Mới đây, lần đầu tiên, tỉnh Đồng Nai quyết định đầu tư hai cụm công nghiệp để làm thí điểm nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.
Mục tiêu là sẽ có dự án hoạt động vào cuối năm nay. Hai cụm công nghiệp được chọn là Phú Túc (huyện Định Quán) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ).
Quyết định đầu tư này nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó có 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn số doanh nghiệp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong 27 cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có cụm công nghiệp chuyên ngành về chế biến nông sản thực phẩm và có chín cụm công nghiệp đa ngành nghề có bố trí ngành chế biến nông sản, thực phẩm.
Theo quy hoạch, cụm công nghiệp Long Giao có diện tích 57,3 hécta, toàn bộ diện tích này hiện do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý. Sở Công thương đề xuất dành 50% quỹ đất công nghiệp ưu tiên bố trí ngành chế biến nông sản thực phẩm, phần quỹ đất còn lại sẽ thu hút các ngành công nghiệp có lợi thế của địa phương.
Ở cụm công nghiệp Phú Túc, dự kiến sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm. 40% diện tích đất công nghiệp còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, cũng như bố trí một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai thì tỉnh đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng như: 44 ngàn hécta cao su, 34 ngàn hécta điều, 19 ngàn hécta cà phê, 9 ngàn hécta tiêu, 10 ngàn hécta chôm chôm, 10 ngàn hécta xoài và gần 3 ngàn hécta sầu riêng…
Đồng Nai cũng đứng đầu cả nước về số lượng trang trại với hơn 3,8 ngàn trang trại. Đặc biệt, hiện tỉnh đã phê duyệt triển khai 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Khoảng một năm trở lại đây, dòng vốn lớn đang chảy mạnh vào các dự án chế biến để hình thành chuỗi sản xuất khép kín và tăng giá trị cho ngành nông nghiệp. Sau những doanh nghiệp đi đầu đổ vốn làm nông nghiệp như Vingroup, Tập đoàn TH, Doveco; tháng 2-2019 Thaco cũng đã động thổ dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ, quy mô 194,36ha tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tổng vốn đầu tư 7.800 tỉ đồng.
Dự án của Thaco bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực, thực phẩm…
Tiếp đó Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng bước chân vào nông nghiệp với dự án có quy mô vốn tới 3.300 tỉ đồng tại Quảng Nam.
Dự án có tổng diện tích đất sử dụng hơn 278ha, thời hạn hoạt động 50 năm. Mục tiêu của dự án này là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất.
Hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Theo kế hoạch, đến năm 2024, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động.
Một tổ hợp dự án ngành nông nghiệp khác cũng đang được Công ty TNHH Thương mại chế biến nông, lâm sản Đường Vạn Phát triển khai xây dựng tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai).
Với tổng mức đầu tư hơn 375 tỉ đồng, Công ty Đường Vạn Phát xây dựng một khu liên hợp có diện tích gần 40ha, gồm các nhà máy sản xuất sirô cô đặc; sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mì, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất phân vi sinh tổng hợp.
Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Đường Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000ha và vùng nguyên liệu mì 12.000ha.
Tính tới thời điểm này, Công ty Đường Vạn Phát đã triển khai đầu tư các hạng mục của nhà máy sirô cô đặc đạt khoảng 25% khối lượng.
Dự kiến, quý IV-2019, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sirô cô đặc và năm 2020 đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp.
Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Nafood đã có chuyến đi khảo sát tại tỉnh Bình Thuận để tính toán xây dựng một nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu, giúp địa phương giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị quả thanh long.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, Việt Nam chỉ còn cách hình thành các chuỗi sản xuất, đầu tư mạnh vào các dự án chế biến sâu.
Sự dịch chuyển trong đầu tư nông nghiệp theo hướng này càng được thấy rõ khi nhìn vào kết quả xuất khẩu hơn 40 tỉ USD trong năm qua.