Khi nói về một mối quan hệ vợ chồng viên mãn, chúng ta thường nghĩ đến sự tin tưởng, trung thực, cởi mở và vui vẻ. Thế nhưng, một yếu tố vô cùng quan trọng khác mà các lứa đôi không thể bỏ qua, đó là giao tiếp. Dưới đây là những bí quyết đem lại sự hòa hợp trong giao tiếp với bạn đời.
Giao tiếp như một “tài khoản ngân hàng”
Bạn có thể tiết kiệm hoặc rút tiền từ tài khoản ngân hàng, và tương tự cũng có quyền để dành hoặc chọn lựa việc sử dụng ngôn từ phù hợp theo tình huống với bạn đời. Rabbi Shlomo Zalman, chuyên gia người Do Thái về các mối quan hệ, giải thích: “Không ai thích nghe những lời chỉ trích. Khi lời chỉ trích ấy đến từ người mà bạn yêu thương và ngưỡng mộ bạn sẽ càng khiến bạn dễ bị tổn thương. Nếu bạn cảm thấy thốt ra vài từ chỉ trích bạn đời, hãy nghĩ đến mối quan hệ của bạn giống như một “tài khoản ngân hàng”.
Tiết kiệm lời chỉ trích và gửi những lời khen ngợi đến bạn đời. Điều quan trọng là tiền gửi ở ngân hàng (dưới dạng lời khen, lòng tốt, thể hiện sự đồng ý) nhiều hơn là tiền rút ra (dưới dạng lời chỉ trích), để tài khoản của bạn không bị thất thoát. Nếu số lượng lời khen và ngưỡng mộ nhiều hơn lời chỉ trích, cơ hội tìm tiếng nói chung với bạn đời khi giao tiếp sẽ hiệu quả hơn.
Đừng phòng thủ
Tất nhiên bạn không cần xin lỗi hay đổ lỗi cho bạn đời nếu không làm điều gì sai trái. Tuy vậy, có sự khác nhau giữa tìm kiếm sự thật và phòng thủ một cách máy móc. Các cặp vợ chồng thành công có những cam kết chung về tương lai và sống với nhau rất hòa hợp. Khi xảy ra mâu thuẫn, mỗi người cần biết phải làm gì để đem lại lợi ích chung cho cả hai thay vì chú ý đến những chuyện nhỏ nhặt hay tranh luận ai đúng ai sai.
Ngược lại, nếu bạn sai, đừng chần chừ hoặc hy vọng rằng điều này sẽ biến mất. Chịu trách nhiệm về những việc làm của bạn, thể hiện sự chân thành để bạn đời cảm thấy bạn sẽ cư xử tốt hơn lần sau. Những người giao tiếp hiệu quả thường không gặp bất cứ khó khăn nào khi chấp nhận họ sai. Bởi không có gì xấu hổ khi thừa nhận rằng bạn đã phạm sai lầm.
Đặt ra những câu hỏi “mở”
Một câu hỏi “đóng” có thể được trả lời đơn giản là “có” hay “không”, hoặc một nhóm câu trả lời hạn chế. Ngược lại, một câu hỏi “mở” không ngụ ý bất cứ câu trả lời cụ thể nào. Trong khi có rất nhiều tình huống thích hợp với câu hỏi “đóng”, nhưng hãy chọn những câu hỏi “mở” nhằm tạo sự quan tâm và gần gũi hơn với bạn đời.
Lắng nghe bạn đời trước khi nói cũng rất quan trọng. Thay vì nói huyên thuyên, hãy dừng lại và lắng nghe những gì bạn đời đang nói. Sau đó, hãy phản ứng một cách thận trọng. Khi một người tham gia vào cuộc đối thoại kinh doanh quan trọng, họ thường muốn người khác nghe điều họ muốn phản hồi, ngay lập tức ngừng lắng nghe mọi thứ người khác đang nói, và bắt đầu nghĩ đến cách họ phản ứng trong lúc chờ người khác ngừng nói. Đây là cách giao tiếp thường gặp nhưng sẽ là “độc dược” của các cặp vợ chồng giao tiếp tốt.
Không khơi lại quá khứ
Hãy để những cuộc tranh luận trong quá khứ chìm vào quá khứ. Thế nhưng, nhiều cặp vợ chồng có xu hướng quay lại những gì đã làm trong quá khứ để bảo vệ lập trường hiện tại của họ. Sự tha thứ và khả năng có thể để mọi thứ diễn ra theo đúng thực tại là yếu tố quyết định nếu bạn muốn duy trì mối quan hệ. Tranh luận xảy ra khi sống chung là không thể tránh khỏi, nhưng hãy đối phó với chúng, sau đó hãy lãng quên và đừng để chúng tái diễn. Điều này sẽ giúp vợ chồng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, hãy tập trung một vấn đề vào cùng một thời điểm. Ngay cả khi bạn đời làm nhiều điều khiến bạn phiền lòng, và bạn đã lên một danh sách những vấn đề cảm thấy cần giải quyết, hãy chọn tối đa một vấn đề cho mỗi cuộc trò chuyện. Nếu bỏ qua quy tắc này, sẽ tạo tâm lý áp đảo và kềm hãm cảm xúc của bạn đời, khiến anh/cô ấy không thể nghe được những gì bạn đang nói.
– Theo Rd & Psychology Today