trợ như nhà xe và kho xuống hầm và tầng lửng cũng là những sắp xếp hợp lý.
Thiết kế nhà phố là một bài toán chung, tưởng chừng như không có nhiều cách giải nhưng mỗi kiến trúc sư với phương pháp luận riêng của mình sẽ có những cách xử lý khác nhau. Kết nối các khu vực chức năng bằng những không gian gian trung gian mở, đưa thiên nhiên vào nhà – cách xử lý ngôi nhà phố này cũng là một giải pháp rất đáng để tham khảo.
123 Hoa Lan, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Thiết kế: KTS Trịnh Việt A
Email: vietatrinh@gmail.com
Website: http://www.trinhvieta-architects.com
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
- Xem thêm: Những không gian mở tươi xanh