Anh Dũng chia sẻ rằng đây là một công trình mang lại cho mình nhiều cảm xúc đặc biệt. Ngôi nhà tọa lạc tại thành phố Vĩnh Long, chủ nhân là một cặp vợ chồng đã về hưu, mong muốn sửa lại nơi ở thành một chốn khang trang hơn để tận hưởng tuổi già và sum vầy với con cháu mỗi dịp lễ tết.
Nguyễn Đặng Anh Dũng (9-12-1987)
– Kiến trúc sư trưởng AD+studio.
– Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM khóa 2005-2010.
– Năm 2010: Bắt đầu công việc thiết kế từ vị trí KTS học việc tại văn phòng Designhub.
– Năm 2013: Rời Designhub, làm việc qua một số công ty khác và trải nghiệm thực hành kiến trúc trong vai trò KTS tự do. Cộng tác với văn phòng SDa và thực hiện một số dự án cá nhân.
– Đầu năm 2015: Công bố một số sản phẩm thiết kế trong năm năm tích lũy. Thành lập xưởng thiết kế AD+.
Quan điểm về thiết kế kiến trúc
– AD+studio là một văn phòng kiến trúc Việt Nam thể hiện sự tự hào về văn hóa, bản sắc của đất nước mình thông qua các sản phẩm thiết kế.
– Không quá chú trọng đến việc định hình phong cách hay tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng. Thiết kế là lăng kính phản chiếu bối cảnh xây dựng phong phú, văn hóa địa phương đa dạng và khác biệt trong “nếp sống” của người sử dụng công trình. Đây cũng là yếu tố xác định đặc điểm kiến trúc AD+studio.
– Muốn vẽ nên cuộc sống qua các công trình của mình: Luôn vận động và đầy màu sắc.
Định hướng phát triển
Thị trường hoạt động chính của AD+studio tập trung ở TP.HCM, nhưng vẫn duy trì công việc vẽ ghi và tìm hiểu kiến trúc ở các vùng miền, và thực hiện một số dự án tại miền Trung và Bắc bộ.
Công trình tiêu biểu ở thời điểm hiện nay
Nhà nửa mái
Vốn xây dựng trên nền đất ruộng, thuộc một trong những dãy phố công chức đầu tiên dành cho cán bộ địa phương, cặp nhà song lập này đã qua vài lần sửa chữa nhưng hiện trạng vẫn giữ được hình thức kiến trúc ban đầu, dù chưa tươm tất song cũng thể hiện phần nào tính chất nhà ở Nam bộ.
Lối sống “mở cửa phơi lòng” của người dân địa phương chính là một nét văn hóa tốt đẹp mà bản thân Anh Dũng được nhắc nhở trong quá trình thực hiện dự án này sau 10 năm sống “khép kín” tại TP.HCM. Đây là một yếu tố phi kiến trúc nhưng lại tác động sâu sắc đến quá trình hình thành và phát triển phương án thiết kế nội thất.
Phương án thiết kế nội thất giữ lại nửa mái trước, sê-nô, hàng hiên của khối nhà cũ. Chính điều này làm nên sự hòa hợp giữa hai công trình và thể hiện tinh thần một căn nhà miền Tây. Ngôn ngữ “NỬA MÁI” được áp dụng cho khối nhà xây mới phía sau hình thành một tổng thể thống nhất. Hình thức công trình đương đại nhưng không quá xa cách vì cơ sở tạo hình bắt nguồn từ nền tảng căn nhà hiện hữu.
Vật liệu tháo dỡ từ ngôi nhà cũ, các chậu cây kiểng và vật dụng vốn có được chọn lọc, hoàn thiện tái sử dụng, kết hợp với phần xây dựng mới. Hệ khung kết cấu được gia cố bởi dàn kèo thép có khoảng vượt 5m giải phóng hoàn toàn hàng cột hiên dưới sê-nô.
Không gian chung thoáng mở, xóa nhòa giới hạn trong ngoài. Cây xanh bố trí thành từng nhóm bao bọc khu vực tiếp khách phía trước. Cách tổ chức căn nhà giữ nguyên nếp sinh hoạt dưới hiên, quanh vườn của gia chủ nhưng trong một công trình phóng khoáng và hiện đại hơn.
Đúc kết về quá trình xây dựng công trình này, Anh Dũng cho rằng mình đã học lại được nhiều điều. Đó là cách người dân địa phương dành tình cảm cho nhau và cho môi trường sống; cách họ quan tâm nhau; cách họ mở ngôi nhà đón khách, hay như cách họ mở lòng mình: công trình mở và lòng người cũng mở.
Công trình: Nhà nửa mái
Thiết kế: Văn phòng AD+studio
Kiến trúc sư: Nguyễn Đặng Anh Dũng, Lê Thị Hồ Vi
Nhóm thiết kế: Âu Ý Nhiên, Bùi Thanh Sang, Nguyễn Hữu Thể Trang,
Nguyễn Văn Trung, Võ Đình Huỳnh, Vũ Anh Tuấn
Sản xuất: SEAMASTER, TRIDUC
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Thiết kế những không gian cảm xúc