Trong ánh lửa trại bập bùng và cái lạnh se se bên suối, chung quanh tôi là những gương mặt chỉ mới đồng hành với nhau nửa chặng đường nhưng ngỡ đã quen nhau lâu lắm rồi.
Dư vị của buổi BBQ giữa rừng vẫn còn lẩn khuất trong mùi khói than và cảm giác lâng lâng từ ly rượu gạo… Ai đó bỗng cất lên câu hát, rồi cả nhóm hòa giọng những bài bolero quen thuộc. Hạnh phúc là khoảnh khắc này đây!
Nhưng để chạm tới khoảnh khắc này, chúng tôi đã trải qua một ngày vượt những quả đồi, một con dốc dài, băng ngang rẫy cà phê và lắc lư trên chiếc cầu treo gập ghềnh.
Cung đường rừng thông Đa Mân – D’ran (Lâm Đồng) được người dẫn đường đánh giá ở cấp độ trung bình, tức là dân văn phòng có thể tham gia.
Nhưng với những ai chưa từng thử sức trong chuyến đi hai ngày một đêm, vượt 30km đường địa hình đồi dốc, phải cần đến tinh thần “vượt lên chính mình”!
- Xem thêm: Trekking miệt Thất Sơn An Giang
Điểm xuất phát là khu vực Hang Cọp, địa phận xã Xuân Thọ (TP. Đà Lạt) và đích đến là đập Đơn Dương (huyện Đơn Dương) – hành trình này tựa như một chặng nối dài của cung đường Đa Nhim – Hang Cọp với những ai đã từng đi.
Với tôi, hai ngày trốn cái nắng nóng gay gắt của Sài Gòn cuối tháng 3 cũng đáng để xách balô lên đường.
“Món quà” đầu tiên dành cho chúng tôi là cây cầu treo vắt qua dòng La Bá, một nhánh của sông Đa Nhim. Cây cầu bằng gỗ nhìn xa như một sợi dây nhỏ vắt qua dòng nước đục ngầu phía dưới, không biết nông sâu ra sao rất dễ khiến người ta chùn chân bỏ cuộc.
Nhiều thanh gỗ lát sàn cầu đã mục rã, rớt xuống sông, lộ ra những khoảng trống mà chỉ cần sơ ý có thể… Vậy mà cặp vợ chồng nông dân địa phương cứ phóng xe máy ào ào qua cầu. Vậy thì sợ gì mà không đi.
Thế là 12 người chúng tôi từng người một níu tay vịn cầu treo qua sông. Cây cầu rung rinh, chao đảo dưới những bước chân…
Món quà thứ hai là ngôi nhà giữa rừng của một gia đình người K’ho. Một khoảnh rẫy trồng cà phê, chiếc nia nhỏ phơi những con cá suối khô cong dưới nắng trưa, chiếc thau nhỏ với ống nước chảy rỉ rả mà nguồn nước được lấy từ đâu đó trên cao…
Có gì đó thật thân thuộc. Chỉ cần nhấc cái vòi để cho nước mát rượi chảy tràn trên tay, trên mặt… cũng đủ để sảng khoái sau một chặng đường dài. Thử thách vẫn còn ở phía trước: con dốc cao và đồi thông bạt ngàn bên trên.
Người chồng vui vẻ chỉ đường tắt để chúng tôi trèo lên đồi, nhưng người dẫn đường vẫn chọn giải pháp an toàn là đi theo con đường mà anh đã từng biết – một con dốc dựng ngược, bào sức người ghê gớm.
Leo hết cái dốc đứng ấy, bữa cơm hộp buổi trưa trên đồi thông trở nên ngon hơn, gió từ sườn đồi bên kia sang như mát hơn, và giấc ngủ trưa giữa rừng cũng “phê” hơn.
Món quà nữa trong ngày đầu tiên là khoảnh khắc hạ trại và tiệc nướng buổi tối. Trại nằm cạnh dòng Đa Mân, cũng một chi lưu của sông Đa Nhim.
- Xem thêm: Phượt trên cung đường Tà Năng
Nhờ địa hình bằng phẳng, nơi hạ trại rất gần với bãi chăn thả trâu bò của dân địa phương, may là thuộc thượng nguồn nên nước trong và sạch. Cháo gà, rau trộn, thịt heo nướng, cùng chuyền tay nhau ly rượu gạo và nghêu ngao hát…
Món quà của ngày thứ hai chính là vắt và mặt hồ Đa Nhim thanh bình. Tôi đã từng trải nghiệm về vắt trong chuyến đi Bù Gia Mập trước đây nhưng… vẫn sợ.
Nhờ nai nịt kỹ lưỡng nên chỉ có vài kẻ không mời ghé chơi trên giày, trên vớ chứ chưa bị “hỏi thăm” và “đóng thuế máu” cho vắt rừng như vài bạn đồng hành.
Cũng vì sợ nên phải đi thật nhanh những đoạn băng qua rừng rậm, có độ ẩm cao, vì đó chính là trận địa của vắt.
Nhờ đi nhanh hơn chúng tôi tiếp cận hồ Đơn Dương khá sớm. Bên hồ, chúng tôi gặp một lán trại của người đi rừng, một chiếc xuồng nhỏ lững lờ bên mép nước.
Xa xa phía bên kia, đàn trâu thong dong gặp cỏ. Cứ men theo bờ hồ và thêm vài chặng băng rừng và đồi thông, chúng tôi đã thấy con đường nhựa ở phía trước, thi thoảng lại có tiếng còi xe… Sắp ra khỏi rừng rồi!
Ai đó trong đoàn thốt lên, tôi nghe có cả niềm vui và sự nuối tiếc. Cũng đúng thôi, vui vì đã vượt qua một hành trình không hề dễ dàng, mà tiếc vì sẽ phải rời rừng để về với phố xá, với một ngày thứ hai đầu tuần đầy ắp công việc…