Không như một số suy nghĩ lâu nay xem phong thủy thuộc về truyền thống xưa cũ, các nước phát triển có ảnh hưởng văn hóa phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều đặt phong thủy trong bối cảnh phát triển đương đại, thậm chí là công cụ dự báo tương lai qua hệ thống Trạch cát, Huyền không phi tinh. Khoa học phong thủy bên cạnh khả năng tổ chức không gian theo quy luật của triết lý Đông phương, còn mang tính tổng kết, tích lũy và kế thừa. Giống như các dân tộc cùng gốc văn hóa phương Đông có sử dụng lịch nông nghiệp, người Việt luôn xem thời khắc cuối năm cũ (đầu năm mới Dương lịch) là lúc “ôn cố tri tân”, nhìn lại chặng đường năm qua để rút kinh nghiệm, định hướng đi tiếp. Các xu thế kiến trúc – nội thất nổi trội hiện nay có thể cơ bản nhìn nhận qua vài nét sau:
Xem trọng cả hình lẫn thế
Nhiều giải pháp không gian mở, không gian linh hoạt hiện nay đều ít yếu tố tạo hình hoặc bố cục thuần túy thẩm mỹ nữa, mà thiên về tạo ra cấu trúc, cảm xúc, định vị không gian nhiều hơn. Điều này tương tự nguyên tắc phong thủy truyền thống vốn xem trọng cả hình lẫn thế, trong đó hình là cận cảnh – thế là viễn cảnh, có thể chỉnh hình nhưng rất khó sửa thế, tạo thế tốt sẽ tạo hình tùy nghi.
Nơi ta sống cần đẹp và có hình thức hấp dẫn, nhưng cần hơn cả vẫn là tiện dụng và bền vững về nhiều mặt. Do đó có thể thấy nhà xưa cơ bản là giống nhau về đại thể, chỉ khác biệt chi tiết, toàn thôn xóm làng mạc nhất quán cùng kiểu thức, nhưng khi đi vào từng nhà thì đa dạng về nội thất và khác biệt trong sắp đặt tùy gia cảnh. Có thể nói, ngày nay các công trình cầu kỳ, tốn kém, phô trương hình thức mang tính đơn lẻ, trong khi đó nhờ sự chia sẻ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã góp phần định vị một lớp gia chủ cũng như nhà thiết kế biết “nhìn trước ngó sau” nhiều hơn khi tạo dựng nhà cửa, tránh được các lối mòn nhàm chán, cũng không dị hợm quá mức.
Nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế được trao cho các nhà thiết kế Việt trong thời gian qua đều hướng đến giá trị của sự “nhỏ mà tinh”, không cầu to lớn, chỉ mong hài hòa. Cho nên dù là căn gác nhỏ chốn phồn hoa hay quán cà phê miền viễn xứ; dù là nhà hàng nơi đồi dốc hoặc nhà phố giữa thị tứ chen chúc thì đa số đều lấy giá trị hòa hợp làm cốt lõi, ít những biến đổi gay gắt mà thiên về tạo lập không gian trên nền tảng địa phương, xã hội cụ thể, đặc thù.
Cũ hay mới đều cần chăm chút phù hợp
Những kiểu nhà kế thừa dạng biệt thự cổ điển phong cách Đông Dương – gọi nôm na là “nhà Tây” – đã có thời gian dài “làm mưa làm gió” nơi phố thị, đến hôm nay vẫn được đại đa số gia chủ tuổi trung niên xem như mẫu mực của sự sang trọng. Tuy vậy khi áp dụng theo kiểu sao chép cứng nhắc vào nhà thời mới thì đem lại sự lệch pha về văn hóa và thẩm mỹ, chưa kể nội thất có sự khác biệt về tiện nghi sinh hoạt nhà xưa – nhà nay đến cả trăm năm. Điều này đang dần được các thiết kế hiện đại điều chỉnh, nét xưa hồn cũ giờ đây mang diện mạo cách tân hơn, chỉ gợi ý niệm chứ không tả sát thực, lược bỏ chi tiết rườm rà, bảng màu hiện đại biết phối trộn có cân nhắc các giá trị cũ và mới.
Yếu tố thủ công trong hoàn thiện cũng được các quán xá, nhà ở, văn phòng công ty… xem như điểm nhấn sáng tạo, nét độc đáo, rất gần với cách thức hoàn thiện công trình của tiền nhân trước kia. Tô đá mài, uốn sắt nghệ thuật, vẽ lên tường và trần, ốp lát gạch bông, bao che bằng gạch bông gió hoặc lam xi măng, lấy gỗ tận dụng làm hoàn thiện và đồ dùng…, tất cả đều đã từng phổ biến một thời, nay đang được nhiều nhà thiết kế thế kỷ XXI phát huy trên cơ sở học hỏi không ít những công trình cũ của các thập niên 1950-1970 vốn ngày càng trở nên hiếm hoi trong tiến trình đô thị hóa.
