Mùa nóng luôn đặt ra nhiều vấn đề cho việc xử lý không gian cư trú của xứ sở nhiệt đới. Dĩ nhiên, vẫn có thể tạo sự mát mẻ bằng hệ thống cơ khí, điện lạnh… nhưng trong xu thế xây dựng nhà ở thân thiện môi trường ngày càng cấp thiết hiện nay, thì mỗi nhà nên cân nhắc chọn lựa giải pháp xây nhà chống nóng sao cho phù hợp, như cha ông ta thuở chưa có máy điều hòa mà vẫn khéo xoay xở được! Làm sao giải quyết các câu hỏi song hành thú vị: đón Hỏa như hơi ấm không thể thiếu cho sự sống, vừa có thể khắc chế Hỏa, tiết giảm bớt những tác động xấu của Hỏa vào nơi cư ngụ? Hạ Hỏa cho nhà từ xa đến gần, từ đại thể đến chi tiết, từ vật lý đến tâm lý… là những giải pháp phong thủy cần lưu tâm.
Ứng xử tốt từ ngoài
Khoa học phong thủy luôn nhắc nhở người làm nhà quan tâm đến Tạo Thế chứ đừng quá thiên về Tạo Hình. Hãy xem nhà xưa Tạo Thế tránh nắng gắt, đón gió mát như thế nào: phơi mặt nhà dài (cùng với mở rộng cửa) về hướng nam – bắc, xoay tường đầu hồi ngắn (và hạn chế mở cửa) sang trục đông – tây. Mái nhà Việt Nam tương tự chiếc nón lá, rất đặc trưng trong cách ứng xử với cái nắng xứ nhiệt đới nhờ sự vươn rộng nhẹ nhàng, ngăn bức xạ trực tiếp, tạo bóng đổ xuống thấp và thoát khí nóng lên cao. Cộng thêm với hệ thống hàng hiên chạy quanh, dùng tấm liếp ngăn nắng chói, tạo vùng đệm bằng hành lang, bậc thềm… là những kinh nghiệm mà hiện nay công trình dù lớn hay nhỏ nếu biết kế thừa sẽ rất hiệu quả về khí hậu và tiết giảm năng lượng để làm mát. Rõ ràng là mặt ngoài nhà hướng tây không thể mở cửa sổ y hệt như mặt nhà hướng đông nam, hoặc nếu dùng lam che thì cũng không thể chỉ có một loại lam mà dùng cho mọi hướng, vì góc mặt trời chiếu nắng và tính chất bức xạ các hướng rất khác nhau, đó là chưa kể sự thay đổi theo mùa cộng thêm yếu tố mưa tạt, tầm nhìn, cũng như đặc thù không gian bên trong nữa.
Do đó, nếu ngôi nhà luôn thấy nóng bức thì rất cần rà soát lại cách thức che chắn bên ngoài và các yếu tố ngoại cảnh từ xa đến gần, trước khi quyết định gắn máy lạnh hay xử lý bên trong. Những lớp đệm cách nhiệt có được do bao che bên ngoài và nương nhờ ngoại cảnh (ví dụ có nhà khác chắn bớt, có cây xanh) hoặc bản thân tạo ra (ví dụ hình khối lồi lõm, vươn mái xa hoặc dùng lam dày) rất cần vận dụng khéo léo.
Mặt khác, kiểu làm nhà xâm lấn tối đa diện tích đất cũng khiến triệt tiêu hết các khoảng “thở”, không khí bị nung nóng nhiều hơn vì các bề mặt “cứng” tích tụ nhiệt và phản xạ lại ánh sáng chói chang. Các khảo sát khoa học chứng minh những ngôi nhà nhiệt đới xây dựng ở thời chưa có vật liệu hiện đại chủ yếu dùng mảng đặc và trổ cửa có tính toán, dùng hành lang bao bọc, tường gắn gạch bông gió hoặc lam che nắng bố trí hợp lý… đều có các thông số nhiệt độ và độ thoáng bên trong rất lý tưởng, dễ chịu. Cách xử lý khuôn viên bao quanh khá mềm như rào bằng cây, thảm cỏ chứ không bê tông hóa toàn bộ sân, có mặt nước bốc hơi bên ngoài… cũng góp phần giảm thêm đáng kể lượng nhiệt phản xạ chung quanh vào nhà, làm mát cả về thị giác nữa.
Hô hấp tốt bên trong
Hạ Hỏa từ bên ngoài là điều kiện cần, nhưng để ngôi nhà hô hấp tốt thì điều kiện đủ phải là biết đóng mở hợp lý các miệng hút gió và thoát gió bên trong, thông qua cách ngăn phòng, mở giếng trời, và không “vô tình” đưa hơi nóng vào nhà. Ví dụ như giếng trời giúp lấy sáng và thông thoáng cho nhà ống tốt hơn, nhưng đó cũng là “đường dẫn” nắng gắt chói chang vào sâu trong nhà nếu không khéo bố trí, điều mà không ít nhà phố hiện đại sau một thời gian “ngước lên” nhờ giếng trời đã phải che chắn trở lại rất nhiều. Vậy cách xử lý giếng trời ở nhà ống kiểu Hội An, hay Hà Nội xưa thì sao? Có thể thấy cha ông ta không hề xem đó là một… cái giếng thông lên trời, mà không gian giao hòa Âm Dương này luôn được xử lý như một mặt tiền khác bên trong của ngôi nhà, tức là từ cách mở cửa, bố trí hành lang, cho đến tạo mái hiên, chỗ sinh hoạt… nơi giếng trời, sân trong của nhà ống truyền thống đều luôn tôn trọng nguyên tắc vừa mở vừa đóng, vừa linh hoạt mà vẫn chủ động.
