Trong cuộc sống hàng ngày, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp một người thích… lo lắng. Họ luôn cảm thấy bất an và lo lắng vu vơ về một điều gì đó.
Làm như họ không thể kiểm soát được bản thân và bị ám ảnh bởi một vấn đề không rõ ràng. Lo mất trộm, lo nhà cháy, lo đang tiềm ẩn một căn bệnh. Một nghiên cứu mới cho thấy sự lo lắng này không đến từ thực tế mà từ trong não. Cách não xử lý thông tin khiến một số người bị rơi vào tình trạng này.
Sinh ra để… lo!
Một bà mẹ có con học đại học thường tự hỏi mình: tại sao tôi đã giải quyết xong mọi việc và không phát hiện ra lỗi lầm gì nhưng vẫn không yên tâm, đầu óc cứ nghĩ miên man dù không biết đó là gì? Tôi luôn không hài lòng với bản thân và cảm giác “bất toàn” không bao giờ mất. Hậu quả là trầm cảm và kiệt sức vì luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng”.
Tiến sĩ David Levari trưởng một nhóm nghiên cứu về vấn đề này tại Mỹ giải thích: “Lỗi là do cách xử lý thông tin của não ở một số người không giống đa phần chúng ta nên họ nhận tín hiệu sai từ não”. Lấy dẫn chứng một đội bảo vệ khu phố gồm những người tình nguyện với mục tiêu là giúp kéo giảm các tệ nạn xã hội và tội ác tại khu dân cư.
Khi thấy những dấu hiệu của tội phạm như ăn trộm, hút chích ma tuý hay đánh nhau, họ sẽ cảnh báo với khu dân cư và gọi cảnh sát. Nếu đội ngũ cảnh giới này làm việc hiệu quả, tội ác sẽ giảm và đội tình nguyện sẽ bớt công việc hơn. Tuy nhiên, sự thật không hẳn đã thế. Dù số vụ đánh nhau và ăn trộm trong khu dân cư ngày càng hiếm hơn, đội tình nguyên ít phải gọi điện cho cảnh sát hơn và nạn mất an ninh tưởng như đã trở thành chuyện quá khứ, nghiên cứu cho thấy, một người tình nguyện vẫn bị ám ảnh bởi những dấu hiệu nghi ngờ và luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Họ không giống với các đồng nghiệp khác, bất chấp số liệu thống kê và xác nhận của chính quyền về mức độ an toàn của khu phố. Rõ ràng, mối ám ảnh và cảnh giác của người này không thể hiện thực tế đang diễn ra mà là đến từ trí “tưởng tượng” phong phú của anh ta. Tình trạng tương tự cũng xảy đến với những người thường xuyên lo âu.
Đối với họ, cuộc sống là một mối lo toan dai dẳng không bao giờ kết thúc. Họ lo ngay lúc đang tham dự một cuộc vui hay lúc vừa có một tin vui. Thậm chí lo cả khi… không có gì để lo cả! Những lời khuyên “quảng gánh lo đi” đối với họ gần như vô nghĩa. Họ tuyệt vọng trong lo âu và định nghĩa về sự lo lắng khác với đa số chúng ta. Lo không phải vì mục tiêu không đạt được, công việc không hoàn thành, mà lo để mà… lo! Làm sao giải quyết dứt điểm một công việc nếu bạn cứ bị nó ám ảnh cho dù đã hoàn thành? Ví dụ: một người trước khi ra khỏi nhà đã kiểm soát điện nước, bếp núc cẩn thận, nhưng vẫn lo một điều gì đó sắp xảy ra với ngôi nhà của mình.
Rồi một người suốt ngày ngồi tưởng tượng đang mắc một căn bệnh nan y nào đó sau khi phát hiện ra một triệu chứng rất nhỏ và liên tục đi thăm khám bác sĩ hay lên Google tìm hiểu. Đối với họ, ám ảnh bệnh tật là “mặc định”, còn xét nghiệm và lời khuyên của bác sĩ chỉ để… tham khảo! Những người này luôn mang cảm giác là mình có bệnh.
