Hãy thử nhớ lại nụ hôn đầu tiên của bạn. Có thể bạn là một trong những người may mắn, cảm thấy khoảnh khắc đó là màu hồng. Cũng có thể đó là một nụ hôn thật vụng về. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi nụ hôn có từ bao giờ không? Vì sao con người phải vận dụng đến sự giao tiếp bằng miệng? Những phần sau đây sẽ lần lượt giải đáp những thắc mắc như thế.
Cho ăn bằng cách hôn
Nụ hôn từ lâu đã được xem là một “mô hình phát triển văn hóa của thế giới phương Tây” theo quyển So sánh hành vi: Nghiên cứu người, nghiên cứu động vật. Nhưng vào năm 1915, hai nhà nghiên cứu đã quan sát những con tinh tinh trưởng thành đang mớm thức ăn cho nhau bằng cách hôn. Cho ăn bằng nụ hôn, hay còn gọi là mớm thức ăn, là hành động nhai thức ăn và sau đó đưa nó vào miệng đối tượng. Nghe có vẻ kỳ quặc, đây không chỉ là động tác chỉ có các động vật thực hiện. Con người, chủ yếu ở một số khu vực trên thế giới, cũng mớm thức ăn cho những em bé của họ.
Do đó, người ta đã đưa ra giả thuyết hôn rất có thể bắt nguồn từ việc cho ăn bằng miệng. “Trong một bối cảnh rộng hơn”, quyển So sánh hành vi cho biết, “điều này phù hợp với quy tắc chung hơn, rằng hành vi của người mẹ thường trở thành những khuôn mẫu được sử dụng để diễn tả tình cảm hoặc để tạo thêm sự gắn bó”.
Nụ hôn đầu tiên
Nụ hôn, ít nhất như chúng ta biết cho đến bây giờ, vẫn là điều khá mới mẻ, Rafael Wlodarski, nhà khoa học thuộc Đại học Oxford của Anh, đã xác nhận với BBC Earth như vậy. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bằng chứng rằng người ta đã từng làm một điều gì đó tương tự như nụ hôn thời hiện đại từ 3.500 năm trước. Các văn bản tiếng Phạn kinh Vệ Đà của đạo Hindu mô tả hình thức của nụ hôn là “hít vào tâm hồn của lẫn nhau”.
Khoảng 500 năm sau, hành vi từ miệng đến miệng cũng được mô tả trong sử thi Mahabharata. Trong thực tế, ngay cả từ ngữ “nụ hôn” cũng đến từ Ấn Độ. Vaughn Bryant, nhà nhân chủng học nghiên cứu về khoa học nụ hôn thuộc Đại học Texas A & M, giải thích với tờ Wall Street Journal rằng từ nguyên của từ “kiss” (nụ hôn) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ “kus” đã được sử dụng ở Ấn Độ. Như vậy, nụ hôn đầu tiên rất có thể đã diễn ra ở đất nước Nam Á này.
- Xem thêm: Những chuyện khó tin về nụ hôn
Hôn theo kiểu người La Mã
Sau khi nụ hôn đã thăng hoa ở Ấn Độ, các nhà nghiên cứu tin rằng hoạt động này bắt đầu lan rộng trên toàn cầu nhờ Alexander Đại đế và đội quân khổng lồ của ông vì ông đã chinh phục phần lớn thế giới, và từ đó nụ hôn đã có một chuyến du hành đi khá xa!
Nụ hôn được cho là đã trở nên đặc biệt phổ biến ở Rome; Neel Burton, nhà tâm lý học và triết gia, đã giải thích trong bài báo cho tờ Tâm lý học Ngày nay như sau, “Người La Mã đã hôn người bạn đời hoặc người yêu, gia đình và bạn bè và người cai trị của họ. Họ phân biệt một nụ hôn trên bàn tay hoặc trên má (osculum) với nụ hôn trên môi (basium) và một nụ hôn sâu hoặc nồng nàn (savolium)”, ông viết. Rome cũng là nơi khai sinh của nụ hôn trong ngày cưới.
Tuy nhiên, cùng với sự sụp đổ của Rome, nụ hôn như một cử chỉ lãng mạn đã hoàn toàn bị mai một. Mãi đến một ngàn năm sau, nụ hôn mới tìm lại được trải nghiệm lãng mạn. “Nụ hôn của Romeo và Juliet là biểu tượng của phong trào này, họ đã tìm cách tách rời sự tán tỉnh ra khỏi sự kiểm soát của gia đình và xã hội, đồng thời tôn vinh tình yêu lãng mạn như sức mạnh của tự do, tự quyết và có tiềm năng nổi loạn”, Burton giải thích. Nụ hôn đã thắng thế.
Những nụ hôn bằng mũi
Không phải mọi nụ hôn đều tiếp xúc bằng miệng. Cho ví dụ, các hình thức hôn nhau trước đó, có nhiều khả năng để ngửi mùi hơn là động tác thực sự ấn hai chiếc môi vào nhau. Cho đến đầu những năm 1900, hành động ngửi khác hẳn với nụ hôn như chúng ta biết vẫn phổ biến trên các khu vực ở Ấn Độ. Những kiểu hôn bằng mũi vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
David Joanasi, viên chức thông tin của Inuit Tapiriit Kanatami, một nhóm đại diện cho người Inuit, đã giải thích một hình thức hôn phổ biến trong văn hóa của anh: một “Kunik”, qua đó thay vì hôn nhau, đôi tình nhân chỉ khẽ chạm hai cái mũi vào nhau. Trong khi kunik đã bị rập khuôn như một hình thức cọ xát những cái mũi, tờ SouthCoast Today giải thích, “đó không phải là việc cọ xát mũi như thể đánh hơi người bạn yêu, trên mũi, má, trán, trong một hành động gây khó chịu”. Động tác biểu lộ tình cảm này khá phổ biến trong các mối quan hệ gia đình và tình cảm nam nữ.
