Chung sống trong một gia đình không có nghĩa là mối quan hệ giữa các thành viên luôn cân bằng một cách hoàn hảo. Những xung đột thường xảy ra ở những gia đình mở rộng có thể là vấn đề nhỏ, ít khi được nói ra và chia sẻ nhưng theo thời gian sẽ phát triển thành những vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến gia đình, ngay cả các gia đình hai thế hệ cũng không ngoại lệ. Vậy nên, để duy trì quan hệ tình cảm gia đình tốt đẹp đòi hỏi sự quyết tâm bền bỉ nhằm giải quyết mọi vấn đề và loại bỏ những hành vi chưa tốt trong gia đình.
Sự lăng mạ và phê bình
Khi mỗi thành viên gia đình có tính cách và quan điểm khác nhau, những lời phê bình lẫn nhau là không thể tránh khỏi. Phê bình không phải lúc nào cũng xấu, nhưng không được lăng mạ, vì đấy là hai phạm trù khác nhau.
Lăng mạ bao gồm những từ tiêu cực, dùng lời nói để hạ thấp thanh thế của người khác. Khi những lời lăng mạ được thốt ra từ các thành viên, sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong gia đình. Ngay cả khi lăng mạ ngụ ý là lời nói đùa vẫn gây tổn thương cho người khác. Trong khi đó, phê bình có thể coi là sự khích lệ nhưng tỏ ý không thích về điều mà người bị phê bình đã làm, được nói ra với sự tôn trọng và có biểu hiện tinh thần tích cực.
Một gia đình đúng nghĩa là biết giúp đỡ và cùng nhau cải thiện, trong đó phê bình đóng vai trò quan trọng của toàn bộ quá trình này. Nếu phê bình bạn đời, con cái của bạn hay bất cứ người nào trong gia đình, đừng nói để hạ thấp thanh thế của họ. Trong trường hợp bạn bị phê bình, hãy hiểu một cách vui vẻ rằng đó là cách giúp cải thiện bản thân và cho toàn bộ mối quan hệ gia đình.
Thiếu trung thực
Trung thực là nền tảng quan trọng của bất cứ mối quan hệ lâu dài nào. Trong một gia đình cân bằng và lý tưởng, điều quan trọng nhất là trung thực và thẳng thắn nói ra những điều mình muốn. Nhiều người có tâm lý mong đợi bạn đời, con cái và các thành viên khác trong gia đình phải đọc được những tâm tư, nguyện vọng của họ, nhưng điều này là không thể, từ đó dẫn đến thất vọng.
Luôn trung thực, thẳng thắn nói ra những ý định và cảm xúc có thể khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, nhưng là cách tốt nhất để duy trì các mối quan hệ trung thực trong gia đình.
Không xin lỗi và tha thứ
Sẽ có lúc bạn không thể tránh khỏi làm tổn thương cảm xúc của người khác, dù là vô tình hay hữu ý. Một thực tế không thể phủ nhận là trong mỗi chúng ta đều có một chút bướng bỉnh, tự cao tự đại trước người khác trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Và, điều này khiến bạn không thực lòng muốn xin lỗi một ai đó. Điều đó một lần nữa cho thấy, trung thực là nền tảng của mối quan hệ lý tưởng, giúp nhận ra sai lầm và thừa nhận sai lầm.
Xin lỗi tuy không thay đổi được điều gì nhưng ít ra cũng làm dịu nỗi đau sau đó. Thông điệp xin lỗi cần rõ ràng, biết thừa nhận những sai lầm và tìm cơ hội xây dựng lại một phần tổn hại của mối quan hệ. Nói xin lỗi còn giúp bạn hiểu được nỗi đau và tâm trạng tổn thương của người khác, và lời xin lỗi chân thành xứng đáng nhận được sự tha thứ. Tha thứ giúp bạn vượt qua cảm giác thất vọng, muốn trừng phạt người khác. Do đó, xin lỗi và tha thứ là cốt lõi của mối quan hệ gia đình.
Không chấp nhận tính cách khác biệt
Bạn có xu hướng nhìn người khác theo cách mà bạn muốn nhìn thấy họ, chứ không phải họ là ai. Khi yêu thích ai, bạn luôn xem trọng họ, và khi không thích, bạn chỉ tập trung vào những khuyết điểm của họ. Mỗi chúng ta đều có những ưu và khuyết điểm. Việc chấp nhận những người khác là tôn trọng họ, cho dù họ là ai và chấp nhận những khác biệt của họ mà không tỏ thái độ xem thường họ.
- theo Life Hack & Tranquilmonkey