Khá nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc – nội thất đến từ phương Tây đã bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị khi thấy cấu trúc nếp nhà truyền thống Việt Nam lại rất hiện đại, rất “mở” bởi tính chất không gian liên hoàn, ngăn chia linh hoạt và nội thất thống nhất. Xét về phong thủy, không gian truyền thống đó chính là dạng thiết kế “đóng mà mở”, ít dùng vách “cứng” mà chủ yếu là sắp xếp đồ đạc, thể hiện hiệu quả nhất là ở khu vực bếp ăn và sinh hoạt chung.
Ngày nay, với trường hợp căn hộ nhỏ, nhà phố hẹp, một nhà ghép nhiều hộ (thậm chí cả với nhà rộng) cần có những không gian đa năng bên cạnh không gian riêng biệt để đáp ứng tốt các nhu cầu thực tế. Vấn đề đặt ra: làm sao vừa kết nối tốt các sinh hoạt nội bộ vừa tạo nên trường khí tập trung mà vẫn riêng tư? Lời giải đáp nằm ở khả năng ngăn chia và bài trí vật dụng sao cho đa năng và tiện nghi.
Từ bếp trong căn hộ…
Ngoại trừ các căn hộ dạng penthouse diện tích lớn, bếp trong chung cư thường thiếu không gian, khó thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên đầy đủ, hay gây ảnh hưởng tới các không gian khác. Nhiều chung cư bố trí theo kiểu khi bước vào đã gặp ngay bếp nên mọi sinh hoạt, vật dụng xấu hay đẹp, sạch hay bẩn… của bếp dễ bị bộc lộ ngay từ “ánh mắt đầu tiên”. Từ đó dẫn đến việc bố trí phong thủy cho bếp ở căn hộ thường cũng khó tuân thủ đúng nguyên tắc như bếp trong nhà rộng, mà đòi hỏi phải có một số thay đổi.
Cụ thể nhất là cách dùng vách ngăn nhẹ hoặc hệ cửa lùa để khi cần có thể chia tách khu bếp, khi khác lại mở ra tạo sự liên thông. Màu sắc cho bếp chung cư nên là những màu dịu và sáng, đem lại cảm giác thư giãn, như tông màu trắng, xám và màu gỗ thuộc các hành Kim và Mộc. Những màu đậm và ấm cũng có thể sử dụng cho phần nền và tường bếp để mang tính bình ổn, vững chãi. Nhưng cần tránh dùng màu chói lọi hoặc quá tương phản trong khu bếp nhỏ vì dễ gây… nóng hơn trong không gian vốn sẵn nóng nực rồi.
Đặc trưng của quá trình nấu nướng chế biến thức ăn vốn mang tính tổng hợp các thành phần vật chất (nước, lửa, thực phẩm, dụng cụ nấu nướng…) nên vừa cần tương sinh (như Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa) lại cần cả tương khắc (như Kim khắc Mộc, Hỏa khắc Kim) để biến đổi, khắc chế, tạo nên các vật chất mới. Vấn đề là vừa giữ gìn Hỏa tại vị trí cần Hỏa (bếp lò, nồi nấu), vừa hạn chế, giảm bớt tính Hỏa lan ra các không gian lân cận. Về mặt thông thoáng, có thể dùng cách bố trí các hộp gen nối với ống kỹ thuật để thông gió bắt buộc cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn di động (nhôm – kính) để khi đun nấu nhiều có thể cô lập phần bếp với không gian bên ngoài, giảm thiểu ảnh hưởng khói mùi lan tỏa.
…đến không gian đa năng
Trong phần lớn nội thất nhà ở, không gian đa năng thường nằm tại trung tâm hoặc kề bên trung tâm của mặt bằng. Dạng không gian này giữ vai trò gần giống phòng sinh hoạt chung, đôi khi còn được tận dụng làm phòng ngủ lúc có khách đột xuất, làm phòng thờ hoặc làm thư phòng – chỗ đọc sách, học tập của cả gia đình. Không gian đa năng do đó trở thành nơi trung hòa khí của nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính khác nhau trong nhà. Nếu nối được với các hành lang hoặc cầu thang thì khá hiệu quả, tránh tình trạng đi xuyên qua phòng khác.
Trường hợp nhà diện tích hẹp hoặc căn hộ chung cư kiểu một phòng, cũng là không gian sinh hoạt chủ yếu, có thể phải đặt cả bếp tại đây – điều đó vừa có mặt tốt vừa có mặt xấu. Mặt tốt là sẽ giúp tạo nên sự quây quần, ấm cúng và tiện dụng hơn trong sinh hoạt, còn mặt xấu là do bếp thải ra thán khí, khói, mùi… ảnh hưởng đến sức khỏe, lại dễ gây bề bộn. Do vậy cần phải dùng vách ngăn, máy hút khói khử mùi và nếu có thể thì thay đổi cao độ vài bậc để khu vực liên hoàn bếp – ăn – sinh hoạt chung này trở nên kín đáo và hiệu quả hơn.
