Triển lãm “Phía cuối con đường – End of the Road” tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hà Nội, từ 1-10 đến 8-10-2018) giới thiệu với công chúng thủ đô tác phẩm của ba họa sĩ trẻ Trịnh Vũ Hiếu, Chu Việt Cường và Lê Văn Hoàn.
Có thể coi “Phía cuối con đường” là một tuyên ngôn nhất quán nhưng cũng không thiếu sự day dứt và phân vân về con đường nghệ thuật mà bộ ba họa sĩ sẽ phải dấn bước dài lâu: cứ đi rồi sẽ tìm thấy, có thể là trở về điểm xuất phát, cũng có thể sẽ đạt tới bờ bến mới. Tất cả đều không quan trọng bằng việc cất bước ra đi, dấn thân vào một lĩnh vực đã có quá nhiều người đã, đang và sẽ đi nhưng không phải ai cũng tìm thấy chân trời.
- Xem thêm: Trẻ và mới tại một triển lãm đông vui
Lê Văn Hoàn mang đến triển lãm loạt tranh sơn dầu thể hiện những khuôn mặt trầm tư nhưng nhạt nhòa danh tính, ẩn hiện vô vàn dấu vết của cõi nhân gian, những hy vọng, những ký ức và những trải nghiệm trong cuộc đời mỗi người. Trên các khuôn mặt là những hình khối đan xen, hòa quyện vào nhau, gợi lên sự cô đơn của những cá thể trong xã hội ngày càng phức tạp, bất an. Ngay mấy bức trừu tượng về đời sống đô thị của anh cũng là sự biểu đạt mơ hồ những ẩn ức và nỗi hoang mang của con người đang đi tìm chính bản ngã của mình trong thời đại của công nghệ số.
Tranh sơn mài và đồ gốm của Trịnh Vũ Hiếu là cách biểu đạt khác về cõi nhân gian. Mặt phẳng của tranh và đường cong mềm mại của đồ gốm như một cách thể hiện các mặt đối lập và tương đồng của đời sống. Hình ảnh lá chuối và mặt Phật đã gắn bó với các tác phẩm của Trịnh Vũ Hiếu từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên anh công bố đồng thời cả tranh và gốm, cho thấy một cách nhìn đa chiều về nghệ thuật. Dấu ấn về làng quê, những đình chùa, gốc đa, giếng nước… ẩn sau các họa tiết được tỉa tót, để rồi chỉ một tàu lá chuối thôi cũng phục dựng trọn vẹn ký ức về một miền quê nào đó trong tâm thức của mỗi con người. Triết lý về hạt cải chứa đựng cả thế giới của Phật giáo được bộc lộ qua cách biểu đạt cô đọng này. Nhấn nhá vào chi tiết và khoáng đạt ở tổng thể, những hình tượng mang đậm dấu ấn tâm linh dân gian của Trịnh Vũ Hiếu còn là câu chuyện thầm lặng về những điều đã và đang dần hiếm hoi trong cuộc sống náo động hôm nay.
- Xem thêm: Thông điệp từ “Mắt xích”
Trong tranh sơn mài của Chu Việt Cường những khoảng lặng một thời vàng son yên bình ở làng quê được thể hiện rõ nét và chân chất. Theo đuổi đề tài nông thôn miền núi từ rất sớm, họa sĩ luôn mong muốn mang đến cho đời những góc nhìn dung dị và tuyệt đẹp về làng mạc Bắc bộ với lũy tre và đám trẻ chăn trâu, về những mảng tường xếp đá của cao nguyên Hà Giang, và những con đò đơn chiếc trên dòng sông quê… Bằng ngôn ngữ tả thực, Chu Việt Cường khẳng định vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống như nó đang hiện hữu. Từng chiếc lá tre, từng chi tiết của nếp nhà tranh… được anh tỉ mẩn thể hiện. Tranh Chu Việt Cường là những giấc mơ, những ký ức tuổi thơ tưởng như đã lãng quên, là khoảng thời gian có lẽ bình yên nhất của đời người.
– Theo DoanhnhanPlus.vn