Gần đây, có không ít nhà ở tư nhân, quán xá được hoàn thiện theo phong cách thô mộc, với gạch trần, sàn xi măng, tận dụng chất liệu cũ,… được một số mạng thông tin quảng bá rầm rộ, nhận nhiều khen chê đa chiều. Ở phía phản biện, có ý kiến cho rằng kiểu thô mộc đó không hợp với cuộc sống hiện đại, sai về phong thủy, chỉ là “cuộc chơi” nhất thời. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ văn hóa phương Đông và kiến trúc bền vững thì dạng công trình này có nhiều khía cạnh xem xét thú vị và toàn vẹn hơn.
Từ triết lý tự nhiên của phong và thủy
Phong thủy thể hiện triết lý Đông phương về tự nhiên và xã hội, qua cách thức xây nhà, thịnh hay suy theo từng thời điểm. Hai chữ “phong” và “thủy” cũng mang tính tương tác, trong đó phong là sự dịch chuyển thay đổi của khí trường trên địa hình cao thấp (sơn thế) và công trình xen cài, còn thủy với đặc trưng là những đường uốn khúc, lượn sóng và đa diện cong là biểu hiện rõ nhất của sự tự nhiên trong hành xử. Không có nước thì không có sự sống, mọi điểm dân cư đều cần gần thủy lộ dịch chuyển, nương vào mặt nước giếng – ao – hồ – sông – biển để tồn tại và phát triển. Vì thế mà phong thủy xem yếu tố “tự nhiên như nước chảy” là chủ đạo khi bài trí không gian. Ông cha ta khi xây dựng luôn dựa theo điều kiện địa hình sẵn có, mà Hà Nội bên sông Hồng, Huế bên Hương Giang, hay Sài Gòn – Gia Định bên sông Sài Gòn uốn khúc… đều là những ví dụ sống động về thuận Thủy Khí trong quy hoạch – kiến trúc truyền thống.
Triết lý về sự tự nhiên giải thích tại sao các ý tưởng mang tính hình thức trong đường nét, màu sắc, chất liệu… trở nên khó chấp nhận nếu chúng không đồng hành cùng tính tự nhiên của nơi cư trú. Cần thông gió mà lại làm hình khối đặc, trồng cái cây chỉ để làm điểm nhấn, hay đặt hồ nước vì mê tín muốn tài lộc vào như nước… đều là các biểu hiện của việc chuộng hình thức mà coi nhẹ nội dung. Sự tự nhiên còn nằm ở tôn trọng khác biệt, mỗi địa phương, mỗi nhà, mỗi người đều có khác biệt và đều có điểm chung, từ chung đến riêng giải quyết thấu đáo thì ngôi nhà tồn tại tự nhiên, mà thiên lệch thì ngôi nhà và người sống bên trong bị gượng ép hình thức, lâu ngày nảy sinh bức bí và mâu thuẫn đối lập.
Khi xét trên phương diện làm nhà phải theo sát nhu cầu, ứng xử tốt với điều kiện chung quanh, gần gũi văn hóa với người sử dụng… thì có thể lý giải vì sao những khối nhà bê tông trần khô lạnh tối giản bên Nhật Bản, hay kiểu nhà gạch trần thô mộc tre nứa gần đây ở Việt Nam lại được chấp nhận, bởi chúng đáp ứng được nhu cầu, bởi những kiểu thức bọc nhôm kính hay sao chép gờ chỉ phù phiếm thiếu thân thiện, thiếu gần gũi đã ngày càng bộc lộ sự xa cách.
Đến các tiêu chí của phát triển bền vững
Bên cạnh đó, để tạo một môi trường ở hợp phong thủy mà rộng hơn là hợp với nguyên tắc tồn tại và phát triển bền vững, thì những kiểu nhà thô mộc cần giải quyết thấu đáo hơn một số vấn đề không chỉ là hình thức và giải pháp. Cần nhìn lại nếp nhà truyền thống của chúng ta, cũng như ngó qua các nước tiên tiến đã làm kiến trúc bền vững như thế nào, để rút ra một số đặc điểm đáng suy ngẫm:
– Thô mộc đi cùng tiện ích cao: Giảm các xếp đặt mang tính trang trí tạo khối, mà tăng giải pháp cho tiện ích nhiều hơn, như khung kính cách âm ở hướng ồn ào và bụi, tránh dùng sàn quá thô ráp ở nơi nhiều người già, trẻ em hoặc chốn bếp núc… Vật liệu tự nhiên phải xử lý an toàn, thân thiện và không quá thiên lệch một chủng loại nào, nhất là khi nhà ở không phải môi trường quán xá hay cửa hàng.
– Thô mộc trong trường khí tốt: Tuân theo quy luật Thủy Đáo Cục (dòng khí đến uốn khúc mềm mại), tức là từ hình khối đến giao thông tiếp cận không trực diện mà thông qua dẫn dắt, đóng mở nhẹ nhàng. Tại đô thị lớn ô nhiễm nhiều nên tính toán có thể bố trí trồng cây, bình phong hoặc hồ cảnh để vừa giảm Trực Xung Đối Môn, vừa tạo một khoảng đệm cần thiết trước khi vào nhà. Đối với nội thất, phong cách thô mộc dễ làm nhà tăng âm giảm dương, nên có thể dùng vật liệu gương, kính giúp ngăn mà không cách, tạo sự kết nối, nhờ gương phản chiếu để nới rộng không gian và tăng tầm quan sát tại các vị trí khuất và tối. Thô mộc không nhất thiết là thủ pháp bao trùm toàn bộ không gian dễ dẫn đến cảm nhận về trường khí âm u.
