Nghèo xem phòng khách, giàu xem nhà bếp – trong dân gian có câu ấy, chắc ý muốn nói rằng phòng khách là nơi phải cố gắng “trưng ra”, “cố gắng để… hoành tráng nhất” nên hễ nghèo là lộ ra liền (chả có gì mà khoe), còn nhà giàu họ… ăn sang và ngay xó bếp thôi cũng… thơm lừng?
Nhưng bây giờ, giàu nghèo gì không biết, cái bếp là phần không thể thiếu của một ngôi nhà, tùy chủ nhà đầu tư ra sao. Ngày xưa chỉ chú ý phòng khách, còn bếp và “công trình phụ” phải kín đáo. Nay thì bếp không gian mở, có khi như… bar rượu, sang trọng, bước vô là thấy ngay.
Vậy bếp đâu còn là… xó?
Các công ty thiết kế nội thất sẽ cho bạn chọn những thứ hoành tráng “bếp gỗ Vintage, bếp hiện đại pha lẫn ánh đèn hay là tông trắng sang trọng”… Hoặc là người nghèo sẽ có “đơn giản kiểu công nghiệp, bếp cải tạo lại nhà cũ chi phí thấp”. Thậm chí rất thần kỳ kiểu “cao cấp mà nhẹ túi tiền”.
Vậy không còn gọi “xó bếp” mà đơn giản chỉ là bếp thôi. Đấy là chưa kể ở New York có người còn chi cả triệu đô để vào “bếp” được ăn với tỉ phú Waren Buffett. Và có hẳn một phong cách Omakase mang tính “triết học” ở Nhật: khách hàng không là thượng đế mà chính là… người đầu bếp. Ông ấy giỏi và am hiểu món ăn đến nỗi bạn vào đó không cần giải thích, cứ yên lặng chờ món bất ngờ. Bạn chỉ trải nghiệm sự tài ba chứ không cần yêu sách, thậm chí không được gọi món hay xin thêm. Tin tưởng tuyệt đối và trao gửi đến thế là cùng. Và “quyền lực xó bếp” to đến nhường nào.
Ở ta, cách gọi “xó bếp” có khi là nói một “phạm trù phụ nữ” đầy những chuyện lớn chuyện nhỏ, có khi gần gũi, kín đáo khó bộc lộ, có cả khen chê. Có cái khó là chuyện ở bếp bây giờ có nhiều… ông “ngồi” trong đó, giúp vợ vì thương hay vì trách nhiệm, văn minh như Tây, đều có cả.
Xó bếp – biến ảo, khi tức giận hoặc kêu than bảo phụ nữ là “con rùa xó bếp”, khi tuyệt vời thì khen “bà hoàng ẩm thực”. Tùy vào thực tế đời sống và cách nhìn của mỗi người, mỗi chuyện xảy ra mang ý nghĩa nào. Cho dù bếp đã hoành tráng, hay vẫn còn là nhỏ nhoi đơn sơ – chính ý nghĩa bao trùm ấy mời gọi không chỉ phụ nữ mà tất cả chúng ta đều có thể “du hành” vào đó, tìm ra đủ vị ngọt mặn, chua cay, chát đắng, hay đơn giản chỉ là chuyện vui cười đáng yêu to nhỏ nhất trong gia đình.
Nơi này chiếm vị trí làm cho cuộc đời chúng ta thêm phong phú, nơi ta như đang “nấu món ngon” cho cả nhà mong đợi. Mà nó cũng là nơi đòi hỏi ta phải chăm sóc kỹ lưỡng. Nấu xong mà không lau chùi thì thế nào cũng có mỡ bám trên vung, trên kệ hay tường ngày mới dọn vào ở còn sáng trưng. Nhiều khi nấu ăn không ngại không khổ bằng dọn bếp sau khi nấu.
Thiếu gì cô con gái hằng ngày lười nấu ăn, chỉ “nổi hứng” khi làm bánh hoặc mới học được món lạ muốn trổ tài. Nhưng sau đó cô để lại “bãi chiến trường” cho mẹ cọ rửa cả buổi. Thế đâu phải biết nấu ăn, biết nội trợ.
“Xó bếp” là nơi chứng kiến âm thầm những nỗi buồn thầm kín, thiếu gì người vào bếp với tâm trạng đang lo lắng hay bực bội tức tối. Thế nên thử đến các trung tâm hành thiền mà xem. Người nấu ăn tập trung ý nghĩ, nấu bằng tình yêu thương, món ăn sẽ ngon hơn. Người ta tin khi có sự tập trung thì các năng lượng tốt sẽ truyền đến cho mọi người.
Quan trọng thế, nên bây giờ không ai gọi là xó bếp nữa. Bước vào nhà bây giờ có khi là nhà bếp sang trọng, có bar rượu nhỏ dưới ánh đèn chùm ấm áp. Ở đó bây giờ có một “quyền lực” lớn của người đầu bếp cả nam lẫn nữ.