Hoài niệm song hành đương đại
Dạo quanh các resort Việt hiện hữu có thể thấy hình ảnh các làng quê Việt “di cư” bởi sự sao chép hàng loạt chi tiết, kiểu dáng nhà truyền thống mọi miền cả nước đưa vào không gian nghỉ dưỡng. Tùy chỗ cách làm này hoặc tạo ra một phong thái dân dã, hoặc gợi nhắc quá khứ cung đình, nét đẹp vàng son một thuở. Nhưng về tổng thể thì nhà ở nói chung, biệt thự hiện nay và resort nói riêng khác hẳn cấu trúc làng xã truyền thống, nên nếu chỉ biết thuần túy sao chép nhà xưa mà thiếu vắng các giải pháp mang tính đương đại và bền vững ắt sẽ dẫn đến lệ thuộc vào kiểu thức nhà, biến không gian thành nơi sắp đặt thuần túy, chất chồng đồ xưa vật cũ, khó mang được hơi thở cuộc sống cụ thể của thời điểm hiện tại.
Ở những vùng đất nổi tiếng về resort nhiệt đới như Thái Lan, Bali (Indonesia) hay Maldives, các yếu tố thuần nhất, bản địa trong xử lý kiến trúc và cảnh quan luôn được đề cao trong thiết kế nhưng không trùng lắp về kiểu thức nhà xưa. Gần đây, các công trình nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch ở xứ ta đã phần nào tiệm cận giá trị tạm gọi là “dân gian đương đại” đó. Kiểu thức “bán cái nhà quê, thuê cái cổ kính” thể hiện qua trưng bày chum vại, chó đá hay treo đèn lồng rồng phượng đã bớt dần. Thay vào đó là sự chắt lọc hình khối, đi đến giản lược nhiều hơn, nét kỷ hà và hình cơ bản được sử dụng như sự trở về với tư duy Á Đông “làm như không làm” trong triết lý của Lão Tử. Cũng vì hiểu ra triết lý “Vo đất làm bình cốt dùng ở phần rỗng bên trong” nên không ít gia chủ hiện nay đã biết chăm chút nhiều đến phần hữu dụng và cá tính, thậm chí đặt làm riêng hoặc tìm kiếm đồ xưa, vật dụng, bàn ghế, tranh ảnh cho nội thất nhà mình, xa dần cái vỏ cầu kỳ của một thời xây nhà chóp này đỉnh nọ mà ruột bên trong chất đầy hàng nhái lòe loẹt, ngoại lai.
Xanh, và không chỉ là cây xanh
Chung quanh giải pháp xanh hóa công trình có khá nhiều ý kiến trái chiều, bởi bên cạnh nỗi lo về môi trường sống ngày càng ô nhiễm, đô thị ngày càng bê tông hóa còn có sự quan tâm đến các giải pháp xây dựng bền vững để có thể giải quyết hiệu quả bài toán về năng lượng, đất đai, kỹ thuật… Ở một số công trình hiện nay, cây xanh thường được dùng như một thủ pháp bề nổi, nhưng xét theo phong thủy và văn hóa truyền thống thì Mộc cũng chỉ là một trong Ngũ hành, nếu thiên lệch đến mức phụ thuộc vào bất kỳ hành nào đều là trái quy luật tự nhiên. Ngôi nhà còn cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ về thông gió, chiếu sáng, ngăn bụi, giảm ồn, sử dụng tài nguyên nước và năng lượng hiệu quả…, nên cây xanh phủ trên mái hay mặt dựng công trình chưa phải là “chiếc đũa thần”. Có nơi mảng cây xanh trở thành gánh nặng cho gia chủ khi không được chăm sóc đúng và đủ, tốn kém đầu tư ban đầu lẫn chi phí duy tu, bảo dưỡng. Cần nhớ lại nếp nhà hợp phong thủy theo truyền thống không hề cổ súy trồng cây xanh mọi nơi mọi lúc, mà phải có sự hạn chế để phòng Mộc thừa sinh Hỏa hoạn, rễ cây ăn nền, côn trùng và đạo tặc xâm nhập, bóng râm che khuất khiến âm thịnh dương suy… Kinh nghiệm “trước cau sau chuối”, chọn cây theo bộ, theo nhóm, theo đặc thù, có danh mục kiêng kỵ một số cây không trồng gần nhà hay đặt trong nhà… đều rất cần lớp hậu sinh khả úy biết đúc kết và kế thừa một cách hợp lý, tránh lạm dụng.