Căn bệnh không dễ trị
Vậy thì làm sao để ngăn chặn “bệnh” hay lo khi nó có nguồn gốc ở cách não xử lý thông tin. Nghiên cứu của Levari đã cho những người tình nguyện vào phòng thí nghiệm và đề nghị họ hoàn thành một công việc đơn giản. Khi tất cả đã làm xong, chụp ảnh biểu cảm khuân mặt cho thấy đa số đều thư giãn thoải mái trong khi một vài người vẫn phảng phất nét lo âu dù chất lượng công việc họ vừa làm còn tốt hơn người khác.
Giống như trong đầu họ đang có một câu hỏi: “Phải chi cho phép làm lại tôi còn làm tốt hơn nữa!”, và họ tiếc nuối với chữ “phải chi” này. Những người tình nguyện cũng được cho quan sát nhiều loại mặt người do máy tính tạo ra, từ vô hại, thân mật đến dữ tợn, đe doạ. Phản ứng của người hay lo và bình thường cũng khác nhau. Ngay cả khi nhìn thấy một khuôn mặt vô hại, nét mặt người hay lo vẫn ẩn giấu sự bất an. Điều này cho thấy cách não của người hay lo thẩm định về sự an toàn không giống với người bình thường.
Nói rõ hơn là cách xử lý thông tin trong não của họ có sự khác biệt. Họ không hoàn toàn kiểm soát hay nhận thức đúng thực tế mà thích tưởng tượng. Đó cũng là tư duy của những bậc cha mẹ luôn lo lắng cho những đứa con học xa, sợ những điều không hay xảy ra với chúng dù họ biết rằng “có lo cũng không được”. Trong đầu họ luôn lảng vảng những tình huống xấu nhất mà không tin con mình có đủ bản lĩnh và trí khôn để vượt qua khó khăn.
“Lo lắng quá đáng là một phạm trù tâm lý và thường sẽ tự vượt qua được sau một thời gian trải nghiệm thực tế. Nhưng có lúc “căn bệnh” này dai dẳng suốt đời” – Levari nói. Ví dụ một người không bao giờ mất cảm giác trộm sắp viếng nhà dù anh ta đã áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa. Nói vậy để thấy lo lắng còn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tưởng tượng càng phong phú lo lắng càng nhiều và kéo dài.
- Xem thêm: Cuộc sống của tôi đã trở nên tốt đẹp hơn sau khi tôi ngừng lo lắng về 4 điều vặt vãnh ở chỗ làm
Không chấp nhận thực tế, không tin người, không tin chính bản thân sẽ sinh ra lo lắng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ. Người sống chung với lo lắng là người tự tước đi niềm vui sống và để mất nhiều cơ hội. Một số nghiên cứu về tâm lý nhận thức và khoa học thần kinh đều cho thấy tác phong lo lắng thái quá có nguồn gốc từ não và cách não so sánh cái diễn ra trước mặt chúng ta và cái chưa xảy đến. Một chuyện nhỏ đôi khi cũng biến thành nghiêm trọng, dẫn đến lo âu thái quá.
Nghiên cứu của Levari cho thấy người hay lo dùng ít năng lượng hơn vào việc đánh giá thực tế so với người bình thương. Thông tin về một vấn đề được xử lý chưa tới, nên bị “lỗi”. Một việc hoàn thành rồi người hay lo lắng tưởng vẫn chưa xong. Ví dụ như khoá cửa nhà kỹ rồi họ vẫn còn áy náy. Thẩm định thông tin không đầy đủ của não dẫn đến lo lắng không cần thiết.
Từ chẩn đoán y khoa đến đầu tư tài chính, con người đương đại đã được hưởng lợi nhiều từ sự tiến bộ của công nghệ. Nhưng đối với những người hay lo lắng thì dù có ngồi trên đống tiền họ vẫn lo có ngày bị đói! Được làm đầy đủ các xét nghiệm y khoa họ vẫn tin là mình đang mắc một căn bệnh mãn tính nào đó.