Khi chủ nhà bắt đầu trao đổi cùng kiến trúc sư, họ hình dung về một ngôi nhà phố với thiết kế nội thất hiện đại. Chưa rõ nó là gì, như thế nào, dành cho ai, nhưng nên là hiện đại. Với kiến trúc sư, anh cũng không muốn nó rập khuôn kiểu nội thất truyền thống hay trào lưu retro đang đình đám.
Nhưng, mọi bản vẽ đều bị thay đổi vì bốn chiếc cột mặt tiền không phá được.
Ngôi nhà phải mang hơi thở của thời đại sinh ra nó và phản ánh phong cách sống của chủ nhân. Nó không nên rập khuôn truyền thống, không đi theo kiểu thẩm mỹ retro, mượn danh vintage đang lan kín các ngóc ngách đô thị Việt Nam, cũng không giả vờ là một không gian Indochine bước ra từ Người tình của Marguerite Duras.
Đây không phải là công trình xây mới, mà chỉ là một căn nhà phố “cơi nới”. Nhưng vấn đề là… chưa biết chủ nhân tương lai sẽ gồm những ai. Họ thích gì, muốn gì ở nơi mình sống. Đôi vợ chồng sở hữu căn nhà đưa ra đề bài rất mơ hồ: “Sửa nhà cho con.
Tiết kiệm chi phí tối đa”. Và mặc dù không biết căn nhà nên mang phong cách gì nhưng chắc chắn không phải là hình ảnh đã quen thuộc với những gì họ từng trải qua từ thơ ấu đến nay. Nên là cái gì đó mang hơi thở của thời hiện đại, họ hình dung vậy. Một cách ước lệ, ngôi nhà sẽ mang dáng dấp của người trung tính, vận hành theo nhịp điệu riêng trên con đường Nguyên Hồng.
Từ bốn phòng ngủ, căn nhà được cải tạo còn hai phòng ngủ nhằm mở rộng không gian tối đa cho các mục đích sinh hoạt. Đầu tư ít nên cầu thang không sửa. Giữ lại hiện trạng một trệt, hai lầu, một sân thượng.
Mỗi tầng đều là một không gian mở tạo cảm giác không gian sống thoáng đãng và thu hút. Tầng 1 là phòng khách thoáng. Tầng 2 là phòng học chung, vừa là không gian công cộng, vừa là không gian riêng tư tạo không khí đầm ấm, gần gũi. Đặc biệt, tạo một giếng trời có sân sau để phòng ngủ có tầm nhìn ra giếng trời. Cửa sổ phòng ngủ làm bông gió để không khí đối lưu.
“Đây không phải là một thiết kế cầu kỳ hoa mỹ, mà là một thiết kế thực dụng. Một căn nhà phố đáp ứng được nhu cầu của chủ nhà” – chàng kiến trúc sư chia sẻ về những bản vẽ nội thất lần lượt bị thay đổi do mặt tiền ngôi nhà quyết định.
Với công trình này, thay đổi không gian bên trong không khó, mặc dù nó được quyết định bởi hình dáng mặt tiền. Cái khó nhất chính là cái quyết định tất cả nội thất bên trong: mặt tiền, do có bốn cây cột chịu lực không thể đập dỡ, di dời. Chính quyết định giữ lại toàn bộ cột mặt tiền đã khiến cho việc sửa nhà trở nên vất vả, nhất là đôi khi mong muốn của chủ nhà với ý tưởng của kiến trúc sư không tìm được tiếng nói chung.
Giải pháp ban đầu là một mặt tiền xanh để giấu đi những chiếc cột. Nhưng chủ nhà sợ thấm và họ sợ mình không biết cách chăm sóc cây kiểng. Vậy là giải pháp tận dụng những chiếc cột để tạo chiều sâu cho ngôi nhà được đưa ra. Bản thân kiến trúc sư không phải là người thích đối xứng nhưng với căn nhà này thì phải làm đối xứng.
Tận dụng hai cái cột tuy chiếm ban công nhưng lại nằm thụt vào trong để tạo chiều sâu cho mặt tiền. Đây là lý do bông gió được sử dụng ở tầng 2. Chúng vừa là điểm nhấn trang trí mang phong cách địa phương, vừa giới hạn ngôi nhà với đường phố bên ngoài. Điều này khiến tầng 2 từ bên ngoài nhìn vào rất sâu, không thấy sự hiện diện của bốn cây cột.
Nội thất phải liền mạch với hình dáng mặt tiền. Kiến trúc sư không muốn ngôi nhà đi theo phong cách retro như hiện nay (vốn là retro triệt để theo phong cách thập niên 1960-1970). Vậy nên, ý tưởng tạo dựng một không gian mang hơi hướm Latin kết hợp retro phảng phất nét Việt Nam được cân nhắc.
Vì không biết người ở trong ngôi nhà này sẽ là ai, bao nhiêu tuổi, thích gì… nên kiến trúc sư đặt sự trang nhã lên hàng đầu, từ kiến trúc đến nội thất lẫn bố trí không gian. Điều đó cũng là để giúp chủ nhà có thể tự do mua sắm đồ nội thất theo ý thích, không bị một phong cách nào đó bó buộc, không sợ đồ khác phong cách hay “chỏi” nhau.
Thoạt tiên, chủ nhà hơi “hoang mang” khi vẫn thấy những chi tiết truyền thống mà họ sống ngày xưa như bông gió, đá mài, v.v… Bởi họ hình dung về một ngôi nhà hiện đại với những nguyên liệu hợp thời hơn dù đưa ra bài toán tiết kiệm chi phí tối đa. Nhưng khi đi mua sắm đồ nội thất, chủ nhà mới dần cảm nhận được vẻ đẹp nội thất pha trộn giữa retro và đương đại.
“Đây là một ngôi nhà chú trọng phong cách hài hòa và không nhấn nhá đặc biệt để ai cũng ở được” – chàng kiến trúc sư kết thúc buổi nói chuyện trong ánh nắng chiều rọi nghiêng vào tầng 2 ngôi nhà, nơi có bốn chiếc cột đang ẩn mình giữa những bông gió.
Thiết kế: KTS Nguyễn Bùi Thế Anh
Công ty Kiến trúc Bình An
Hình ảnh: Nam Bùi