Trong cuộc sống, có người nhanh, người chậm. Người nhanh, tất nhiên sẽ có những phản ứng nhanh và ngược lại. Nhiều cha mẹ băn khoăn, không hiểu sao con mình chậm quá trong khi đó cả cha lẫn mẹ đều nhanh nhẹn. Ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ than thở rằng con cái nhanh quá thành “nhanh nhảu đoảng”. Dù vậy, rõ ràng, số đông vẫn thích người nhanh hơn người chậm. Trong cơ quan, các sếp vẫn thích nhân viên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn người trầm tĩnh, chậm chạp. Tất nhiên với vai trò dùng người, sếp sẽ biết phân công người nào việc ấy sao cho công việc trôi chảy. Người nhanh sẽ có việc nhanh, người chậm phù hợp với việc cần tĩnh tại, nhẹ nhàng, ít va chạm… Thuật dùng người không chỉ giao việc phù hợp mà còn tận dụng ưu điểm của người chậm hoặc nhanh. Thật ra, nói thì dễ, nhưng để sử dụng tốt, phát huy hết khả năng một người chậm không dễ.
Một thanh niên tâm sự, cậu vốn là một người chậm chạp và chậm hiểu nữa. Hồi nhỏ, cậu luôn nghĩ rằng mình rất thông minh, nhưng lớn dần lên cậu mới thấy mình yếu nhiều mặt. Mặc cảm tự ti khiến làm việc gì cậu cũng nghĩ đến mặt tiêu cực của nó trước. Điều này thật ra là cả một quá trình, rằng nếu cậu tự tin việc gì đó thì luôn sẽ có chuyện ngoài ý muốn xảy ra, dần dà mới khiến cậu thành rụt rè. Bạn bè ít dần mà cậu không hiểu lý do tại sao. Rồi cậu đi học nước ngoài. Với bản tính chậm, nhút nhát nên cậu không có bạn. Đi học về là nhốt mình trong phòng chơi game. Tuy không phải nghiện game nhưng cậu không biết làm gì thời gian rảnh. Cậu muốn có bạn gái nhưng không thể vì tính khép kín, nhát gái. Một lần, cậu quyết định xin vào làm việc ở một nhà hàng, không chỉ kiếm tiền mà thử sức hòa nhập với cộng đồng. Cho dù cậu làm việc rất siêng năng, chăm chỉ nhưng hơi chậm chạp khiến người chủ không nhận cậu nữa. Việc này khiến cậu hoang mang và mất tin tưởng vào khả năng của mình sau này ra đời. Cậu tìm đến thuốc lá như một cách xả stress. Cậu hút ngày càng nhiều và luôn suy nghĩ mình không còn mục đích sống, cảm giác cuộc sống này thật vô nghĩa.
Nhìn rộng ra, có thể thấy, trong cuộc sống có nhiều người rơi vào hoàn cảnh như vậy. Thậm chí, nhiều người thành đạt cho biết đã từng có những quãng thời gian như thế, nhút nhát, chậm chạp, tự ti… Tất nhiên, họ đã vượt qua.
Hai người bạn thân (tạm gọi là A và B) gặp nhau ôn chuyện ngày xưa. Mỗi lần A đến nhà B rủ đi chơi, trước khi đi B phải xách nước đổ đầy vào thùng, hoàn tất vài việc nhà nữa mới được đi. Đáng lý, nếu A nhanh nhẹn thì sẽ phụ với B một tay cho mau xong việc, thế nhưng A không làm vậy mà chỉ đứng nói chuyện, nhìn B làm việc. B cho rằng hồi nhỏ A là người không nhanh nhẹn, linh hoạt.
Tuy nhiên, có người phân tích, thái độ thụ động của A không phải chậm chạp mà là thiếu tế nhị. Tính cách này không phải tự nhiên mà thành, cần phải có sự hiểu biết, quan sát và có tính chu đáo, biết lo lắng… Đó là những điều mà người chậm hoàn toàn có thể có được. Người này ví dụ, con gái chị là đứa nhanh nhảu nhưng chưa biết tế nhị khi cháu không quan tâm đến việc nhà. Một chuyện nhỏ, khi chị lấy quần áo từ dây phơi vào, bỏ đống trên giường, trong lúc chị ngồi xếp quần áo, con gái ngồi ngay đó và thụ động chờ mẹ xếp xong để… có chỗ ngả lưng. Chị cho rằng, nếu con gái tế nhị, sẽ biết vừa phụ xếp với mẹ vừa trò chuyện, sẽ vui biết bao.
Cũng có người phản biện, biết đâu khi ấy cô con gái đang mải suy nghĩ vấn đề gì và cô không chú ý việc phụ mẹ mình. Có khi cô cho là chuyện nhỏ, mẹ cô hoàn toàn có thể làm được một mình.
Chỉ một vấn đề nhỏ, nhưng suy nghĩ để thấy, trên đời này không ai hoàn thiện cả. Ngẫm câu của người xưa, khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Biết ở đây là cái mà con người quan sát hằng ngày và thay đổi bản thân (từ suy nghĩ đến việc làm) cho phù hợp. Lại có người nói, sống sao cũng được, miễn là mình thấy hạnh phúc và không ảnh hưởng đến người khác.
Phải chăng, “sống sao” chính là biết tế nhị, được hình thành không phải từ tính cách mà là do rèn luyện?