Nghe tôi nói về khái niệm của tiến sĩ Giáp Văn Dương khi bàn về “thoát Á luận” của một tác giả người Nhật, cả bà xã tôi và chị bạn đến chơi nhà cùng chăm chú lắng nghe.
Tôi cứ tưởng họ đang cùng suy nghĩ về cung cách phát triển đất nước, vì tác giả Nhật ấy nêu ra các khiếm khuyết của châu Á nhiều cổ hủ, trì trệ, lạc hậu, vì thế nước Nhật đã làm cách mạng theo lối cải cách văn hóa theo kịp phương Tây, tức là theo luận thuyết thoát ra khỏi các lạc hậu châu Á.
Còn “thoát thân luận” đưa ra một ý mới: chẳng phải thoát Á thoát Âu gì, hãy thoát khỏi sức ì văn hóa, sự tự mãn và các thói xấu của chính mình. Ý tứ thật là hay.
Bà xã tôi nói: “Tưởng gì. Giống Vượt lên chính mình của ông Quyền Linh trên HTV hả?”. Rồi cả hai bà quay ra thảo luận tiếp câu chuyện họ nói với nhau ở dưới bếp.
Bà xã tôi tóm tắt lại phần đầu cho tôi hiểu để có thể tham gia thảo luận phần tiếp theo. Đại khái rằng chị bạn bỗng nhiên hôm nay đến đây chơi đột xuất là nằm trong kế hoạch “Vượt lên chính mình”.
Chồng chị bận rộn đến nỗi lơ là cả gia đình. Suốt cả tuần hết cơm khách lại đãi tiệc, họp hành, ký kết gặp gỡ đối tác nên hầu như chẳng mấy khi ăn cơm nhà.
Con cái đi du học xa. Chị cứ dài cổ trông chồng. Có hôm anh mãi khuya mới về. Chị hết giận hờn, trách móc, hết nặng nhẹ đến bỏ cơm, nhưng anh ấy hầu như không thay đổi.
Bạn bè chê chị trông thiểu não quá, gầy xọp, buồn rầu, không còn vẻ tươi trẻ như ngày xưa. Rồi có người khuyên: “Chị tội gì cứ khốn khổ hành xác lao theo một người không thể thay đổi”.
Có người lại hiến kế: “Đi học thiền đi, hay lắm. Mình phải tự thay đổi thôi, chứ không mong gì cải tạo xung quanh.
Không nghe một câu người ta thường nói: “Đời thay đổi khi ta thay đổi” hay sao. Không để ý đến “thằng chả” đó nữa.
Lúc nào một mình thì bật nhạc lên nghe, làm món gì ngon tụ tập bạn bè. Mình cũng đi chơi khuya đi, tự mình hưởng sung sướng, việc gì phụ thuộc ai?”.
- Xem thêm: Kiếp sau lại xin… lấy em
Bà xã tôi tranh luận lại: “Vậy thì bản thân đâu có gì sáng sủa hơn. Một thứ A.Q không hơn không kém”.
“Nhưng đằng nào cũng không thay đổi được ông xã, mà nếu không tự mình thoát ra thì mình lại khổ hơn. Vậy đâu có gì phải bàn cãi, mình tự cứu mình mà” – tôi bàn vào.
“Ừ, lý lẽ nghe cũng hay đấy” – Bà xã quay ra chất vấn tôi: “Theo em, tại sao không đặt vấn đề ông chồng phải thay đổi. Tại sao người vợ thay đổi được? Để xây dựng không khí đầm ấm, gia đình hạnh phúc, cả hai phải đóng góp, vun đắp, lý thuyết đã dạy thế.
Mà cuối cùng thì bà vợ lại chịu thua. Bà ta lại đi tìm niềm vui riêng, thế thì mạnh ai nấy sống à, còn gì là gia đình?
Cái thứ lý thuyết kêu gọi đàn bà tự đi giải quyết việc mình, đừng có đòi hỏi gì ở chồng nữa, vậy mà thiên hạ cứ tưởng mới tìm ra… châu Mỹ! Mới tìm ra phát kiến gì vĩ đại lắm?”.
Nghe đến đây, bà khách được dịp xổ ra thêm thắc mắc và kể nỗi niềm: “Ừ, mà chỉ loại phụ nữ nào mới thích vui thú một mình, chứ tôi thì chịu.
Đi với bạn, xem phim, ăn uống, tâm mình vẫn để ở nhà, để ở người thân. Vui sao nổi. Cũng thật kỳ lạ.
Sao đàn ông họ bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu, chẳng hạn có cả sách dạy nghệ thuật đối phó với sai lầm của đồng nghiệp, còn với vợ con gia đình mà ông nào cũng cho rằng quan trọng thì họ lại chẳng quan tâm hay tiến hành nghiên cứu gì cả.
Họ lý sự là xã hội bây giờ phức tạp, quan hệ hợp tác trên những con đường “nhiều chấm và ma trận”.
Một ông giáo sư Harvard còn dạy họ rất tỉ mỉ, khi trách móc đồng nghiệp làm sai, trước tiên phải cẩn thận tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra? Liệu mình có nhầm lẫn?… Vậy mà với vợ thì các ông chẳng có nghiên cứu gì hết, cứ mặc kệ”.
- Xem thêm: Trong xó bếp mới hạnh phúc
Kết cục lại, cái lý thuyết “thoát thân luận” mà tôi đang hào hứng thông tin, bị các bà thay đổi ý nghĩa phát triển quốc gia để vận vào chuyện vợ chồng. Phụ nữ họ không muốn “thoát thân” một mình như vậy.
Họ cứ muốn buộc cả gia đình phải chung sức “vượt lên chính mình”, bởi trong cuộc sống riêng tư, những ai “tự sướng” thì đó chỉ là kẻ cô độc trong một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc. Tự sướng một mình, vậy lấy chồng để làm gì?
Những chuyện nhỏ xíu cũng thành luận thuyết triết học hết cả, đau đầu quá!