– Thô mộc là ứng xử chứ không rập khuôn: Nhờ dị biệt về khí hậu, địa hình, tập quán… tại các địa phương khác nhau trên thế giới đã làm nảy sinh ra các nền văn minh, văn hóa khác nhau. Việc cóp nhặt kiểu nhà nơi này vào nơi khác sẽ thành sự áp đặt hình thức (ví dụ dạng nhà gạch trần ở Mỹ Latinh, dạng nhà bê tông tối giản ở Nhật Bản, hay resort tranh tre ở Bali, Indonesia) khi “vào” Việt Nam cần biến đổi, cân nhắc cho phù hợp. Ví dụ quan niệm “mê nhà Tây” (biệt thự kiểu cổ điển thời Pháp thuộc) do người ta không nhận ra thực chất đó là kiểu nhà được nhiệt đới hóa và bản địa hóa cao, giá trị về cấu trúc quan trọng hơn giá trị về các chi tiết trang trí, nhưng thời nay lại bị xem nhẹ, bị áp dụng tràn lan vào cả nhà ống hoặc không gian công sở thời hiện đại. Vì vậy, để dạng nhà thô mộc hiện nay không phải là một trào lưu hình thức sao chép mới (mà thực ra đã cũ, cha ông ta làm từ lâu rồi) thì rất cần nhà chuyên môn phải xác định được giải pháp thô mộc mình đưa ra có thực sự đủ và đúng về nhiều mặt: công năng, khí hậu, kinh tế và thẩm mỹ hay chưa.
Nhà theo người hay người theo nhà?
Làm nhà là một dạng chăm lo đời sống đi cùng sự thể hiện bản thân, gia đình. Các nước Tây phương xem nơi ở cũng chỉ như chiếc xe, công việc, nên họ linh động và biến đổi tùy nghi. Còn phương Đông lại chuộng sự cắm rễ bền sâu, sở hữu lâu dài, của hồi môn cho đời sau, dạng nhà tư nhân vẫn được chuộng hơn… nên các biểu hiện gia tộc hoặc cá nhân khi làm nhà cũng phức tạp hơn. Thiết kế xây dựng nhà cửa cũng hay chịu áp lực vừa cần đủ tiện nghi vừa không thiếu thẩm mỹ. Với những ngôi nhà đặt yếu tố thô mộc lên làm ý tưởng chính chắc chắn cần có sự dung hòa chấp nhận từ phía người sử dụng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng khuyên “không ngồi thiền được thì không ngồi” để nói lên triết lý tránh gượng ép, hình thức, chạy theo trào lưu, chịu sự bó buộc của người khác mà bỏ đi cái tôi tự nhiên của mình. Ngôi nhà nếu được quan niệm tự nhiên thì con người ở trong đó không bị gò ép, như một mảng gạch trần có thể được kiến trúc sư rất chăm chút nhưng khiến gia chủ khó chịu, và ở chiều ngược lại, kiến trúc sư rất thất vọng khi gia chủ không chịu làm mảng trần gắn toàn các khung cửa cũ theo ý mình cho nó “chất”! Sao phải cưỡng cầu nhau trái lẽ tự nhiên như vậy?
Triết học Đông phương xác định đã theo việc làm nhà tức là sẽ có biểu lộ hình thức, thì phải biết đến chữ “khiêm”. Khiêm đúng sẽ giúp đối nhân xử thế đúng. Kiến trúc và nội thất không phải lúc nào cũng tích cho nhiều dương tính (thông qua vật chất, màu sắc, mảng miếng…) mà dùng âm cũng có thể tôn dương, nhờ không có thể đạt sắc, sẽ thành khiêm. Ít mà lại nhiều, đó chính là cách triết lý Đông phương khuyên ứng xử nhu hòa, mà cũng trùng với nguyên lý Less is More trong tư tưởng Tây phương. Đừng biến không gian trở thành một kiểu thức bó buộc như nghi lễ, những cố định, neo buộc mang tính kỹ thuật nên hiểu là bộ khung kỹ thuật đương nhiên phải có. Càng làm nội ngoại thất phức tạp lên thì càng kéo xa không gian khỏi sự tự nhiên vốn cần trong bản thể.
Như vậy, các kiểu thức hoàn thiện dù thô mộc hay tinh xảo, xốp nhám hay bóng bẩy cũng chỉ là “tấm áo” hợp nhãn hợp gu với gia chủ và nhà thiết kế ở một thời điểm và hoàn cảnh cuộc đất nào đó, không phải là xu hướng thịnh hành hoặc giải pháp tiên tiến cần cổ xúy. Hãy chọn cho ngôi nhà của mình nhóm giải pháp đúng và đủ với công năng và khả năng tồn tại, duy trì, thích ứng theo thời gian, để hướng đến sự tự nhiên trong chốn cư ngụ.
- Ảnh Xuân Trang