Cơn địa chấn Covid-19 thật sự làm đảo lộn nếp sinh hoạt cả bốn tỷ cư dân của trái đất, từ những ngóc ngách hẻo lánh cho đến những thị tứ sầm uất. Từ đó, buộc mỗi cá nhân mỗi tập thể ít nhiều phải vận động trong nỗ lực “về thu xếp lại” cách sinh hoạt của mình. Có những điều, những khái niệm mới hôm qua tưởng chừng là lý tưởng nhưng hôm nay đã trở nên đáng nghi ngờ, thậm chí là nguy hiểm mà chúng ta cần tránh xa hay loại bỏ để hướng đến sự an toàn. Lĩnh vực thiết kế kiến trúc và nội thất, nhất là ở khu vực thiết kế không gian sinh hoạt công cộng, cũng đang có nhiều điều phải định nghĩa lại để tìm hướng giải quyết thỏa đáng đáp ứng yêu cầu sinh hoạt trong trạng thái “bình thường mới”.
Kỳ này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về hạng mục thiết kế văn phòng, một khu vực trước đây tưởng chừng không nhiều khái niệm hay ý tưởng cần phải thay đổi qua thời gian, ngoại trừ vài thêm bớt hợp lý theo điều kiện tài chính hay tầm cỡ của công ty, tập đoàn sở hữu.
Với điều kiện ở Việt Nam, văn hóa làm việc từ xa, dù không còn xa lạ về mặt ngôn ngữ nhưng cũng chưa thật gần gũi về tính thực tế. Số lượng nhân viên đến văn phòng làm việc mỗi ngày vẫn chiếm số đông. Vì thế, văn phòng vẫn sẽ là cần thiết. Trước đây, việc gắn kết đồng nghiệp luôn có sự thể hiện nhất định ở khoảng cách vật lý về nghĩa đen. Khi thảm họa Covid-19 xảy đến, mọi người ngày càng ý thức cao hơn về khái niệm “Không gian cá nhân” và tầm quan trọng của “Khoảng cách an toàn” tại các không gian làm việc chung. Từ đó, thiết kế không gian văn phòng cũng thay đổi như một thích ứng tự nhiên.
Không gian mở có còn khả dụng?
Lâu nay, hình ảnh tưởng tượng mà người ta vẽ ra trong đầu khi nhắc đến khái niệm “không gian mở” luôn là thứ kẹo ngọt đầy quyến rũ. Cùng với nó là những tính từ lấp lánh mang tính thời thượng: tăng kết nối, nâng tầm bay bổng, kích thích sáng tạo, phát huy năng suất… Đó là những văn phòng không có vách ngăn, những ô làm việc mang tính kết nối dạng module, những chiếc bàn dài tạo thoải mái cho gặp gỡ, trao đổi về công việc hay một góc trà nước thân thiện nơi mọi người vẫn dùng chung các thiết bị pha chế. Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Đáng buồn thay, khái niệm tươi hồng “mở” dường như phải đối mặt với sự cáo chung.
Có dự báo sự trở lại mạnh mẽ của hình thái văn phòng vách ngăn kiểu cũ với tầm nhìn hạn hẹp ra chung quanh, theo đó khả năng giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Dự báo cũng chỉ ra rằng rất nhiều không gian văn phòng sắp tới đây sẽ bỏ trống nên ngành kinh doanh loại hình “văn phòng chia sẻ thời gian” phải gặp không ít lao đao nếu những chủ nhân không tìm ra mô hình thích hợp. Trong thời buổi mà “sự riêng tư “không chỉ là đòi hỏi về giá trị tinh thần một cách chung chung mà còn là yêu cầu về sự an toàn sức khỏe được cụ thể hóa, liệu chúng ta nên chọn kiểu nào đây: “mở” hay “đóng”?
Điểm gặp gỡ của không gian làm việc và khách sạn
Hình ảnh một góc văn phòng kiểu mẫu trước đại dịch Covid-19 là gì? Bàn làm việc với đầy những chi tiết mang tính riêng tư, ngoài các thiết bị cá nhân còn có hình ảnh của chủ nhân hoặc người thân, ly uống nước, lọ hoa và riêng với các nữ nhân viên còn là bao nhiêu đồ tế nhuyễn khác nữa.
