“Tốt khoe xấu che” vốn là quy cách ứng xử truyền thống trong bài trí nhà cửa phương Đông. Tuy nhiên nếu “khoe” nhiều quá các vật dụng và mảng miếng trang trí có thể dẫn đền tình trạng ngôi nhà bị nhiễu loạn về nội khí và thị giác. Phong thủy hiện đại quan niệm cần lưu tâm nhiều hơn đến các khoảng trống, khéo léo sử dụng chất liệu và hình ảnh để đem lại các hiệu quả về sử dụng và tạo nguồn sinh khí dồi dào cho nơi cư ngụ.
Khoảng trống phát triển nội khí
Khi mà những không gian sinh hoạt chính bị cố định bởi vật dụng (ví dụ bếp, kệ tivi, giường ngủ, bàn làm việc… là những vị trí khó thay đổi) thì các không gian trống trở nên rất quan trọng, thậm chí là chủ đạo để tạo nên “phông nền” cơ bản cho nội thất. Một không gian trống hay bị bỏ qua khi bài trí nội thất là khu vực giếng trời. Trong nếp nhà truyền thống xưa kia, giếng trời là phần mở rộng của nơi sinh hoạt gia đình, là chỗ lấy gió và thoát nội khí, điều hòa vi khí hậu lý tưởng. Trong ngôi nhà ống hiện đại, giếng trời ngoài các vai trò truyền thống kể trên còn đảm bảo thêm nhiệm vụ làm chiếc “túi lọc”, đưa nội khí tích tụ trong quá trình sử dụng thoát ra ngoài qua cửa trời trên cao. Những vùng thuần âm (do không tiếp xúc được với môi trường bên ngoài) hay thuần dương (do dùng vào mục đích kinh doanh, giao tiếp nên thường xuyên hứng chịu bụi bặm) đều cần có giếng trời để cân bằng lại âm – dương. Vì thế màu sắc trong giếng trời luôn là màu mang tính thiên nhiên để có tác dụng tốt cho môi trường nhà ở đô thị, ví dụ màu của sỏi đá, của cây xanh… Nếu nhà có nhiều tầng thì giếng trời khi càng xuống dưới các tầng thấp càng cần dùng những màu trung tính và sáng sủa như màu xanh nhạt, lam ngọc, màu kem… để phản xạ ánh sáng tốt hơn, đem lại cho các vị trí dưới thấp (âm tính nhiều) cảm giác nhẹ nhõm, thoáng rộng và thư giãn hơn.
Sử dụng màu sắc, chất liệu, đường nét phù hợp cho các khoảng trống sẽ vừa có tác dụng dẫn dắt, liên kết không gian, vừa hình thành các điểm nhấn quan trọng cho thị giác của người sử dụng. Bên cạnh gam màu thoáng nhẹ, trung tính, những màu đậm (có thể dùng màu sơn hay vật liệu ốp lát sậm màu như màu đá, màu gỗ, màu của giấy dán tường mang họa tiết mạnh mẽ…) luôn đem lại nhiều bí ẩn, gợi sức tưởng tượng, chiều sâu và kích thích các năng lực sáng tạo nhiều hơn. Vì thế, trường khí của nội thất sẽ phát triển tốt khi gia chủ mạnh dạn dùng màu nổi bật, thậm chí tương phản (so với tông màu chung của toàn nhà) vào những khoảng trống. Ví dụ một ngôi nhà dùng nhiều vật dụng, sàn và tường bọc gỗ sậm màu (thiên về Mộc, Hỏa) thì giếng trời hoặc hành lang có thể sử dụng màu đá thô, xám hay xanh đen (thuộc tính của Kim, Thủy) để giảm bớt sự thâm u và tăng thêm độ cứng cáp cho không gian trống.