“Khi bạn còn là một em bé sơ sinh hay một trẻ nhỏ, cha mẹ, ông bà và anh chị của bạn hay ngửi bạn và dùng chiếc mũi của họ mơn trớn lên mặt bạn” – Jo Joasi giải thích. Anh cũng tiết lộ rằng anh và bạn gái thường trao đổi các kunik với nhau. “Nhưng tôi sẽ không làm điều đó trước đám đông người”, anh nói, “giống như cách bạn sẽ không hôn người yêu của mình theo kiểu Pháp trước một đám trẻ em mẫu giáo”.
Phải học hay là do bản năng?
Tuy có nhiều các nghiên cứu hấp dẫn đã được thực hiện về nụ hôn, nhưng người ta vẫn chưa rõ liệu nụ hôn là một hành động tự nhiên hay là do học hỏi. Lý thuyết “cho ăn bằng nụ hôn” cho thấy rằng nụ hôn là một hành vi học hỏi được.
Ngoài ra, thực tế là đa số các động vật không hôn nhau, vì thế có thể nói rằng đó là một hành vi do tiếp thu mà có. Tuy có một số động vật biết hôn, nhưng có nhiều loài không có các biểu hiện tình cảm tương tự.
Tình yêu có liên quan tới nụ hôn?
Hôn nhau thường được xem là một cử chỉ lãng mạn, nhưng tin hay không, nụ hôn không phải lúc nào cũng xuất phát từ tình yêu. Các nhà khoa học nhận ra rằng có những người bị thu hút lẫn nhau, khiến họ muốn hôn nhau. Sự thôi thúc xuất phát trong tiềm thức. Do đó, có thể kết luận rằng sự lãng mạn dường như không phải là yếu tố chính – Rafael Wlodarski, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford của Anh, đã giải thích với tạp chí Smithsonian như vậy.
Dĩ nhiên, cũng có những hình thức hôn nhau thuần khiết, chẳng hạn như một nụ hôn trên má; điều đó không liên quan gì đến tình yêu lãng mạn, cũng không có yếu tố thu hút tương tự. Theo Wlodarski, những nụ hôn này ban đầu có thể xuất phát từ yếu tố tình dục, nhưng cuối cùng đã biến thành biểu tượng của sự tôn trọng.
Nụ hôn không thực sự xuất phát từ dục tình
Các nhà khoa học đã cân nhắc ý tưởng cho rằng toàn bộ quan điểm về nụ hôn là nhằm tăng cường hưng phấn tình dục trước khi quan hệ. Một thuật ngữ ít khoa học hơn gọi là: màn dạo đầu.
Các nghiên cứu tiết lộ: những người tham gia, đặc biệt là phụ nữ, vốn xem nụ hôn là quan trọng nhất trong các mối quan hệ lâu dài. Trên thực tế, những người tham gia trong các mối quan hệ lâu dài coi tần suất của nụ hôn, không phải tần suất của tình dục, là biểu hiện rõ nét nhất cho hạnh phúc của mối quan hệ.
Bạn có thể nghĩ rằng quan hệ chăn gối thậm chí sẽ gắn kết hơn, thân mật hơn, nhưng điều đó không nhất thiết phải như vậy, tác giả chính của nghiên cứu, Rafael Wlodarski, đã giải thích với tờ New York Times. Bạn vẫn có một mối quan hệ hạnh phúc mà không cần phải quan hệ tình dục nhiều hơn. Cuối cùng, cuộc nghiên cứu kết luận rằng “có rất ít bằng chứng để chứng minh rằng chức năng chính của nụ hôn là nâng cao mức độ kích thích”.
- Xem thêm: Khám phá bí ẩn của nụ hôn
Liên kết và gắn bó
Chất Oxytocin có thể chỉ là thành phần chính trong một nụ hôn, ít nhất là đối với nam giới. Người ta đã phát hiện thấy loại hormone này hỗ trợ nam giới gắn kết với bạn tình của họ và duy trì cuộc sống một vợ một chồng, và về mặt sinh học, nó có thể gây “hao tổn cho nam giới”, như một cuộc nghiên cứu đã chứng minh.
Dĩ nhiên, nụ hôn không chỉ là trao đổi nước bọt (ngoài ra còn có hormone, chất béo và protein). Đó là về sự gắn bó và liên kết cũng giống như nhiều hình thức va chạm vật lý khác. “Nụ hôn lãng mạn thực sự có thể là một trong những hành vi tán tỉnh trung gian hiệu quả nhất, với cả nam giới và nữ giới đều đánh giá đó là loại trải nghiệm tình cảm thể chất đầy cảm xúc nhất của tình yêu”, một nghiên cứu năm 2013 tiết lộ.
Một nghiên cứu trước đó cũng nói rằng rằng các đôi vợ chồng sẽ có những khoảnh khắc dễ dàng hơn để giải quyết mâu thuẫn của họ khi tham gia vào việc thể hiện tình cảm thể chất. Ôm ấp hoặc nắm giữ, và hôn môi đã được chứng minh là những hình thức hữu hiệu nhất của sự bộc lộ tình cảm bằng thể chất.