Trước buổi đấu giá tác phẩm của các bậc thầy hội họa cổ điển châu Âu tại nhà Sotheby’s, lần đầu tiên có một sự cộng tác giữa một nhà đấu giá quốc tế lớn nhất và một thương hiệu thời trang hàng đầu ở thủ đô nước Anh.
Ngày 4-7-2018, tại nhà đấu giá Sotheby’s ở London sẽ diễn ra buổi đấu giá tác phẩm của các tên tuổi lớn thời Phục hưng như Peter Paul Rubens, Lucas Cranach the Elder; các họa sĩ từng cộng tác hay làm việc trong xưởng vẽ của Leonardo da Vinci; các họa sĩ Kỷ nguyên Vàng của hội họa cổ điển Hà Lan cho đến các tác giả Anh thế kỷ XVIII. Trong số tranh sẽ đấu giá, có 16 tranh chân dung đã được chính Victoria Beckham chọn để trưng bày tại cửa hàng thời trang với thẩm mỹ hiện đại của cô trên đường Dover ở khu Mayfair sang trọng của London như một cách tiếp thị độc đáo cho Sotheby’s.
Về cuộc triển lãm bắt đầu từ ngày 24-6 này, Victoria Beckham chia sẻ: “Chính chuyến tham quan đầu tiên của tôi tại Bảo tàng mỹ thuật Frick ở New York(*) năm ngoái đã thực sự khai thị cho tôi về các bậc thầy cổ điển, và tôi đã bị mê hoặc từ ngày ấy. Ngày nay tôi có được cơ hội để bắt đầu học hỏi về các họa sĩ đó cùng đội ngũ tuyệt vời của Sotheby’s, và việc các tranh chân dung của họ được trưng bày trong cửa hàng thời trang của tôi đúng là một giấc mơ đã thành hiện thực. Tôi hy vọng cuộc triển lãm các tác phẩm cổ điển trong một không gian đương đại sẽ đem đến sự hứng khởi cho các khách hàng của tôi cũng như cho chính tôi”.
Với các bức tường trắng và sàn nhà bóng loáng, cửa hàng của Victoria Beckham trên đường Dover là một địa chỉ thời trang có uy tín nhất ở London. Không gian này do kiến trúc sư nổi tiếng Farshid Moussavi thiết kế và được khai trương vào năm 2015, từng là nơi tổ chức các dự án hợp tác nghệ thuật với nhiều nghệ sĩ đương thời của Anh như Martin Creed, Eddie Peake và Emily Young. Mười sáu bức tranh chân dung sẽ đấu giá tại Sotheby’s được trưng bày khắp ba tầng của cửa hàng.
Có thể kể: Chân dung một thiếu phụ nhìn nghiêng, tác giả là một họa sĩ thời Phục hưng ở Milan, người chịu ảnh hưởng của Leonardo da Vinci (giá ước tính: 1 triệu – 1,5 triệu bảng Anh); Chân dung người đàn ông mặc áo khoác với cổ lông lốm đốm của Lucas Cranach The Elder (1,5 triệu – 2 triệu bảng Anh); Chân dung nữ công tước Mary xứ Burgundy, tác giả là một họa sĩ Hà Lan thế kỷ XV (1 triệu – 1,5 triệu bảng Anh); Chân dung nhà quý tộc có râu ở Venice của Peter Paul Rubens (3 triệu – 4 triệu bảng Anh), Chân dung tự họa của Ferdinand Bol (300.000-500.000 bảng Anh)…
(*) Nơi trưng bày bộ sưu tập Frick ở khu Manhattan, với nhiều tác phẩm hội họa châu Âu cổ điển, do nhà công nghiệp Henry Clay Frick (1849-1919) xây dựng