Cảm giác ngột ngạt, chật chội và nóng bức cũng dễ đến khi nội thất có nhiều khoảng vát chéo, hốc tường nhọn, gầm cầu thang… Xu hướng hiện nay là cầu thang ngày càng được thiết kế nhẹ và thoáng hơn, thang hở để thông gió theo chiều đứng, thang có lan can giản dị mà an toàn, rồi làm hồ khô, xếp đặt tiểu cảnh gầm thang nhẹ nhàng, làm kiểu greenwall có chọn lọc, và nếu có nước thì nên làm nước chảy luân chuyển róc rách vui tai, cũng là một cách làm mát mẻ thêm cho nội thất. Do tính chất Mộc sinh Hỏa, nên nếu lạm dụng vật liệu gỗ trong nhà nhiều khi sẽ tăng cảm giác nóng, nhất là với nhà phố hẹp. Do vậy khi dùng chất liệu gỗ cần chú ý một bảng màu có Kim có Mộc, tức là gỗ màu nóng đi với gam trắng hay xám sẽ cân bằng hơn là màu nâu gỗ đi với màu gạch hoặc tường toàn màu vàng màu cam thì Hỏa càng tăng!
Hạ Hỏa cho nội thất còn là giảm bớt các bề mặt bê tông hay kim loại bị “cứng” hóa, để thay thế bằng các mặt tiếp xúc “mềm” hơn, thiên nhiên hơn. Một mảng tường có dây leo xanh luôn mát mẻ hơn là tường phẳng lì chói chang. Dùng kính cũng phải lưu tâm đến hiệu ứng nhà kính, một loại “bẫy” tích tụ nhiệt trong nhà khi đóng kín cửa, vì thế chọn hình thức cửa dạng nan chớp, cửa lật xoay được, hộp kính có lớp chân không cách nhiệt…) sẽ có tác động không nhỏ đến nhiệt độ trong nhà.
Việc bố trí ánh sáng hợp lý cũng điều tiết hành Hỏa tốt cho nhà. Ví dụ ban đêm (Âm thịnh) dùng nhiều ánh sáng vàng, chiếu sáng điểm và bổ sung đèn pha vào các góc khuất, còn ban ngày Dương thịnh thì cần bổ sung ánh sáng trắng, kiểu ánh sáng khuếch tán để làm dịu không gian. Việc lạm dụng đèn mắt ếch, đèn pha và đèn chùm cũng gây ra những mảng sáng gắt và nóng. Có thể kiểm soát cường độ ánh sáng bằng cách dùng chụp đèn, dùng các bề mặt hắt sáng gián tiếp và khéo giấu đèn trong các chi tiết trang trí (như hồ cá cảnh, quầy bar).
Vận dụng ngũ hành đúng và đủ
Các trường phái phong thủy ứng dụng Ngũ Hành vào nội thất thường quan tâm đến Hành của gia chủ để chọn màu – đèn – đồ đạc sao cho tương sinh, kiểu như người mệnh Thổ thì dùng nhóm bộ ba Hỏa (sinh) Thổ (sinh) Kim. Tuy nhiên, ngũ hành trong không gian sống không chỉ gắn bó với mệnh chủ của một hai người, mà tồn tại và tương tác với quan hệ đa chiều, đồng thời chịu sự tác động của thời gian (thời vận, thời tiết, thời điểm). Do đó cần hiểu đúng và dùng đủ các tính chất của Ngũ hành để hài hòa hơn. Thực tế có những màu hay chất liệu nhìn đơn lẻ thì thấy nhẹ nhàng, nhưng khi đặt trong nơi ăn ở cụ thể thì gặp ánh sáng hắt vào phản chiếu lại gây cảm giác chói chang, khó chịu. Hoặc có những màu như xanh biển, xanh lá cây được xem là màu dịu mát, nhưng nếu đó là màu bao phủ toàn nhà thì sẽ gây hiệu ứng buồn tẻ, đơn điệu trong những vị trí cần kích hoạt khí vui tươi như nơi sinh hoạt chung, phòng ăn…
Mỗi hướng khí hậu và hướng tiếp cận công trình đều có những đặc tính khác nhau, cần lựa chọn màu sắc, chất liệu sao cho tương ứng. Những hướng nắng gắt (như tây nam, tây) thường cần giảm bớt độ chói nên dùng những màu nhạt và phối hợp có chuyển tiếp trên bề mặt nhám, tránh phản quang. Còn những hướng nhận ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian bề mặt nhận sáng không nhiều trong ngày (bắc, đông bắc) thì nên dùng những màu tươi sáng và phối hợp tương phản. Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (đông nam, nam) thì có thể dùng màu sậm và đa dạng hơn, thậm chí những màu mang tính truyền thống như đỏ bã trầu, vàng đất, xanh rêu… tuy khá đậm nhưng cũng rất dịu, không hề chói gắt mà nhà cửa truyền thống ở Huế, Hội An quen dùng xưa nay. Theo các chuyên gia về vật liệu, màu của vật liệu tự nhiên như màu gạch trần, sỏi đá, bề mặt phủ dây leo… luôn thể hiện trung thực chất liệu và sắc thái thiên nhiên sẽ giúp bề mặt nội ngoại thất công trình “dễ thở” hơn là những ngôi nhà được phủ lớp “phấn son” láng bóng và rực rỡ. Mặt khác, nhà ở thiên về tính Tĩnh và Âm hơn so với công trình dịch vụ, hoặc giải trí, vì thế cần cân nhắc kỹ trước khi dùng những chất liệu nổi bật, phản quang hay đòi hỏi bảo trì thường xuyên phức tạp.
- Ảnh Xuân Trang