Với tên gọi “Chuyến du hành đích thực là sự trở về” (True Journey is Return), triển lãm cá nhân của nghệ sĩ thị giác nổi tiếng Dinh Q. Lê đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật San José (San José Museum of Art – SJMA). Đây là cuộc trưng bày lớn nhất trong hơn một thập niên qua dành cho một tác giả người Mỹ gốc Việt mà nhiều tác phẩm được biết đến rộng rãi của ông chưa từng đến với công chúng Hoa Kỳ. Triển lãm khai mạc ngày 14-9-2018 và sẽ kéo dài đến ngày 7-4-2019 tại một thiết chế mỹ thuật ở thành phố lớn thứ ba của tiểu bang California, nơi có đông đảo người Việt định cư(1).
Trong phát biểu khai mạc triển lãm, bà Susan Sayre Batton – Giám đốc điều hành SJMA nói: “Chúng tôi thật xúc động khi đưa được tác phẩm của nghệ sĩ tên tuổi quốc tế Dinh Q. Lê đến với Thung lũng Silicon như một phần của những cam kết mà chúng tôi đang thực hiện, đó là tổ chức các triển lãm phản ánh được sự đa dạng của cộng đồng chúng ta qua các tác phẩm quan trọng và đầy hứng thú của các nghệ sĩ đương đại”.
- Xem thêm: Chiêu hồn thị giác
Dinh Q. Lê vốn được biết đến trong giới hoạt động nghệ thuật quốc tế với các tác phẩm độc đáo thảm-nhiếp ảnh (photo-weaving), được ông thực hiện bằng cách đan bện theo hai chiều dọc và ngang những dải phim tư liệu và những thước phim lấy từ các bộ phim Hollywood kể về cuộc chiến tranh Việt Nam đã qua. Bên cạnh những thảm-nhiếp ảnh đặc trưng của sự nghiệp nghệ thuật Dinh Q. Lê, triển lãm “Chuyến du hành đích thực là sự trở về” còn giới thiệu với khách thưởng ngoạn những thể nghiệm mới của tác giả về video art và sắp đặt nhiếp ảnh (photography installation). Qua các video tư liệu và các trích đoạn giới thiệu phim trên nhiều kênh khác nhau, các bức tranh màu nước trang nhã và cả những tranh trừu tượng của nhiều tác giả Việt Nam cùng với những kết cấu hình khối kiến trúc được tạo bởi hàng ngàn bức ảnh mà gia đình ông đã bỏ lại khi rời Việt Nam, Dinh Q. Lê đã khảo sát những chủ đề về sự ra đi và sự trở về, vai trò của người nghệ sĩ trong thời kỳ chiến tranh, đồng thời làm mới lại những biểu tượng của cái gọi là “chủ nghĩa đế quốc kiểu Mỹ” cũng như những sự kiện lịch sử gần đây tại Việt Nam. Cách nào đó, ông đang định hình lại và đang tạo ra những ký ức và hình ảnh mới về một cuộc xung đột bằng cách đưa vào các tác phẩm của ông những yếu tố từng được coi là thứ yếu, bị tách khỏi nhịp điệu phát triển của lịch sử.
