Khi những cơn mưa sầm sập đổ xuống, quyện làn hơi tươi mát vào cái nóng ngột ngạt của mùa hè ở đất nước nhiệt đới Mexico, các cư dân lại rủ nhau đi thu hoạch trứng siêu nhỏ trong các ao đầm tự nhiên, đem về phơi khô.
Chúng là trứng của các loài côn trùng thủy sinh thuộc họ Corixidae từng được dân tộc Aztec mê cuồng đến mức ưu tiên dâng tặng nhà vua và thánh thần, thậm chí lấy luôn tên làm vương hiệu cho hoàng đế thứ 6 ở kinh đô Tenochtitlán.
Mexico là một nước cộng hòa liên bang nằm trong khu vực Bắc Mỹ, có diện tích 1.972.550km2 và dân số khoảng 126.578.000 người.
Món ngon truyền thống
Từ thuở còn dưới triều đại Aztec (thế kỷ XIV-XVI), người Mexico đã say mê các loại côn trùng sống dưới nước. Họ gọi chúng bằng cái tên chung Axayácatl, còn trứng của chúng là Ahuauhtli. Trong thế giới khoa học, Axayácatl là tập hợp các loài côn trùng thủy sinh thuộc họ Corixidae.
Họ Corixidae phổ biến khắp nơi, có mặt trong hầu hết ao, đầm, hồ, vũng nước ngọt tự nhiên (một số có thể sống trong nước mặn), thích tập trung tại vùng nước nông, ăn thực vật thủy sinh và rêu, tảo, đẻ trứng trên các thân cây, cỏ mọc trong nước, thân hình dẹt, tùy theo loài (tổng cộng 500 loài) mà cơ thể dài từ 2,5-15mm.
Hầu hết các Axayácatl đều có 6 chân, 2 chi trước ngắn và 4 chi sau dài, có lông, được sử dụng như mái chèo, giúp dễ dàng di chuyển trong môi trường nước. Khi mùa hè nóng ẩm sang kèm theo những trận mưa như trút làm mực nước dâng, chúng đua nhau đẻ trứng. Tất nhiên là trứng của loài côn trùng chỉ to tối đa 1,5cm này rất nhỏ, li ti như những hạt rau dền cơm. Song cư dân Aztec cổ đại lại tin rằng trong chúng ẩn chứa sức mạnh to lớn. Tương truyền, cứ đến mùa mưa, quốc vương Montezuma của họ lại dùng món Ahuautle mỗi sáng bởi đây là khoảng thời gian trứng côn trùng nước dồi dào và tươi ngon nhất.
- Xem thêm: Phương Tây với ẩm thực từ côn trùng
Không chỉ dâng cho vua, cư dân Aztec còn dành món Ahuautle tiến cúng các vị thần. Trong mọi nghi lễ hiến tế tù binh chiến tranh được tổ chức tại thành Tenochtitlán (kinh đô của Đế chế Aztec trong thế kỷ XV) đều không thể thiếu món trứng côn trùng nước. Người ta kính cẩn đặt chúng trên bệ thờ thần lửa Xiuhtecuhtli, khẩn cầu ngài ban cho ánh sáng và thức ăn.
Kết hợp nghi thức hiến tế tàn bạo
Trong văn hóa Aztec, Xiuhtecuhtli là chúa tể của lửa, thần ban ngày và nhiệt độ, được cúng tế thường niên, nhưng cứ mỗi 4 năm một lần lại tổ chức đại lễ ở Thành Tenochtitlán, cả hoàng đế và giới quý tộc cũng cùng tham dự.
Kỳ thực thì người Aztec nổi tiếng với lễ hội Tlacaxipehualiztli vinh danh vị thần tối cao Xipetotec hơn là Hỏa thần Xiuhtecuhtli. Nó được tổ chức vào khoảng tháng 3 hàng năm, giết mổ theo đúng nghĩa đen hàng trăm đến hàng ngàn tù binh chiến tranh. Toàn bộ nạn nhân và 5 thanh niên Aztec được chọn hy sinh cho thần thánh sẽ bị đặt nằm ngửa trên bệ thờ, đâm kiếm thẳng vào ngực, moi tim, chọc khúc cây rỗng ruột vào đúng vị trí quả tim vừa bị móc mất dẫn máu chảy ra ngoài, hứng vào chậu lớn.
Lễ hội hiến tế thần lửa Xiuhtecuhtli tuy không hoành tráng và vang danh thiên hạ bằng Tlacaxipehualiztli, nhưng cũng tàn bạo y hệt. Tộc Aztec còn trân quý các loài côn trùng cho trứng này đến nỗi đem cái tên Axayácatl đặt làm vương hiệu cho Hoàng đế Axayácatl (1449-1481), vị vua thứ 6 ở kinh đô Tenochtitlán.
