Từ xưa đến nay, thực hành phong thủy luôn đề cao việc xem xét hình – thế như một bước khởi đầu để tìm kiếm các giải pháp khả thi. Từ khâu chọn đất cất nhà cho đến mua bán bất động sản, có thể thấy khá nhiều kiêng kỵ khi tiếp xúc với hình và thế của khu đất lẫn công trình. Đi vào không gian nội thất, xem xét hình thế không chỉ giúp nhận định chính xác đặc thù không gian để sử dụng tốt hơn, mà còn làm cơ sở khắc phục nhược điểm cũng như phát huy ưu điểm của vật liệu xây dựng và hoàn thiện.
Mỗi không gian về cơ bản đều có hai phần song hành cùng tồn tại và phát triển là hình và thế, trong đó hình là cận cảnh, thế là viễn cảnh, không nên và không thể tách rời.
Hình thế từ xa đến gần
Hình có thể tạo được nhưng thế thì đôi khi rất khó hoặc phải trải qua một thời gian dài (ví dụ mương rạch nhỏ có thể lấp hay đào nhưng thế núi, thế sông thì phải tuân theo thiên nhiên). Về mặt cảnh quan quanh nhà, thế phụ thuộc vào yếu tố khách quan, gia chủ không chủ động được, mà chỉ có thể nhìn nhận thế để tìm ra giải pháp xử lý hình tương thích, ví dụ như dùng cây xanh để điều chỉnh thế đất bị góc nhọn, méo mó…
Khi đi vào không gian cụ thể, thế của căn phòng, của vị trí sử dụng, của khả năng chiếu sáng và thông gió… ảnh hưởng lớn đến hình của bề mặt vật liệu và cách thức hoàn thiện. Thông qua vật liệu, nhà thiết kế và gia chủ sẽ chọn lựa hình nào cho phù hợp thế ấy. Vật liệu có hình dáng, bề mặt đẹp, bền chắc… nhưng lại được sử dụng ở vị trí bất lợi (ví dụ như gạch đẹp dùng trong phòng tối tăm, méo mó, phải cưa cắt vụn ra…) thì giá trị của vật liệu ắt suy giảm, dẫn đến giá trị về nội khí của không gian không đạt yêu cầu. Ngược lại, cho dù sở hữu căn phòng rộng rãi sáng sủa vuông vức nhưng chủ nhân lại chọn vật liệu nội thất không phù hợp, bề mặt hoàn thiện kém thì ảnh hưởng xấu đến lợi thế vốn có. Nếu xây nhà từ đầu với tư vấn của nhà chuyên môn thì nhiều khả năng lựa chọn được vật liệu hài hòa hơn. Nhưng nhiều trường hợp do thiếu cân nhắc, vội vã hoặc không có chuyên gia tư vấn thì các bất lợi về phong thủy sẽ nảy sinh chính từ việc dùng vật liệu không đúng nơi đúng chỗ.
Chọn thế trước, tạo hình sau
Một số bất lợi về phong thủy có thể xảy ra khi hoàn thiện nội thất gặp “nhầm lẫn” về sử dụng vật liệu, đa phần liên quan đến chọn “thế đứng” vật liệu chưa phù hợp, như các trường hợp sau:
– Đưa vật liệu trong nhà ra ngoài trời (và ngược lại): vật liệu dùng ốp lát khu vực vệ sinh đem ốp mặt tiền nhà gây phản cảm, thiếu thẩm mỹ; đá thô thường dùng trong sân vườn lại đem ốp tường phòng ngủ, do đá thiên về tính âm nhiều nên phòng ngủ trở nên nặng nề, âm u.
– Dùng chưa phù hợp kích cỡ của vật liệu: điều này hay xảy ra với các loại gạch và thiết bị chiếu sáng: một bộ đèn chùm quá to treo trong phòng nhỏ gây áp chế, rối mắt; gạch loại nhỏ ốp lát tiền sảnh rộng khiến không gian bị mất tỷ lệ. Sự tương xứng về tỷ lệ giữa vật liệu và không gian luôn đem lại tính hài hòa một cách cơ bản, các đột biến nếu có chỉ là điểm xuyết.
– Bề mặt của vật liệu gây tác động xấu: như lạm dụng gạch gốm hoặc lát gỗ nhiều gây cảm giác nóng nực, ngột ngạt do màu ấm nóng (Mộc sinh Hỏa vượng); hoặc các vật liệu có tính phản quang, bề mặt sáng bóng quá làm chói mắt, tạo ảo giác, ví dụ như gương soi xung chiếu vào giường ngủ, dùng tường kính hay lan can bằng kính mà không phân biệt rõ ràng dễ gây tai nạn va chạm (nhất là với trẻ em, người cao tuổi).
– Vật liệu dùng sai phương vị, sai Ngũ hành của không gian: ví dụ như phòng ngủ thuộc Mộc lại dùng nhiều sắt thép kim loại (Kim khắc Mộc), dùng đá bóng trơn tại không gian nhiều nước (như bếp, vệ sinh), ốp lát gỗ quý trong không gian đi lại nhiều mà không có điều kiện bảo trì… đều dễ gây nên các bất lợi trong quá trình sử dụng.