Triển lãm tại SJMA cũng không thể thiếu những tác phẩm quan trọng của Dinh Q. Lê, từng được giới thiệu ở nhiều hội chợ, sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn, chẳng hạn Ánh sáng và Niềm tin: tiếng nói và các phác thảo cuộc sống từ chiến tranh Việt Nam – một sắp đặt đa phương tiện với 101 bức tranh và ký họa (của nhiều họa sĩ Việt Nam, được vẽ tại các chiến trường ác liệt thời chiến tranh) cùng một phim video tư liệu kết hợp hoạt hình. Đây là tác phẩm đã được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật đương đại dOCUMENTA 13 ở Kassel, Đức năm 2012. Rồi phần tiếp của tác phẩm nói trên là một sắp đặt về họa sĩ Trần Trung Tín (1933-2008), gồm sáu tranh trừu tượng cùng một video tiểu sử cuộc đời đặc biệt của một người xuất thân là diễn viên rồi tự học vẽ tranh, từng là bạn thân của nhà danh họa Bùi Xuân Phái. Trong hoàn cảnh sống gặp rất nhiều khó khăn của xã hội thời chiến, ông đã tìm đến với hội họa và những tranh Biểu hiện trừu tượng của ông như là cách phản ứng bằng nghệ thuật. Ngoài ra còn có tác phẩm sắp đặt Vượt qua bờ biển tổ tiên (2014) được kết bằng hàng ngàn bức ảnh mà các gia đình người Việt đã bỏ lại khi rời quê hương đến lập nghiệp ở xứ người, một sưu tập các thảm-nhiếp ảnh về các loài hoa, và có cả video Nông dân và trực thăng (2007) kể về hai người dân ở Tây Ninh đã mày mò chế tạo máy bay trực thăng từng gây sôi nổi dư luận một thời…
- Xem thêm: Bản sắc qua nghệ thuật thị giác
Một vựng tập dày 135 trang được ấn hành nhân triển lãm, giới thiệu chi tiết các tác phẩm cùng các trao đổi giữa Dinh Q. Lê với bà Moira Roth – giáo sư về lịch sử nghệ thuật của Trường Cao đẳng Mills ở TP. Oakland, các tiểu luận của giám tuyển triển lãm Rory Padeken, của Kieu-Linh Caroline Valverde – phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ Á, Đại học California ở TP. Davis và của Nora A. Taylor – giáo sư về lịch sử mỹ thuật Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Mỹ thuật Chicago. Để tổ chức được triển lãm hoành tráng này, SJMA đã nhận được nhiều sự tài trợ từ các cá nhân và các quỹ, đặc biệt là Henry Luce Foundation đã tài trợ 50.000 USD để đưa triển lãm đến với nhiều thành phố khác của nước Mỹ.
(1) San Jose là thủ phủ của quận Santa Clara, nằm trong Thung lũng Silicon – trung tâm công nghệ cao của nước Mỹ, nơi đặt bản doanh của những tập đoàn công nghệ lớn nhất như: Apple, Google, Hewlett-Packard, Oracle, Yahoo, Facebook… Theo báo Mercury News, vào năm 2015 người gốc Việt ở San Jose lên tới 160.000 (chiếm khoảng 10% dân số toàn thành phố). San Jose có khu phố người Việt nổi tiếng là Little Saigon
– Dinh Q. Lê (tên Việt Nam là Lê Quang Đỉnh) sinh năm 1968 tại Hà Tiên, theo gia đình sang Mỹ định cư năm 1975, lớn lên ở Los Angeles rồi theo học ngành mỹ thuật tại Đại học UC Santa Barbara và tại Trường Nghệ thuật Thị giác ở New York. Năm 1996, rời New York trở về Việt Nam và cùng vài người bạn thành lập Sàn Art, một không gian nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận tại TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ có điều kiện sáng tác và giới thiệu tác phẩm với công chúng. Ban đầu đặt tại số 23 Lý Tự Trọng, quận 1, rồi số 3 Mê Linh, quận Bình Thạnh, nay Sàn Art đặt tại số 163 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3.
– Đã nhận được hàng loạt giải thưởng quốc tế như Rauschenberg Residency, Robert Rauschenberg Foundation, New York (2016); Bellagio Creative Arts Fellowship, Rockefeller Foundation, New York (2014); Visual Art Laureate, Prince Claus Fund, Amsterdam, Netherlands (2010); và Artist-in-Residence, Tokyo Wonder Site Aoyama (2009).
– Các triển lãm cá nhân được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Mori, Tokyo (2015); Rice Gallery, Houston (2014); Bảo tàng MoMA, New York (2010); Bảo tàng Mỹ thuật Bellevue, Washington (2007); Asia Society, New York (2005); Bảo tàng Mỹ thuật The Speed ở Louisville, Kentucky (2000). Tác phẩm có trong sưu tập của Asia Society, New York; Bảo tàng Mỹ thuật Carnegie, Pittsburgh; Bảo tàng Hammer, Los Angeles; Bảo tàng Mỹ thuật quận Los Angeles; Bảo tàng MoMA, New York; Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại San Francisco và Bảo tàng Mỹ thuật San José.
– Theo DoanhnhanPlus.vn