Cuối năm 2018, chúng tôi nhận một dự án thiết kế từ một phố núi trên cao nguyên Lâm Viên – Đà Lạt, một vùng đất thuộc miền nhiệt đới nhưng lại khác biệt hoàn toàn với khí hậu dịu mát quanh năm.
Đây là một khách sạn có địa thế trên hai mảnh đất khác nhau với hai mặt tiền đường tiếp cận khác nhau và các chỉ tiêu quy hoạch cũng khác. Chủ đầu tư mong muốn có được một thiết kế độc đáo, cân bằng giữa cái mới và cũ trong bối cảnh.
Công trình vốn nằm ở vị trí có tính bản địa cao, nên các vấn đề pháp lí địa phương cũng trở nên nghiêm ngặt. Ngoài các chỉ tiêu về quy hoạch như chiều cao, khoảng lùi, công trình còn phải được thiết kế với mái dốc để đồng bộ với quy hoạch chung. Chúng tôi buộc phải tách rời 2 công trình với giao thông xen giữa, kết nối lắp ghép với hình thức mái dốc. Vì vậy thách thức đặt ra là làm thế nào để kết nối và vận hành một mô hình trên hai công trình riêng biệt với phức hợp nhiều loại phòng đa dạng? Những thách thức nêu trên cộng với việc nhu cầu của khách hàng thay đổi, dự án đặc biệt này đã khiến A+ Architects gắn bó và theo đuổi nhiều năm. Chúng tôi đã thật sự theo đuổi những gì trong suốt mấy năm qua?
Chủ đích thiết kế của chúng tôi tập trung hướng vào sự hòa hợp với bối cảnh thiên nhiên của Đà Lạt, tìm kiếm một thiết kế vừa giữ được bản sắc vừa hợp thời đại. Từ đó, khách sạn vừa có tính nhận diện cao, vừa đáp ứng đủ yêu cầu pháp lý. Nguồn cảm hứng chính của công trình là hình ảnh tổ hợp của những ngôi nhà xếp chồng lên nhau . Chúng tôi mong muốn khách sạn không chỉ là nơi lưu trú tạm thời cho những vị khách, mà còn là ngôi nhà để họ về. Bằng cách xếp những ngôi nhà một cách ước lệ để tránh sự hoành tráng và đồ sộ mà một khách sạn thông thường hay đem lại, hình khối công trình được tính toán chia nhỏ để trở nên gần gũi hơn.
Hình thức mái của công trình tương ứng với công năng bên trong và tường rào cảnh quan sử dụng những đường kỉ hà tự do ngẫu hứng. Tất cả những sự kết hợp này tạo ra một công trình vừa mang nét cũ kỹ của những ngôi nhà mái ngói Đà Lạt, vừa mang hơi thở hiện đại. Thú vị khi nhìn từ xa, Swan trông như những ngọn núi nhấp nhô ẩn mình trong bối cảnh, đem con người và thiên nhiên lại gần nhau.
Một điểm quan trọng khác, nút giao thông của hai công trình được bố trí gần và cùng phía. Do đó, giải pháp chính là giao thông có kết cấu lắp ghép, tổ chức về phía ít ảnh hưởng đến view nhìn cho các phòng ở khách sạn nhất. Vì dự án được tiếp cận từ hai trục đường khác nhau có độ cao chênh lệch 12m nên cách tổ chức công năng kết nối cũng rất thú vị. Ở trục đường trên, sẽ tập trung phục vụ cho khách vãng lai và ở trục đường dưới, sẽ là các loại hình dịch vụ khách hàng của khách sạn.
Vật liệu vốn là một chất cảm đưa công trình đến gần hơn bao giờ hết. Các vật liệu địa phương như vỏ thông, gỗ thông và đá taluy được sử dụng để công trình mang hơi hướng hòa nhập chung với lối kiến trúc mang hơi hướng thuộc địa vốn có của bối cảnh. Ngoài ra, bê tông và gạch vân đá tự nhiên được chọn làm chất liệu ngoại thất để củng cố tính nhận diện của công trình.
Vậy là, với niềm đam mê rong ruổi trong suốt mấy năm qua, cơ bản chúng tôi mong muốn mình tạo nên một tổ hợp khách sạn nhưng mang trong đó là cảm giác thân quen như những ngôi nhà khi bạn trở về. Khách sạn không chỉ là khách sạn, mà còn là nơi chốn tốt như khi bạn ngồi lại vào bên trong ngôi nhà của chính mình và khi đi xa bạn sẽ nhớ về. Một nơi chốn mang hơi hướng đương đại nhưng vô cùng hài hòa với bối cảnh đồi núi đặc trưng của thành phố cao nguyên Đà Lạt. Swan Hotel là dự án tạo nên nguồn cảm hứng để chúng tôi lan tỏa thông điệp rèn luyện tính kiên nhẫn – đạo đức của người làm nghề. Và hơn nữa, chính vì không từ bỏ, chúng ta tự cho mình cơ hội đón chờ những kết quả tốt đẹp ở phía trước, đó là được nhìn thấy đứa con mình tâm huyết đang dần được thành hình.