Mặc dù nặng tới 7.500 tấn, mái vòm như tấm lưới khổng lồ là nóc Bảo tàng Louvre Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) trông như đang trôi nổi. Cấu trúc hình tổ ong này được kết bằng 7.850 ngôi sao nhôm độc đáo, cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua, tạo nên một “cơn mưa ánh sáng” đổ xuống 55 khối nhà sắc trắng lóa bên dưới; tất cả tạo thành một tuyệt phẩm kiến trúc có kinh phí xây dựng hàng tỉ USD với 9.200m2 diện tích trưng bày tác phẩm mỹ thuật.
Được kiến trúc sư lừng danh Jean Nouvel thiết kế, bảo tàng là sự kết hợp phi thường giữa mỹ thuật và kiến trúc, mới mở cửa đón khách trong tháng 11-2017. “Cái vỏ” đã tuyệt đỉnh, “cái ruột” của thiết chế mỹ thuật này càng “hớp hồn” những người say mê nghệ thuật. Nội dung và sự tuyển chọn tác phẩm của bảo tàng gây ấn tượng mạnh, với cách trưng bày tác phẩm một cách hoàn hảo đã giúp hòa quyện các dạng khách thưởng ngoạn quen thuộc, song song đó là cách giới thiệu các hiện vật cùng thời đại nhưng khác biệt về mặt địa lý, nhằm nhấn mạnh những sự tương đồng của kinh nghiệm nhân loại. Đó là lý do để Louvre Abu Dhabi được tán dương như bảo tàng có tính chất phổ quát đầu tiên trên thế giới.
Câu chuyện kể về lịch sử các nền văn minh, lịch sử mỹ thuật nhân loại
Đi qua các phòng trưng bày rộng lớn, ngắm nhìn các hiện vật và tác phẩm mỹ thuật thuộc nhiều cội nguồn văn hóa khác nhau, người xem như được nghe kể lại một câu chuyện toàn cầu. Ông Jean Francois Charnier, giám đốc khoa học của bảo tàng cũng là người lãnh đạo đội ngũ giám tuyển, mô tả nội dung trưng bày tại Louvre Abu Dhabi được thiết kế thành 12 chương của bộ sách lịch sử mỹ thuật nhân loại. Mỗi khi người xem di chuyển từ phòng trưng bày này sang phòng trưng bày khác thì một trang sách mới được mở ra. Đó là một hành trình êm ái từ thời tiền sử cho tới thời hiện đại của con người.
Lấy ví dụ, trong một không gian trưng bày hoành tráng có chín phòng lắp kính là nơi tập hợp các hiện vật thuộc nhiều nền văn hóa cách xa nhau: một bức tượng cổ Ai Cập thể hiện nữ thần Isis – thần của tình mẹ, phép thuật và sự sinh sản đang cho con là nhi thần Horus bú, cạnh đó là một tác phẩm điêu khắc Pháp thời Trung cổ, thể hiện Đức Mẹ và Chúa Hài đồng, tiếp đến là một bức tượng mẹ và con của thổ dân Yombe ở Congo, châu Phi thế kỷ XIX. Cả ba đều diễn tả tình mẫu tử thiêng liêng dù thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, ở các kỷ nguyên khác nhau. “Bảo tàng Louvre Abu Dhabi không là nơi chúng tôi giải thích mọi sự. Chúng tôi chỉ muốn khách tham quan tự đặt những câu hỏi cho chính mình và sau khi đã khảo sát tỉ mỉ 12 chương của cuốn sách mở, sẽ cố gắng tìm lấy câu trả lời”, ông Charnier nói.
Bốn cánh đan xen nhau của bảo tàng tiếp tục phác họa câu chuyện về nền văn minh nhân loại bắt đầu từ khoảng 8.000 năm trước Công nguyên, khi các cộng đồng người bắt đầu hình thành, qua đó người xem ngắm nhìn một bức tượng người hai đầu, tìm thấy ở Jordan, có niên đại 6.500 năm trước Công nguyên và hàng loạt tượng cổ khác tìm thấy ở Cyprus và vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia). Rồi tượng Ramesses II, đại đế Ai Cập; tượng các nhà cai trị ở châu Âu thời Đồ Đồng; tượng Phật Thích Ca tìm thấy ở Pakistan có tuổi gần 2.000 năm… Có những phòng chỉ dành riêng cho một nghệ sĩ hay cho một chủ đề nào đó. Chẳng hạn, trong một phòng tượng của Rodin kề bên một tác phẩm điêu khắc hình dáng tương tự nhưng có từ thời cổ La Mã. Trong một phòng được đặt tên là “Thế giới theo phối cảnh”, tác phẩm được trưng bày là bức Chân dung người đàn bà vô danh, một trong 15 bức tranh sơn dầu của Leonardo da Vinci mượn từ Bảo tàng Louvre (Paris), kế đó là tượng đồng Apollo Belvedere của nhà điêu khắc – họa sĩ người Ý thế kỷ XVI Francesco Primaticcio mượn từ Cung điện Fontainebleau cùng bức Người đàn bà với gương soi của nhà danh họa thời Phục hưng Titian.
Nhờ mối quan hệ với 13 bảo tàng mỹ thuật ở Pháp nên Louvre Abu Dhabi mượn được rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Claude Monet, Paul Cézanne, James McNeill Whistler… Trong sưu tập của Louvre Abu Dhabi còn có tác phẩm của nhiều tác giả hiện đại và đương đại nổi tiếng như René Magritte, Piet Mondrian, Cy Twombly, Mark Rothko, Alexander Calder, Ngải Vị Vị…
Bức tranh cao giá nhất mọi thời thuộc bộ sưu tập của Louvre Abu Dhabi?
Ngày 8-12-2017, nhà Christie’s đã xác nhận người giành được bức Salvator Mundi không ai khác hơn Bộ Văn hóa và Du lịch Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Abu Dhabi, giữa lúc có những đồn đoán khác nhau về chủ nhân mới của tác phẩm này. Trước đó một ngày, tờ Wall Street Journal đưa tin Thái tử Mohammed bin Salman (còn gọi là ông hoàng MBS) của Ả Rập Saudi là người đứng đằng sau thương vụ trị giá 450 triệu USD. Thông tin này chỉ đến sau một ngày khi tờ New York Times khẳng định người mua bức Salvator Mundi là một ông hoàng khác của Ả Rập Saudi: Bader bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan al-Saud. Thế nhưng ông hoàng Bader này không giàu có tới mức vung tiền nhiều như vậy, và theo New York Times thì ông ta chỉ là người đại diện cho Bộ Văn hóa và Du lịch Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cũng theo tờ Wall Street Journal, chính quyền Ả Rập Saudi đã mua bức tranh để tặng cho nước bạn vùng Vịnh: “có thể giả định đó là món quà tặng cấp nhà nước, giống như nước Pháp đã tặng nước Mỹ bức tượng Nữ thần Tự do”, tuy nhiên các viên chức Ả Rập Saudi lại phủ nhận ông hoàng MBS là người đã mua bức Salvator Mundi.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Văn hóa và Du lịch Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng xác nhận giống hệt với nhà Christie’s nhưng lại từ chối không cho biết cơ quan này có mua tranh hay không. Và trên mạng xã hội Twitter, Bảo tàng Louvre Abu Dhabi loan báo Salvator Mundi dự kiến được trưng bày tại đây nay mai!