Bảo tàng Louvre ở Paris đang tổ chức một triển lãm đặc biệt, trưng bày 31 bức tranh bị bọn quốc xã Đức cướp bóc trong Thế chiến II, với hy vọng người thân của chủ nhân những tác phẩm này sẽ tìm lại được tài sản mà họ được quyền sở hữu theo pháp luật.
Ba mươi mốt bức tranh này nằm trong số khoảng 100.000 tác phẩm mỹ thuật đã bị tước đoạt trong những năm quốc xã Đức chiếm đóng nước Pháp rồi mang về Đức, sau đó được tìm thấy trong một chiến dịch giải cứu ngoạn mục khi Thế chiến II sắp kết thúc. Tham gia chiến dịch đó, một nhóm các chuyên viên nhiều lĩnh vực thuộc phe Đồng minh đã đến nước Đức vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến nhằm truy tìm những kho báu chứa hàng ngàn cổ vật, tác phẩm mỹ thuật bị bọn quốc xã Đức chiếm đoạt trong Thế chiến II tại nhiều quốc gia, để sẽ trả về cho khổ chủ của chúng(1). Tại Pháp, hơn 45.000 tác phẩm đã tìm lại được chủ nhân, tuy nhiên vẫn còn hơn 2.000 hiện vật chưa có người nhận, trong số đó có 296 bức tranh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre(2). Kể từ năm 1951, dù chính phủ Pháp đã có nhiều nỗ lực truy tìm nguồn gốc của những tác phẩm bị phát xít Đức cướp bóc song chỉ mới có chừng 50 bức tranh được “quy cố hương”.
Ông Sébastien Allard, phụ trách lĩnh vực hội họa tại Bảo tàng Louvre cho biết: “Đại đa số các tác phẩm đã tìm lại được chủ nhân là từ các gia đình người Do Thái sống ở Pháp. Những người thừa kế của họ đã tìm lại được các tác phẩm đó, thông báo họ là chủ sở hữu và chính thức yêu cầu chúng tôi hoàn trả. Tất nhiên họ phải đưa ra được chứng cứ cụ thể…, họ cần tìm lại những hình ảnh cũ của gia đình cùng các tư liệu liên quan, hoặc những giấy tờ chứng nhận. Công việc đó mất nhiều năm…”.
Trong lần trưng bày thường trực từ đầu tháng 2-2018, Bảo tàng Louvre đã đưa ra nhiều bức tranh quý, có thể kể: Khởi nguồn sông Lison của Théodore Rousseau (1812-1867, họa sĩ Pháp), Thợ đóng móng ngựa của Eugène Delacroix (1798-1863, họa sĩ Pháp), Người đọc sách của Barent Fabritius (1624-1673, họa sĩ Hà Lan), nhiều tác phẩm của các họa sĩ Hà Lan thế kỷ XVI và tranh của các tác giả Pháp thế kỷ XVIII. Danh sách toàn bộ tác phẩm mỹ thuật bị quốc xã Đức tước đoạt hiện lưu giữ tại Bảo tàng Louvre được đặt tên là “Danh sách Rose Vallant”, theo tên của Rose Valland – một giám tuyển của Bảo tàng Louvre thời chiến tranh, người đã liều mạng sống của mình khi ghi lại tất cả những gì bọn Nazi đã lấy từ Louvre đem về Đức, nhờ đó mà hàng ngàn tác phẩm đã trở về với gia đình chủ nhân của chúng.
(1) Một phóng sự điều tra trên tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung vào tháng 6-2016 đã phanh phui sự thật gây chấn động dư luận. Theo đó, khi nhóm công tác được mệnh danh là Monuments Men rời khỏi nước Đức vào năm 1949, họ đã để lại khoảng 10.600 tác phẩm nghệ thuật và giao cho chính quyền mới của nước Đức ở bang Bavaria, với yêu cầu phải tìm cách trả lại các hiện vật quý giá ấy cho các gia đình người Do Thái từng là sở hữu chủ. Thế nhưng rất nhiều tác phẩm đã không được trao trả cho khổ chủ mà còn được đưa vào sưu tập của nhiều kẻ có liên hệ mật thiết với những tay trùm quốc xã Đức đang sinh sống tại Đức hoặc ở nhiều nước trên thế giới
(2) Nhiều tác phẩm đã vĩnh viễn không về với chủ sở hữu vì đã bị hủy hoại trong lửa đạn chiến tranh