Nhưng có lẽ đến lúc người ta thấy bắt đầu “sợ” đem những vật dụng riêng tư đến nơi làm việc, còn đồng nghiệp thì quá “ngại” khi chẳng may chạm vào một thứ gì đó chẳng phải của mình. Thật lạnh lùng, không gian làm việc rồi đây cho người ta liên tưởng đến hình ảnh căn phòng khách sạn vô cảm, nơi bạn không đem gì nhiều đến và luôn được nhắc nhở đừng quên để lại thứ gì khi rời đi.
Với những nơi cần thiết phải dùng chung, bề mặt hay những vật dụng vừa sử dụng phải được vệ sinh và khử trùng liên tục ngay sau đó – thao tác trong quy trình quen thuộc với những ai từng làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. Một khi xu hướng này phát triển mạnh thì có vẻ như là điều đáng buồn, nhất là với những ai thích đặt để thật nhiều dấu ấn cá nhân nơi không gian làm việc.
Nhưng bù lại, chính đòi hỏi ấy lại đòi hỏi những nhà thiết kế thể hiện tài năng nhiều hơn trước thách thức mới. Một văn phòng có không gian thiết kế phong cách lôi cuốn để kích thích sự sáng tạo trong môi trường làm việc nhưng vẫn mang lại tính riêng tư sống còn cho mỗi nhân viên, bảo đảm sức khỏe cho họ còn được cống hiến lâu dài; đó thực sự không phải là một nhiệm vụ đơn giản.
Khoảng cách – khoảng cách và khoảng cách
Bắt tay và ôm hôn mỗi khi đến công sở dường như không còn là cử chỉ để bạn bày tỏ sự thân tình với đồng nghiệp. Mọi thứ quen rồi sẽ thành lạ lẫm khi mà việc giữ khoảng cách tối thiểu với người bên cạnh như một tiêu chuẩn lịch sự mới. Từ đó, yêu cầu bố trí các góc làm việc, sinh hoạt trong không gian văn phòng chung cũng bắt buộc thay đổi theo hướng giãn cách.
Nếu chỉ vài năm trước đây thôi, những nhà thiết kế theo yêu cầu chủ đầu tư, cố thu nhỏ các cabin làm việc của mỗi nhân viên và nén tất cả chúng lại thật chặt, chỉ cần việc lưu thông đảm bảo hiệu quả; thì nay cũng chính họ lại phải nặn óc nghĩ ra việc nới rộng chúng đến mức cân bằng giữa bảo đảm an toàn của nhân viên và chi phí đầu tư tối thiểu của giới chủ.
Bài toán không chỉ khó nhằn ở khía cạnh kích thước mà còn ở khía cạnh cảm giác. Ví dụ, một tấm chắn bảo vệ không đơn thuần chỉ là miếng kính chặn giọt bắn mà còn được đòi hỏi làm sao không tạo cảm giác quá xa cách, cản trở sự giao tiếp và phải tạo ra tính thân mật, nhất là giữa khách hàng và nhân viên trong các cơ sở dịch vụ.
Khi kích thước không còn là yếu tố đặt nặng thì những yêu cầu khác như những chi tiết bàn ghế tủ và các thiết bị khác cần phải được chú trọng hơn. Cùng theo đó là chi tiết vật liệu, bề mặt vật liệu và kỹ thuật hoàn thiện cũng được nâng lên tầm cao mới. Những tranh cãi vẫn cứ tiếp diễn, số đông vẫn tin vào sự tồn tại của mô hình những văn phòng với không gian thoáng mở.
Tuy vậy, khoảng cách – khoảng cách và khoảng cách phải luôn được tính toán đến một cách thật cẩn trọng. Những chủ nhân luôn muốn tạo đẳng cấp với khách hàng bằng hình ảnh một không gian làm việc thật phong cách và ấn tượng trong mức đầu tư hợp lý. Còn nhân viên và khách hàng, trong thời hiện nay, lại luôn đặt yếu tố an toàn cho bản thân mình lên hàng đầu khi chấp nhận bước vào một môi trường làm việc hay dịch vụ. Ai cũng có lý do chính đáng cho đòi hỏi của mình.
Và vì thế, lĩnh vực thiết kế không gian làm việc, thương mại, dịch vụ và công cộng đang có nhiều thách thức. Chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại chủ đề này trong những kỳ sau.