Hình ảnh đem đến cát – hung
Một số gia chủ không hình dung được vì sao ngoài vai trò trang trí, gợi nhớ kỷ niệm, một tấm ảnh hay bức tranh, bức tượng lại có thể gây ảnh hưởng về mặt phong thủy với ngôi nhà của mình. Trong khi đó một số không nhỏ gia chủ khác lại quá mức tin tưởng vào những “vật may mắn”, trong đó có những tranh ảnh xa lạ, không xuất phát từ truyền thống gia đình hay đơn giản chỉ là những truyền tụng đậm màu mê tín. Thay vì liệt kê xem cái nào nên, cái nào không nên trưng bày trong nhà, chỉ cần xét đến các lợi ích đem lại cho con người thì ta sẽ lựa chọn được tranh – ảnh – tượng phù hợp cho nội thất. Về cơ bản là xét theo các tiêu chí sau:
Tính quan hệ: tranh ảnh phải có quan hệ về nội dung cũng như hình thức với gia chủ. Ảnh con người, phong cảnh, nơi chốn, những thành tích học tập, làm việc… được lồng khung trang trọng sẽ nhắc nhở quá khứ tốt đẹp và niềm tin vào tương lai. Một bức tranh đắt tiền nhưng không dính dáng gì đến gia chủ thì nên xem xét lại vị trí của nó nằm ở đâu. Không gian đối ngoại thường hợp với hình ảnh mang tính đại chúng, tổng quát, biểu tượng may mắn, an lạc như hoa sen, tranh sơn thủy hữu tình, mai lan cúc trúc… Không gian đối nội như phòng ăn, sinh hoạt, học tập thì hợp hơn với tranh ảnh riêng tư. Các không gian phòng ngủ, phòng vệ sinh thì khá thoải mái, bởi là những chỗ “chỉ có ta với mình” nên có thể dùng hình ảnh độc đáo, đặc biệt hoặc riêng bạn biết, bạn thích.
Tính đồng bộ: cho dù bạn có mấy chục bức tranh đẹp thì cũng vẫn phải chọn lựa những bức nào phù hợp và đồng bộ với nội thất để treo chúng lâu dài. Những tác phẩm khác dù đắt tiền và tinh xảo nhưng quá đối chọi với nội thất thì chỉ nên mang tính điểm xuyết hoặc sử dụng vào những dịp đặc biệt như lễ tết.
Tính thời gian: thời gian và không gian luôn đi cùng nhau trong nơi cư trú; nếu ta khéo bố trí thì một tấm lịch đẹp, một chiếc đồng hồ mỹ thuật và sáng sủa vẫn dễ sử dụng hơn là căn phòng làm việc treo tranh như bảo tàng. Dĩ nhiên hình ảnh ngũ hổ sẽ hợp với năm Dần, hình ảnh rồng sẽ hợp năm Thìn hơn là hình một linh vật nào khác.
Tính hòa hợp: hòa hợp về âm dương và ngũ hành là yếu tố quan trọng để gia chủ cảm thấy ưa thích hay không một tấm tranh hay bức tượng nào đó. Có thể dễ dàng biết mình thiên về xu hướng nào (cổ điển, hiện đại…) mà chọn tranh ảnh phù hợp. Cũng có thể dễ dàng rà soát lại xem từ trước đến giờ mình gặp may mắn khi mặc chiếc áo màu nào, tấm ảnh nào của mình ưng ý nhất để mà “tốt khoe xấu che”.
Tính linh hoạt: cho dù đã chọn lựa và trưng bày được những tranh ảnh đồ vật yêu thích, thì vẫn cần lưu ý về sự thay đổi trong tương lai, giữ lại những khoảng trống và có sự linh hoạt sắp xếp để tránh nhàm chán và có điểm nhấn nhá chính là giúp nội thất tăng thêm sinh khí, sao cho mỗi khi về nhà thì chủ nhân luôn cảm thấy tự tin và thú vị với những hình ảnh có được.
- Ảnh Xuân Trang