Thay đổi để khắc phục
Khi gặp bề mặt vật liệu hoặc kết cấu kiên cố khó thay đổi ngay được thì giải pháp phong thủy khắc phục là phủ lên bề mặt vật liệu – kết cấu đó một lớp vật liệu khác để giải trừ tác động xấu. Ví dụ tường phòng khách cũ đã lỡ ốp đá, ốp gạch sần sùi nhiều thì nên chọn vật liệu thế hệ mới như sơn trang trí, giấy dán tường… có màu sắc phù hợp hơn phủ lên nhằm giảm cảm giác tối và nặng. Hoặc trần nhà bên trên có sàn gỗ nhiều dầm xà băng ngang thì có thể thay đổi màu sơn để không gian trông nhẹ và thoáng hơn. Việc đặt kế bên mảng vật liệu này bằng một vật liệu khác cũng giúp biến đổi cảm nhận theo chiều hướng có lợi. Ví dụ như dùng trần thạch cao giấu bớt đường ống của hệ thống kỹ thuật, hắt đèn tạo chiều sâu hơn cho nội thất, dùng thêm kính nghệ thuật để tạo ảo giác mở rộng không gian, tăng thẩm mỹ…
Một xu hướng được ưa chuộng gần đây là sử dụng nhóm vật liệu gần gũi với thiên nhiên, trong đó nhóm thuộc Mộc (gỗ, tre, nứa, lá…) và thuộc Thổ (gốm, đá, sỏi…) được dùng nhiều hơn cả. Cách làm này không những tạo nên môi trường sống thân thiện, mộc mạc hơn mà còn góp phần hình thành các không gian với chất liệu tương tự (hoặc mang hơi hướm) ngôi nhà truyền thống. Trong văn phòng hay căn hộ chung cư, do các điều kiện cố định về cấu trúc nên việc sử dụng vật liệu thiên nhiên bị hạn chế hơn, chỉ tập trung vào những điểm xuyết mang tính trang trí nhẹ nhàng.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu
Đây là vấn đề xem xét quan niệm sống, cá tính gia chủ có hợp với vật liệu và không gian hay không. Nếu thói quen lâu năm của ông chủ là khi ngồi lại co chân lên ghế “ba xoa hai đập” thì chọn vật liệu cho sàn nhà và bộ bàn ghế bằng gỗ lên nước lâu năm sẽ ưu điểm hơn chọn thảm và sofa bọc nệm da, từ đó các trang trí khác cho nội thất sẽ đi theo tương ứng. Có những ngôi nhà rất rực rỡ thể hiện qua trang trí lấp đầy mọi khoảng trống, đèn đuốc như sao sa…, mới nhìn thì ngỡ chu đáo kỹ lưỡng, nhưng thực tế sử dụng lại hao phí, gây mệt mỏi các giác quan khi con người phải sống trong các không gian “hoành tráng” như vậy.
Từ quan niệm “một đời nhà mấy đời người”, không ít gia chủ đề cao sự tuyệt đối hoàn hảo, chỉn chu, tinh tế… khi chọn lựa vật liệu. Tuy nhiên xét trên khía cạnh phong thủy và văn hóa Đông phương thì khi chọn vật liệu nội thất “tương ứng – tương cầu” với gia chủ và không gian nên chú ý một số yếu tố sau:
Cái đẹp tương đối
Không có gì tuyệt đối hoàn hảo, như cây hoa đẹp cũng chỉ có vài cành nhánh chính là đẹp, những chỗ khác bình thường nhưng hòa hợp với hình thế chung, nâng đỡ, làm nổi bật các vị trí chủ chốt. Do đó, cần xác định vị trí “tốt khoe xấu che” để ưu tiên chọn vật liệu hoàn thiện, nhấn đúng điểm sẽ giúp nội khí ngôi nhà rõ ràng, nổi bật, ví dụ dùng giấy dán tường đúng vị trí trong phòng khách sẽ đẹp và sang hơn là dùng tràn lan.
Hoàn thiện thủ công hay công nghiệp?
Chọn vật liệu nội thất cho ngôi nhà khác với chọn máy móc sản phẩm công nghệ hay công trình công nghiệp, khó có thể “sản xuất hàng loạt” cũng như không dễ thay đổi theo thời trang, mà phụ thuộc nhiều vào kích thước, kỹ thuật, tay nghề thợ… với không ít đột biến. Tuy vậy, điều này lại tạo ra cá tính riêng, yếu tố thủ công, chất thô mộc… đem lại sự gần gũi (tính Mộc hợp với nhà ở, resort, phong cách nội thất retroliving) mà những bề mặt sắc lạnh quá, hoàn hảo quá không thể có được (tính Kim, vốn hợp với không gian văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, phong cách industrial).
Xem trọng yếu tố thời gian
Ngôi nhà hay vạn vật trong vũ trụ không thể vĩnh cửu bất biến mà luôn mang tính hữu hạn của thời gian và triết lý tuần hoàn, âm – dương. Do đó thời gian cư trú tạm thời hay lâu dài đến mức nào sẽ ảnh hưởng đến chọn vật liệu nội thất, ví dụ phòng trẻ em chỉ nên dùng chất liệu có thể tháo ráp, thay đổi theo lứa tuổi, sở thích của trẻ, nhưng phòng người già thì lại rất khó đưa vào các vật liệu mang tính “thời trang” quá.
Ngoài những vị trí cố định như bếp nấu, bàn thờ, giường ngủ… thì đa phần các không gian sinh hoạt khác trong một ngôi nhà đều có sự thay đổi mỗi ngày hay theo tháng, theo mùa, theo năm. Chỗ để xe, sân phơi, bàn làm việc… bị xáo trộn hằng ngày là điều đương nhiên. Phòng khách không phải tuần nào cũng có khách, phòng sinh hoạt lâu lâu gia chủ hát karaoke khác với thư phòng nơi đọc sách hằng đêm, cớ sao phải trang trí tương đồng? Ngay cả cảnh quan sân vườn, có đẹp đến mấy cũng phụ thuộc thời tiết, một bộ bàn ghế linh hoạt dễ dàng di dời vẫn hơn là xây bệ ngồi cố định.
- Ảnh Xuân Trang