Trong lịch sử Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, hệ trung cấp có khóa 12 là khóa cuối cùng (1977-1982) trước khi trường đổi tên thành Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ba mươi bảy năm sau ngày tốt nghiệp, một triển lãm của 10 cựu học viên khóa 12 trung cấp với tên gọi “Trở về” đã được tổ chức tại bảo tàng của nhà trường (43 Yết Kiêu, Hà Nội, từ 9-3 đến 16-3-2019).
Khóa học đó, trường tuyển sinh được 34 người, phần lớn là học sinh cấp 2 phổ thông trung học. Có thể kể những tên tuổi xuất thân từ khóa 12 trung cấp đã có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam đương đại trong lĩnh vực sáng tác cũng như đào tạo thế hệ trẻ: Trần Trọng Vũ, Lê Văn Sửu, Đỗ Minh Tâm, Trương Tân, Sơn Lâm (đã qua đời), Nguyễn Thế Cường…
Theo lớp trưởng Nguyễn Thế Cường (Cường Tuse), ngày ra trường bạn học cùng lớp mỗi người một ngả, vả lại cuộc sống những năm tháng đó hết sức khó khăn nên không ai dám nghĩ đến ngày có một triển lãm chung dù ai cũng theo đuổi giấc mơ nghệ thuật.
- Xem thêm: Ký ức hẻm Sài Gòn
Triển lãm “Trở về” đến hôm nay mới thực hiện được nhưng do nhiều yếu tố bất khả kháng nên chỉ tập hợp được 10 người, đó là: Cường Tuse, Trịnh Tuấn Dân, Trần Hải Minh, Đặng Đình Ngãi, Nguyễn Đức Quang, Đỗ Mạnh Quân, Lê Văn Sửu, Cao Sỹ Thăng, Nguyễn Quốc Tú và Vũ Kim Tuyến.
Triển lãm giới thiệu với người xem gần 40 bức tranh nhiều chất liệu (bột màu, acrylic, sơn dầu, sơn mài, lụa) cùng nhiều hình ảnh, tư liệu về khóa học được lưu giữ theo tháng năm và những ký họa được các họa sĩ ghi chép từ cuộc sống trong hơn 30 năm qua. Riêng nhà điêu khắc Đỗ Mạnh Quân, chuyên gia phục chế, hiện sống và làm việc tại Cộng hòa Czech đã đem đến triển lãm hình ảnh các công trình cổ đã hư hại tại nước bạn được anh tham gia tu bổ.
Cách nào đó, triển lãm còn cho thấy được những đổi thay về tư duy sáng tạo, đặc biệt là những tác động lớn mà thời kỳ đổi mới đã mang lại cho các họa sĩ đương đại, giúp họ thoát khỏi những trói buộc của một phương pháp sáng tác giáo điều, khô cứng từng được giảng dạy trong nhà trường nhiều năm.
Có thể nói như một đồng nghiệp của họ, với triển lãm này nhóm tác giả đã “mang về những giá trị sáng tạo để tri ân các thầy cô” của họ ngày xưa cũng là để tôn vinh những nhà giáo hôm nay, “thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, góp phần gìn giữ những giá trị nhân văn cho bục giảng đang có phần bị mai một”; thông điệp từ cuộc “Trở về” này chính là sự biết ơn và tình yêu nghề đích thực.