Trong ngôi nhà xưa, hàng hiên (hay hàng ba, bờ hè) là một không gian đa năng rất hợp phong thủy. Đây là chỗ có thể tiếp khách thân mật, kê bàn ăn hay giường ngủ khi trời nóng nực, là chỗ mở rộng khi nhà có việc tiệc tùng giỗ chạp. Kiến trúc hiện đại cũng rất ưa dùng hàng hiên – terrace như là điểm thư giãn lý tưởng. Nhưng trong đô thị đất chật người đông, ngôi nhà phố đang dần xóa đi hàng hiên, dẫn đến chỗ để xe, khoảng đệm và các hộp kỹ thuật lọt vào phòng khách. Nếu khéo thu xếp thì vẫn có thể tạo một không gian đệm có nhiều tiện ích tương tự hàng hiên truyền thống trước khi bước vào phòng khách. Nếu nhà bị trực xung (đường đâm thẳng vào cửa) hay phía trước là đường lớn thì càng cần có khoảng đệm này kết hợp với cây xanh. Lưu ý nên bố trí bằng vật liệu nhẹ (như khung nhôm kính, cửa gỗ xếp) để khi cần có thể mở rộng phòng khách.
Khéo đóng và mở
Không gian đa năng thường có hai dạng là đóng kín hoặc mở thoáng. Với dạng đóng kín, các giải pháp nghiêng về lối bố trí như phòng sinh hoạt chung, bố trí liên hoàn bếp – ăn – tiếp khách hoặc ngủ – làm việc – giải trí. Với dạng mở thoáng, thường thì nhà có diện tích hẹp nên giảm thiểu chia phòng và cần sự lưu thông nguồn khí, đồng thời lưu ý bố trí vật dụng cơ động để biến đổi không gian tùy theo chức năng sử dụng. Các thủ pháp dùng bình phong, rèm hoặc tủ ngăn có bánh xe di động đều rất hiệu quả. Bàn xếp, ghế xếp, giường xếp… cũng nên sử dụng để giảm diện tích chiếm chỗ. Cần quan tâm đến các biện pháp thông thoáng hỗ trợ bằng thiết bị (quạt hút, máy khử mùi) và gắn kính hoặc gương phản chiếu đúng chỗ để nâng cao cảm giác thoáng đãng về thị giác trong không gian và kích hoạt luồng khí lưu thông mạnh hơn, nhất là khi tập trung đông người.
Trang trí cho không gian đa năng cũng nên lưu ý tính chất thay đổi linh hoạt, giảm thiểu những tường đặc, hang hốc và kết cấu cố định mà lưu tâm hơn đến hệ thống tủ kệ liên hoàn. Một số thiết kế dùng giải pháp nâng sàn (gỗ) và ngồi bàn thấp kiểu Nhật khá thú vị, rộng rãi, dễ bố trí đồ đạc và khi cần biến thành một giường ngủ – sàn ngủ cỡ lớn.
Với nhà ống dài, khoảng kế bên cầu thang cũng có thể sử dụng như một không gian đa năng. Đây là chỗ sinh hoạt gia đình, nơi đặt bàn học cho trẻ, hoặc tiếp khách thân mật, chỗ bàn bạc công việc mà không xâm phạm vào các không gian riêng tư. Do đó tính chất của không gian này là động và linh hoạt, có thể không cần làm cửa, chỉ nên có vách ngăn, tủ kệ nhẹ nhàng và nối với hành lang cũng như vệ sinh chung để tiện dụng và ít chiếm diện tích. Các vật trang trí mang tính kích thích nội khí và chống sát khí như bể cá, cây cảnh, đèn trang trí, gương… cũng thường được bố trí tại các không gian này để vừa tăng yếu tố trang trí – sử dụng, vừa là giải pháp phong thủy cho một nơi có nhiều người sinh hoạt và chịu sự thay đổi nhiều hơn là các không gian riêng tư.
Tóm lại, nhà càng hẹp diện tích thì càng cần tổ chức theo kiểu không gian đa năng và tiện nghi kết hợp. Có ý kiến cho rằng việc nhà làm mở thoáng sẽ dẫn đến tán khí, hao tán tài lộc… Thực hư vấn đề này cần xem xét nhiều mặt. Thoáng đủ khác với thông thống, thoáng để đạt hiệu quả kinh tế, giảm hành lang hoặc lối đi lại, tăng góc nhìn, thêm khả năng thay đổi linh hoạt… Còn chuyện có hao tán tài lộc hay không thì cần nhìn nhận dưới góc độ mang tính văn hóa dân gian, nặng về niềm tin có kiêng có lành của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước từ xưa đến nay, ưa các bày biện và che chắn mang tính kín đáo. Thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức là điều không dễ, nhưng thay đổi hành vi ứng xử sao cho văn minh, khoa học và hữu ích thì hoàn toàn có thể được, để không gian sống trong điều kiện đất chật người đông hôm nay ngày càng trở nên hữu dụng và hài hòa các lợi ích vật chất, tinh thần của cư dân, tránh các kiêng kỵ vô căn cứ.
- Ảnh Xuân Trang