Người thân yêu của bạn khiến bạn bị tổn thương hoặc vượt qua một ranh giới nào đó. Bạn cố gắng nói chuyện với họ về điều đó. Nhưng khi bạn bắt đầu bày tỏ cảm xúc của mình thì họ khoanh tay lại, họ nhìn ra chỗ khác, rồi họ cắm cúi vào điện thoại. Họ nói những câu như: “Tại sao lúc nào em cũng chỉ trích anh? Anh sai cái gì nào?”. Họ kể ra hàng loạt lý do vì sao bạn mới thật sự là người có lỗi. Nói cách khác, họ bắt đầu phòng thủ và thật ra họ phòng thủ bất cứ khi nào bạn muốn nói chuyện với họ.
Bạn cảm thấy giống như cảm xúc của bạn không có ý nghĩa gì với họ. Nhưng theo nhà tâm lý trị liệu Jennine Estes, sự phòng thủ về tâm lý thì “hiếm khi là do cố tình” mà đó là một phản ứng tức thời để ngăn người này khỏi cảm giác tội lỗi và tự ngờ vực bản thân.
“Những người này có khó khăn trong việc chịu trách nhiệm cho những hành động của mình và thường cảm thấy không thoải mái khi bị coi là người có lỗi; bởi vì chấp nhận trách nhiệm sẽ làm họ cảm thấy như là họ đã thất bại”.
Theo nhà tâm lý trị liệu Lisa Brookes Kift, hành vi phòng vệ có thể xuất phát từ một thời thơ ấu khó khăn hoặc một bi kịch trong quá khứ, làm cho một người nào đó có nhiều khả năng “phản ứng qua một lăng kính tiêu cực”. Trẻ em cũng thường hình thành hành vi này như là một cách đối phó với các tình huống khó và sau đó nó trở thành một thói quen xấu khi trưởng thành.
“Chúng ta không thể kiểm soát phản ứng và hành động của người khác. Nhưng chúng ta có thể gia tăng cơ hội rằng họ sẽ lắng nghe chúng ta bằng cách trò chuyện với tinh thần xây dựng. Nếu bạn thay đổi phản ứng của mình, dù chỉ một chút thôi, thì người kia sẽ tự động phải thay đổi hành vi của họ”, chuyên gia tâm lý trị liệu Jennine Estes nói. Và dưới đây là những cách mà các nhà tâm lý gợi ý chúng ta nên vận dụng để có thể thay đổi hành vi phòng thủ và không chịu lắng nghe của người ấy.
Tránh sử dụng ngôn ngữ “trách cứ”. Đừng bắt đầu cuộc nói chuyện bằng những câu chẳng hạn như “Anh không hề quan tâm đến cảm xúc của em!” hoặc “Anh… thế này…”, “Anh… thế kia…”. Cũng nên tránh những cụm từ như “lúc nào cũng vậy” và “không bao giờ”. Những từ này đầy tính chỉ trích và sẽ khiến người kia phải bảo vệ mình.
Hãy bắt đầu bằng một điểm tích cực. Nếu người kia không cảm thấy rằng những nỗ lực của họ được ghi nhận mà một lần nữa lại nghe về khuyết điểm của mình thì họ sẽ cảm thấy thất vọng. Hãy cho người ấy biết rằng họ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn và thể hiện sự biết ơn với những gì họ đã làm.
Tập trung vào cảm xúc của bạn. Bắt đầu bằng cách bày tỏ cảm xúc của bạn là một cách tốt để “vô hiệu hóa” hành vi phòng vệ của người kia. “Em cảm thấy mình không hề quan trọng với anh khi anh đã nói sẽ cùng nhau đi ăn tối và rồi hủy hẹn với em vào phút cuối”.
Đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa. Nhà tâm lý Jennine Estes gợi ý chúng ta nên hỏi xem người kia đang cảm thấy thế nào. “Hãy quan tâm một cách chân thành đến phản ứng của họ. Tận trong sâu thẳm, chuyện này cũng giống như một em bé đang cảm thấy mình không đủ ngoan và cần tình thương của bạn”. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi người ấy: “Có phải lời nhận xét của em đã làm anh cảm thấy bị tổn thương không?”.
Không được mất bình tĩnh. Dĩ nhiên, chuyện này thật không dễ dàng khi mà ai đó không chịu lắng nghe bạn hoặc đang kể ra 20 lý do vì sao họ không hề có lỗi. Nhưng nếu mất bình tĩnh, bạn chỉ thêm dầu vào lửa. Hãy chậm lại, thở sâu và chỉ tập trung vào cảm xúc của sự tổn thương.
– Theo Psych Central