Khởi hành từ Hà Nội, xe chúng tôi đi gần hai giờ đồng hồ là đến với thành phố Hòa Bình. Trung tâm thành phố xinh đẹp, hiện đại hơn so với hình dung của nhiều người. Nhà hàng lớn nhất thành phố phục vụ bữa trưa rất ngon và chuyên nghiệp.
Dạo quanh đường phố chính một chút, xe rẽ vào đường Tây Tiến, chạy về hướng Sơn La chừng bảy cây số thì đến một thung lũng đá vôi nhỏ nhưng rất nên thơ. Tọa lạc trên mấy vạt đồi rộng chừng 5ha là một khu bảo tàng ngoài trời xinh đẹp. Được xây dựng từ tâm huyết của những người yêu mến dân tộc Mường, Bảo Tàng Không gian văn hóa Mường mấy năm nay đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Vùng đất quanh thung lũng vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ với những nếp nhà, đồng ruộng khá đặc trưng. Vì thế, đặt chân vào bảo tàng, nhiều thắc mắc trên đường đi của du khách sẽ được giải đáp ngay. Ở khu tái hiện, chúng tôi ngắm nghía kỹ khu nhà sàn gồm nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc Trọi đại diện cho bốn tầng lớp trong xã hội Mường.
Nhà Lang: là nhà dành cho tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường.
Nhà Ậu: nhà ở cho những người giúp việc cho nhà Lang.
Nhà Nóc: dành cho tầng lớp bình dân trong xã hội Mường.
Nhà Nóc Trọi: dành cho tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường.
Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Nguyên liệu dùng để làm được lấy từ các loại thảo mộc như: gỗ, tre, nứa, lá… là những loại cây rất gần gũi với người Mường.
Đến khu trưng bày, mọi người thích thú trước những hiện vật giá trị như cồng, chiêng, lư bằng đồng… và nhiều dụng cụ trong đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa của người Mường như: công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xe nước. Đặc biệt nơi đây còn có thư viện với nhiều đầu sách quý về văn hóa dân tộc và văn hóa Mường.
Sau vài giờ hòa mình vào cuộc sống hằng ngày của người Mường như làm nương rẫy, giã gạo, dệt vải, quay sợi thì cũng đến màn thưởng thức bữa “cỗ lá” của dân địa phương. Cỗ lá nghĩa là các món ăn đều được để trên lá chuối. Nói đến đặc trưng ẩm thực cũng như lao động sản xuất của người Mường phải nhắc đến một câu rất đặc trưng: Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới. Người Mường đồ cơm nếp bằng “cuốp” (loại cây thân mềm không độc, khi đồ cơm không bị nứt), như thân cây cọ khoét rỗng, hoặc cây “bương”. Chiều cao của “cuốp” khoảng 40 – 50cm, đường kính khoảng 25 – 30cm, chứa được chừng hai, ba ký gạo một mẻ nấu. Đồ cơm nếp bằng “cuốp” thì cơm nếp vẫn giữ được hương thơm và giá trị dinh dưỡng của gạo.
Khi cơm chín, người Mường đổ cơm vào thúng hay nia, mủng rồi quạt cho nguội, làm như vậy cơm vừa dẻo, vừa khô, không bị nát, ăn rất ngon. Ở một số nơi, người Mường còn đồ cơm nếp thành các màu bằng cách lấy các thứ cây thân cỏ đem giã lấy nước rồi trộn với gạo nếp đem đồ. Khi đồ cho lần lượt các màu đỏ vào trước rồi đến màu xanh, vàng, tím trắng cho lên trên cùng. Cơm chín đổ ra trộn lẫn các màu lại với nhau.
Bên cạnh cơm nếp đồ, những món ăn cổ truyền trong ngày lễ, tết và để đãi khách của người Mường cũng rất đa dạng. Cỗ lá đãi chúng tôi có đến hàng chục món đồ cùng đủ loại món luộc, món xào, món nấu, món nướng, món nộm, món dưa. Chỉ riêng món đồ thôi cũng đã bốn loại: cơm nếp đồ, cá ốc đồ, rau trộn đồ, măng đắng đồ. Món chính có thịt gà, thịt heo trộn thính, sườn rang mắm tôm, nhộng ong rừng rang với nước măng chua, thịt trâu xào tiêu rừng, thịt trâu nấu lá lồm, ốc vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng, chả lá bưởi, thịt gà luộc gói lá chuối nướng, nộm tai lưỡi, ớt cá lá kiệu, ớt gà vịt, măng chua, đu đủ muối tiết trâu bò, dưa cá muối kiệu… Nguyên liệu từ núi rừng tươi rói, cách nêm nếm lạ miệng khiến thực khách ăn không biết ngán. Người Mường thích ăn những thức ăn có vị chua, vị đắng, chát. Còn vị cay thường để ra làm món riêng chứ không xào nấu lẫn với các thực phẩm khác. Món ngọt thì có các loại bánh bột chấm với mật thơm mùi gừng tươi…