Tiết kiệm đúng chỗ, nhấn nhá có gu
Xu hướng thiết kế bền vững hiện đang được nhắc đến nhiều, nhưng với đa số gia chủ và nhà thiết kế Việt chưa thực sự dư dả kinh phí lẫn không gian để “tung hoành” thì vấn đề giảm chi phí và tạo cá tính là xu hướng thu hút nhiều quan tâm. Thực tế vẫn cho thấy, làm một ngôi nhà bền vững đúng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành không hề rẻ chút nào, do đó giải pháp kiến trúc và nội thất tiết kiệm luôn song hành với những xử lý đơn giản, chủ động từ đầu mà ngôi nhà truyền thống Việt đã áp dụng xưa nay. Cụ thể là một số giải pháp đơn giản mà hữu hiệu trong xử lý không gian nhà cửa thoáng mát mà cũng thật tiết kiệm như sau:
– Sau thời kỳ “bám mặt tiền” và tận dụng tối đa diện tích, hiện nay đa số gia chủ đã ý thức được việc hướng nội và thông thoáng để cùng nhà thiết kế biến giếng trời (thiên tỉnh) thành điểm nhấn thông thoáng và làm đẹp cho ngôi nhà. Nguyên tắc đơn giản “bí đâu mở đó” để mở giếng trời đúng vào chỗ mà ngôi nhà thiếu thông thoáng, ví dụ như sân sau nhà sẽ thông thoáng cho bếp và phòng ăn, sân giữa nhà lấy không khí cho khu cầu thang, vệ sinh, phòng ngủ trên lầu… giúp cân bằng âm dương, đặc rỗng, đưa dương quang xuống sâu hơn trong điều kiện nhà ống bị vây bọc tứ bề mà nhà ống Hội An hay Hà Nội xưa đều đã xử lý khá tốt.
– Tăng khoảng đệm cho mái, cho tường hay dạng mặt đứng, mặt mái nhiều lớp là giải pháp kiến trúc hiện đại, rất hợp điều kiện khí hậu và môi trường Việt Nam. Cấu trúc nhiều lớp khi lợp mái truyền thống, hay tấm phên che nắng gắt nơi hàng hiên nhà xưa vẫn luôn đáng học hỏi để nhà mới chống nóng đồng thời với thông gió hiệu quả. Ví dụ như thay vì làm phòng ra sát ban công hướng Tây nắng gắt thì nên lùi vào khoảng cách đủ tạo nên lớp hiên đệm bằng lam hay gạch bông gió chắn bớt bức xạ vào nhà, trồng được đôi chút cây xanh, tạo nên “lớp rèm xanh” che chở phần nào cho nội thất, đồng thời từ trong nhà nhìn ra luôn thấy thoải mái thư giãn hơn.
– Câu “nhà sạch thì mát” hiện nay không đơn thuần là sự lưu ý dọn dẹp vệ sinh nữa mà là “phương châm” để các thiết kế hiện đại hướng đến tiêu chí nhà “sạch” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: “sạch” về môi trường, “sạch” về thị giác (phong cách tối thiểu, hiện đại, ít trang trí thừa). Nhà sạch hiện đại không có quá nhiều chủng loại vật liệu hay màu sắc, mà dựa trên một chủ đề cơ bản, kể một câu chuyện nhất quán, ví dụ như phong cách công nghiệp, retroliving, scandinaves… giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức dọn dẹp, bảo trì, đồng thời khẳng định cá tính riêng của chủ nhân. Nhiều vị trí, chi tiết trong nhà ở vài năm gần đây đã biến đổi theo hướng “sạch” hơn nhằm giảm bớt chi phí thi công, vật tư mà lại gọn ghẽ hơn, thời trang hơn. Ví dụ như giảm bớt đóng trần giật cấp nhiều lần phức tạp và tốn kém, không chạy phào – viền – chỉ cầu kỳ, thậm chí để lộ kết cấu và đường ống trên trần… đi cùng đèn LED và đèn tiết kiệm điện là xu hướng bắt đầu phổ biến. Hay việc giảm bớt các hốc lồi lõm trang trí không cần thiết, ốp lát rườm rà, tạo nên mảng trống rộng để tăng khả năng trang trí linh hoạt hơn, thay vì phụ thuộc vào những kiểu dáng đóng khung gò bó và khó thay đổi khi cơ cấu nhân khẩu trong gia đình biến động.
Chưa khi nào các công trình vừa và nhỏ lại có nhiều tìm tòi và dấu ấn riêng như hiện nay. Trong phạm vi kiến trúc và nội thất nhà ở, đó là những điểm sáng đáng quan tâm. Qua những giải pháp cụ thể kể trên, có thể chiêm nghiệm đôi điều thuộc về hiện tượng, xu hướng hay đơn giản hơn là những biểu hiện vừa mang tính hoài niệm vừa có thể là một vài dự báo đáng lưu tâm trước thềm năm mới.
- Ảnh Xuân Trang