Văn minh cuồng côn trùng
Đặc biệt, Axayácatl không phải là côn trùng duy nhất được yêu thích bởi người Mexico cổ đại. Theo nhà nghiên cứu kiêm chuyên gia côn trùng Julieta Ramos Elorduy B (Tây Ban Nha), tác giả cuốn sách Bạn dám ăn côn trùng không?, ngay cả văn hóa Maya cổ xưa (dân tộc có mặt ở Mexico trước người Aztec) cũng đã cuồng côn trùng. Họ gọi châu chấu là tinh hoa của thần thánh (Cam las divinas flores de dios). Riêng tộc người Huichol (có mặt ở Mexico từ thế kỷ XVI) còn tôn thờ ong bắp cày, tin rằng chúng là sứ giả đưa rước linh hồn người chết sang thế giới bên kia.
Trong khu định cư Teotihuacan được xây dựng bởi cư dân Mexico tiền sử từ khoảng 20.000 năm về trước, bướm đuôi nhạn (Papilio) được xem là biểu tượng của sắc đẹp và tuổi trẻ. Mặc dù sau khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm lược và chiếm làm thuộc địa, sự say mê với côn trùng ở Mexico có chiều hướng giảm, nhưng vẫn sống sót. Nếu đến Mexico ngày nay, bạn sẽ được phục vụ món châu chấu với đủ hình thức chiên, xào, nướng, tẩm bột ở bất cứ đâu. Trong số 2.111 loài côn trùng có thể ăn được của hành tinh, người Mexico xơi đến 531 loài. Đáng tiếc là riêng với món trứng côn trùng nước độc đáo, họ chỉ có thể cung cấp trong mùa mưa, khi sản lượng trứng giàu có bậc nhất và người dân đã “dư ăn”, sẵn lòng đem bán bớt.
Món Ahuautle quen thuộc nhất là trứng côn trùng nước phơi khô trộn với sữa, trứng gia cầm, vụn bánh mì, hành tây xắt nhỏ và rau mùi, vo thành viên hoặc ép thành bánh chiên vàng trong dầu sôi. Xưa kia, đây chính là món dâng lên thần thánh và nhà vua. Để tăng vị ngon cho món Ahuautle, người ta còn nấu nước sốt ăn kèm riêng bằng tỏi, cà chua và ớt serrano.
Đang dần biến mất
Hàng trăm năm về trước, khi hạn hán kéo dài làm ao hồ cạn nước, gây sụt giảm quần thể côn trùng thủy sinh, các cư dân Aztec đã biết lấy sậy dập thành sợi, đan thành lưới thả xuống nước thu hút côn trùng thủy sinh đến đẻ trứng. Ngày nay, người Mexico vẫn tận dụng kỹ thuật cổ xưa này. Họ đặt các lưới thủ công đan bằng sậy xuống nước và chờ trong khoảng 3 tuần cho đến lúc đám Axayácatl đẻ trứng lên dày đặc thì vớt lên, phơi dưới nắng, đợi tới khi trứng khô tự rời ra hết gom lại cất đi nấu ăn dần.
Quả trứng Axayácatl nhỏ xíu như hạt rau dền, có màu vàng. Chúng chỉ được bày bán ở chợ trong mùa mưa, giá cả rất đắt. Một lọ Ahuautle bé tẹo lúc rẻ nhất cũng đã 400 peso (khoảng 480.000 VNĐ). Thêm vào đó là vì nhiều lý do, quần thể côn trùng nước hiện nay ngày càng sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm của sản lượng trứng. Rất có thể là sớm thôi, món ăn truyền thống này còn biến mất khỏi thực đơn của người Mexico.
Ngoại trừ Ahuautle, ẩm thực cuồng côn trùng Mexico còn phải đối mặt với nguy cơ mất mát nhiều món ăn khác. Biến đổi khí hậu và áp lực dân số đè nặng lên tự nhiên, ép nông nghiệp phải mở rộng diện tích, đem vô số hóa chất độc hại nhiễm vào đất, nước, tận diệt không ít loại côn trùng. Không còn nguồn cung cấp tự nhiên, các cư dân yêu thích côn trùng cũng đành phải từ giã món ngon cha ông truyền lại.
- Xem thêm: Côn trùng trên đĩa thức ăn
Đặt miếng Ahuautle vào miệng, sự bùng nổ của vị cay từ nước sốt có chứa ớt và mùi thơm gây cảm hứng thèm ăn tương tự như món tôm con sấy khô của lỏn nhỏn các hạt trứng côn trùng lập tức hòa quyện với vị ngọt của hành, cái giòn mềm của bột. Trên tất cả, hàm lượng protein của Ahuautle cao tới 63,8%, gấp hẳn 2,4-2,5 so với thịt bò nạc nấu chín (26-27%). Nó có thể khó ăn đối với nhiều người vì là trứng côn trùng, nhưng rõ ràng bổ dưỡng hơn bất cứ món nào. Sẽ là nỗi nuối tiếc lớn nếu loại thực phẩm truyền thống và độc đáo như thế lại biến mất.