Mỗi khi trải qua một ngày khó khăn hoặc tâm trạng không tốt, Odette Umali cố gắng để tâm xem mình sẽ hành xử ra sao khi gặp hai con vào cuối ngày.
Là nhà sáng lập Gordon Parenting – một chương trình giáo dục dành cho phụ huynh ở Hong Kong – Umali có con trai 15 tuổi và con gái 20 tuổi.
Bà tin rằng khi cha mẹ bị căng thẳng hoặc đang gặp khó khăn về mặt cảm xúc như lo lắng, tức giận hoặc trầm cảm, họ phải hết sức cẩn trọng với những gì mình nói cũng như cách hành xử trong gia đình để không ảnh hưởng đến con cái.
“Trẻ em tiếp nhận tâm trạng của cha mẹ dễ dàng hơn là bạn nghĩ. Khi trẻ thấy cha mẹ căng thẳng, tức giận, buồn bã hoặc cáu kỉnh, chúng cũng trải nghiệm tâm trạng tiêu cực đó. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên, có thể tác động không tốt đến phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ. Đồng thời, trẻ không thể gắn bó với cha mẹ, không còn muốn dành thời gian với họ nữa. Có thể trẻ sẽ không còn muốn chia sẻ những vấn đề của chúng hoặc cảm thấy khó biểu đạt thành lời khi ở nhà”, Umali nói.
- Xem thêm: Cãi nhau trước mặt con: Cần đúng cách
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Florence Huang cũng đồng ý với Umali: “Tùy thuộc vào lứa tuổi và mức độ phát triển, trẻ sẽ có trải nghiệm khác nhau. Trẻ mới biết đi và trẻ ở tuổi nhi đồng có thể phản ứng bằng cách thể hiện sự tức giận hoặc đau khổ, trong khi trẻ lớn hơn – ở tuổi học sinh, có thể trở nên lạnh nhạt về mặt cảm xúc hoặc ít có khả năng phản ứng khi phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Nếu phải trải nghiệm sự giận dữ và gây hấn kéo dài trong gia đình, lòng tự trọng của trẻ có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tự trách cứ, cảm giác xấu hổ và bất lực”.
Theo nhà tâm thần học người Singapore Lim Boon Leng, trẻ ở tuổi thơ ấu mẫn cảm hơn với tâm trạng của cha mẹ: “Trẻ em dưới 3 tuổi vẫn đang học cách điều tiết cảm xúc, vì vậy nếu cha mẹ thể hiện sự bất ổn về cảm xúc, chúng có thể phản ứng theo cách tương tự – khóc thường xuyên hơn, giận dữ hoặc thể hiện sự sợ hãi hay lo lắng quá mức. Thậm chí chúng có thể bị ám ảnh hoặc bất thường về ăn hoặc ngủ”.
Trong những tình huống cực đoan, khi cha hay mẹ hoặc cả hai người đều có tâm trạng bất ổn thì trẻ có thể bị tổn thương tâm lý và không ổn định cảm xúc.
Nguy cơ mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và bất thường trong tính cách ở đứa trẻ này sẽ cao hơn.
Và theo các học giả từ Đại học bang Michigan – Mỹ, sức khỏe tinh thần của người cha có ảnh hưởng mạnh hơn đối với trẻ so với người mẹ.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành với 730 gia đình trên khắp nước Mỹ cho thấy “stress” ở người cha đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức của trẻ ở độ tuổi từ 2-3 dù ảnh hưởng của người mẹ cũng được tính đến.
Các triệu chứng trầm cảm ở người cha trong thời gian trẻ mới biết đi có ảnh hưởng lớn hơn đến kỹ năng xã hội của trẻ về sau này so với các triệu chứng tương tự ở người mẹ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lim Boon Leng: “Tin tốt là hầu hết trẻ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tâm trạng của cha mẹ và trên thực tế, chúng sẽ học được cách đối phó. Tất nhiên, việc cha mẹ đôi khi có tâm trạng xấu và tức giận với con là điều bình thường, nhưng điều đó không nên là thường xuyên và bạo lực. Phụ huynh phạm sai lầm, vì thế họ nên học hỏi từ đó và cố gắng làm tốt hơn lần sau. Các bà mẹ và người cha dễ bị căng thẳng cũng nên học cách quản lý cảm xúc của mình bằng cách sống một lối sống cân bằng, bao gồm nghỉ ngơi và tập thể dục đầy đủ”. Sự tự nhận thức cũng rất cần thiết. “Nhiều bậc cha mẹ đã không ý thức về tác động của lời nói và hành động của họ đối với sự phát triển xã hội, với nhận thức và cảm xúc của trẻ”, nhà tâm lý học Florence Huang nói.