Có ông bố trẻ tuổi rất giỏi tiếng Anh, vi tính, sành chơi nhạc và có thể đàm đạo nhiều chuyện trên thế giới.
Anh cũng rất giỏi chuyên môn nghề nghiệp nhưng khi cái quạt ở nhà bụi bặm cần lau chùi thì anh không biết làm thế nào, phải hỏi xem có tiệm nào chịu lau cho hay không.
Thế có gì lạ đâu? Thiên hạ đi xe máy rầm rầm nhưng khi rửa xe, hư xe cũng phải đưa ra tiệm. Bây giờ các cô thiếu nữ không biết nấu ăn, không biết cả gọt trái bưởi hay trái khóm cũng là chuyện bình thường.
Thế nên xã hội mới có nhiều ngành kinh doanh, dạy học đủ thứ. Các câu lạc bộ phụ nữ dạy kỹ năng, nhà văn hóa thanh niên dạy từ cách nói trước đám đông cho tới các giá trị sống.
Kỹ năng sống bây giờ phải học rất tỉ mỉ. Ông bố trẻ đi làm, đi học chuyên môn, đi cà phê cà pháo với bạn bè, được ngày Chủ nhật tưởng được ngủ trễ, lại phải để chuông báo thức dậy đưa đứa con trai đi sinh hoạt hướng đạo ở công viên.
Đấy là chưa kể trong tuần đã phải đưa nó đi bơi, đi học thêm tiếng Anh và Chủ nhật còn có thầy đến nhà dạy nhạc.
Thế mà hỏi thằng bé: “Đi học có vui không, có thích đi học không?”, thì nó lắc đầu. Đi học võ thuật thì nó đã bỏ rồi. Đi sinh hoạt hướng đạo nó nói thì cũng là đi học chứ vui gì, “con đã bị phạt hai lần rồi đó”.
Học nhạc cũng khổ, thỉnh thoảng nó lại chán, bỏ vào phòng ngủ, ông thầy dỗ dành ra học tiếp. Xem ra nó chỉ còn thích mỗi một thứ: đi bơi và… game.
Ông bố trẻ cũng than thở với bạn bè trong bữa cơm thân mật: “Kinh hoàng với hai đứa con. Chúng nghịch phá dễ sợ. Không biết nhà quê người ta nuôi một đàn con sao không điên đầu, tài thật!”.
Một người bạn nói: “Ở nhà quê, cái lũ con ấy nó nghịch phá nơi vườn cây, chạy rông ra bờ đê, ruộng rẫy, leo trèo. Thiên nhiên đã hứng trọn những giây phút quậy phá ấy.
Thiếu gì câu chuyện trẻ nhà quê đi ăn trộm trái cây, ra đồng nướng cá bắt được dưới đìa, đá banh ở ngoài bãi bằng trái bưởi hay bọc lá cột dây chuối.
Rồi bơi lội dưới ao làng, leo trèo bám rễ cây đa làm đu. Khối đứa còn bắt cả lươn, bắt cả rắn rết. Thôi thì quỷ khốc thần sầu đấy chứ có phải hiền lành gì đâu. Đứa trẻ sống ở thành phố ngày xưa cũng không chịu ở yên trong bốn bức tường.
Chúng đánh khăng, quay gụ, đánh đáo trên vỉa hè, thuộc từng cái cổng nhà ai có dàn hoa leo, nhà nào có con chó dữ, nhà ông bà nào hay cầm que ra rượt đuổi chúng chạy khi chúng làm ồn.
Cái đó làm thành kỷ niệm phố xưa, có cây bàng mọc bên vỉa hè, mùa sâu róm, mùa bàng chín đập nhân ra ăn. Rồi thằng Tý, thằng Tèo lớn lên, thành những kỹ sư, bác sĩ, nhiều “tình bạn hè phố” đã theo họ đến suốt đời người.
- Xem thêm: Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm
Nhà thơ Hoàng Cầm trong một trả lời phỏng vấn đã nói rằng tuổi trẻ chưa trải nhiều, nên họ rất ít kỷ niệm. Nói cách khác, kỷ niệm của họ… giống nhau.
Cùng được nuôi ăn học, lớn lên trong các ngôi nhà phố, bây giờ lại còn không ai biết ai. Tết cũng chẳng ai tự nhiên sang mấy căn hộ bên cạnh làm gì. Quanh năm chẳng chào chẳng hỏi.
Có khi còn ghét nhau vì sửa nhà gây tiếng ồn, đổ nước vứt rác… Đâu ai mong có nhiều hàng xóm làm gì. Vì thế, đừng có trách bây giờ tuổi trẻ mê sống ảo.
Họ chìm đắm trong các trò chơi, các trang mạng xã hội, giao lưu với bốn phương trời đi tìm vận may, cơ hội, quen những người độc đáo hay ho như trên phim ảnh, tiểu thuyết, tin vào các phép màu.
Cuộc sống thật của họ trở nên vô hồn, đầy áp lực, chẳng có gì đáng để họ bận tâm. Thế nên mới có các lời than về đạo đức xã hội đảo lộn.
Các giá trị cũ của cha ông chẳng còn gì hấp dẫn? Không còn ý tứ hồn vía đâu mà để ý đến cha mẹ già nua đau ốm cô độc mong con.
Cũng chẳng quan tâm đến nỗi đau buồn của người sống bên cạnh. Tình bạn nhiều khi đơn giản chỉ là cùng một hội nhậu chứ chẳng có gì gắn bó sâu xa.
Có người cực đoan nói: “Bây giờ tôi ghét và hạn chế đi đám cưới lẫn đám ma. Giả dối và hình thức quá!”.
Đôi khi có những phim nước ngoài nói về đời sống cực khổ của nông dân, trẻ em cũng đeo cái túi vải đi hái bông trên cánh đồng mênh mông tít tắp.
- Xem thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ
Vậy mà nhiều người xem phim lại thèm cái cảnh đồng quê ấy. Thà sống lao động dưới nắng gió vậy mà hơn. Nhất là khi mở mắt ra đã thấy cảnh phố phường bế tắc.
Rồi những đứa trẻ phố phường lớn lên, không quê quán, không nhiều kỷ niệm, nhiều kỹ năng đời thường không biết, ít gắn bó và nhiều bức xúc, thế hệ ấy sẽ ra sao…