Từng say mê bài hát Ai về sông Tương của nhạc sĩ Văn Giảng và tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng, nhưng tôi không nghĩ bối cảnh của hai tác phẩm này lại gần nhau đến thế, dễ dàng khám phá đến thế, lại còn gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ khác nữa.
Theo con đường Hà Nội – Bắc Ninh, đến km 20, nhìn về phía bên trái thấy có dải núi đất mọc lên giữa đồng lúa rộng mênh mông. Ở lưng chừng núi, giữa rừng cây sum suê, thấp thoáng mái chùa cổ kính – đó là chùa Tiêu Sơn, tên chữ là Thiên Tâm tự, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa này đã từng được nhà văn Khái Hưng dùng làm bối cảnh để viết truyện Tiêu Sơn tráng sĩ nổi tiếng.
Xưa kia, các ngôi làng ở Tương Giang nằm dưới chân núi Tiêu, có rừng Niềm và dòng sông Tiêu Tương (gắn với huyền tích Trương Chi) chảy qua. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức (cuối thế kỷ 19) cho biết: “Sông Tiêu Tương ở địa giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn ở xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc qua xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức. Nay sông này có đoạn đắp thành đường quan, có đoạn bồi thành ruộng, gián hoặc có vài đoạn còn sâu”.
Ngày nay, dấu tích của dòng Tiêu Tương xưa vẫn còn một số đoạn thành ao, hồ ở các thôn Tiêu Thượng, Tiêu Long. Các thôn này đều còn những mái đình cổ rất đẹp và giá trị, nhất là đình Tiêu Long. Cạnh dòng Tiêu Tương có núi Tiêu cao 35,8m so với mặt đất, rộng khoảng 30.000m2 nằm ở phía tây bắc của xã, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình vừa thơ mộng vừa kỳ bí. Chùa Tiêu trên núi Tiêu đã hơn 1.000 năm tuổi được coi là cội nguồn của vương triều nhà Lý.
- Xem thêm: Vẻ đẹp Kinh Bắc xưa ở Cổ Mễ
Nói tới chùa Tiêu Sơn là nói đến thiền sư Vạn Hạnh, vị thiền sư đã có công nuôi dưỡng và dạy dỗ cậu bé “con hoang” Lý Công Uẩn, sau này trở thành vua Lý Thái Tổ. Tiêu Sơn tự thường được gọi là chùa “Ba Không”: Không đặt hòm công đức quyên tiền của khách thập phương; không cho phép đốt vàng mã, giấy tiền; không cúng đồ chay hay đồ mặn.
Theo lời kể của sư bà Thích Nữ Đàm Chính, cách đây gần 50 năm khi bà mới về đây trụ trì, chùa còn rất hoang vu, có phần đổ nát bởi chiến tranh, chỉ có các tòa tháp vẫn nguyên vẹn với những bậc đá dẫn lên tháp khá cao.
Đặc biệt hơn nữa, chùa Tiêu Sơn hiện đang bảo quản và thờ phụng nhục thân – tức pho tượng bằng xương bằng thịt thiền sư Như Trí với dáng ngồi kiết già. Theo sách sử cho biết, cách đây gần 300 năm, khi thiền sư Như Trí viên tịch, nhục thân của ngài được ướp và xử lý theo dáng ngồi thiền, rồi được các đệ tử đặt vào một trong số 14 ngôi tháp rải rác trong “rừng Từ Sơn” thuộc khuôn viên rộng mênh mông của nhà chùa.
- Xem thêm: Về Gia Lâm thăm đền Gióng
Năm 1946, trong chiến tranh chống Pháp, dân chúng sợ bức tượng nhục thân thiền sư bị xâm hại nên xây bít tháp lại. Nay, sau gần 70 năm trôi qua, các bô lão còn sống chợt nhớ, bèn bàn tính với dân chúng rồi mở cửa tháp, rước nhục thân vị thiền sư ra.
Như vậy, đã gần 300 năm từ ngày thiền sư viên tịch cộng với non 70 năm từ ngày tháp được xây bít, nhưng nhục thân của vị thiền sư chỉ bị hư hại rất ít. Tượng nhục thân thiền sư Như Trí đã được dân làng mời GS-TS Nguyễn Lân Cường và ê-kíp khảo cổ của ông đưa về Hà Nội phục chế, hiện được đặt trong lồng kính tại nhà thờ tổ của chùa Tiêu.