Để hoàn thành Mövenpick Resort Cam Ranh, tôi đã mời hàng chục nghệ sĩ khắp nơi trong khu vực từ hội họa cho đến điêu khắc, từ mỹ thuật tạo hình cho đến mỹ thuật ứng dụng tham gia vào dự án này.
Tại sảnh tiếp tân rộng lớn được ốp lát bằng đá cẩm thạch, ngay phía trên các bàn gỗ óc chó tự nhiên là tác phẩm điêu khắc đương đại “Mùa hoa” bằng sắt hàn của Điêu khắc gia (ĐKG) Trần Văn An, cụm tác phẩm bằng nhôm đúc “Chim mùa xuân”, “Chim non tập bay”, “Tiếng hót” của ĐKG Thái Nhật Minh kết hợp với bức tranh Acrylic cao lên đến 6m của Họa sĩ (HS) người Thái Nuvar Phansuwan được trưng bày một cách ấn tượng giúp cho du khách dừng chân trong lúc chờ đợi lấy phòng và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật mà không hề có ngăn cách như trong các bảo tàng cho dù các tác phẩm cũng như tác giả ở đây đều đã và đang có mặt trong những gallery và bảo tàng lớn trong và ngoài nước.
Thực sự mà nói thì đã có một làn sóng mới chưa từng có tiền lệ kể cả về quy mô lẫn tham vọng trong việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại ở khách sạn và các khu nghỉ dưỡng năm sao. Một số ít nhà đầu tư còn quả quyết rằng nếu muốn tiếp thị dự án xa xỉ, cách tốt nhất để tách biệt họ với các dự án tầm trung là cung cấp những trải nghiệm nghệ thuật đương đại mang tính ý niệm và giàu tính tượng trưng.
Bạn hãy tưởng tượng bước vào khách sạn năm sao Radisson Blu Resort Cam Ranh và chiêm ngưỡng thấy ngay ba tác phẩm điêu khắc “Cái mặt”, “Mái tóc” và “Tóc ngắn” bằng nhôm tuyệt đẹp của nghệ sỹ Thái Nhật Minh được đặt chính giữa khu nhà hàng cà phê nơi bạn có thể nhâm nhi một ly cocktail và thưởng thức nghệ thuật trong lúc chờ đợi lấy phòng. Các tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Rô) thì được treo ở hầu hết từ phòng thường cho đến phòng Tổng thống của Radisson Blu Resort Cam Ranh.
Để tạo nên trào lưu mới, rất nhiều tác phẩm hiện nay ở các khu khách sạn nghỉ dưỡng Việt Nam không còn chỉ là tranh treo trên tường, không còn sử dụng các tác phẩm hay nghệ sỹ cũ và lối trang trí mỹ thuật thông thường. Nếu xét về mặt tác động nào đó với thẩm mỹ đại chúng, sự thay đổi mang tính cách mạng này thực sự mang nhiều ý nghĩa tích cực.
Ví dụ như dự án gần đây Mövenpick ở Vân Phong – Khánh Hòa, tôi đã đưa vào dự án rất nhiều tác phẩm mang tính trừu tượng, tối giản, gần gũi hơn với ngôn ngữ kiến trúc đương đại. Cho dù mức đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật đương đại không hề rẻ, nhưng chủ đầu tư có mục đích rất rõ ràng: mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng. Có thể nói, các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng hiện nay như đang “bơi” trong mỹ thuật đương đại với các nghệ sỹ thế hệ mới trẻ trung và năng động.
Việc đưa nghệ thuật đương đại vào các khu nghỉ dưỡng không hẳn chỉ là gây ấn tượng với khách hàng, chính xác hơn nó là sự nhất quán, độc đáo mang tính nguyên bản. Thi thoảng vẫn có nhiều khách sạn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật vì mục đích hết sức tầm thường như chụp ảnh, check-in hay đơn giản chỉ là cho đỡ trống, khi đó khách hàng thường không nhận ra tầm quan trọng hay giá trị hiếm có của các tác phẩm này lắm.
Ngày nay các khách sạn danh tiếng sử dụng mỹ thuật đương đại như là dấu hiệu cho tính độc đáo của họ. Khách sạn The Chi Hà Nội, một trong những boutique hotel được CNN Travel bình chọn là tốt nhất Hà Nội nhiều năm liền, khai trương năm 2016 là sự hợp tác giữa tôi và cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng Pháp – Thái Catherine-Teck, người từng có thời gian làm trong hãng nội thất Hermès Paris trứ danh.
Toàn bộ khối phòng được chúng tôi bố trí các bức tranh vẽ trên “toan lá sen” với kỹ thuật ép đặc biệt để giữ cho độ bền và kết dính cũng như màu sắc hết sức sống động, đẹp mắt. Sự thành công ngay sau đó của dự án mang tính thử nghiệm này là minh chứng cho niềm tin của chúng tôi vào nghệ thuật đương đại là hoàn toàn chính xác. Nhưng bất cứ sự thành công nào cũng có mặt trái của nó: các công ty khác bắt chước trong nước nhái lại sản phẩm tương tự, lâu lâu lại xuất hiện dự án với những tranh na ná về mẫu mã nhưng thiếu chất lượng lẫn tính thẩm mỹ.
Hơn thế nữa, tôi còn muốn đưa điêu khắc đương đại vào các khu cảnh quan ngoài trời, giúp tăng thêm ý nghĩa và nguồn cảm hứng cho khu vực này. Điều mà bản thân một mình cây xanh không thể mang lại đó là trạng thái tích cực và nỗi hoài niệm đẹp đẽ của các tác phẩm nghệ thuật. Tôi có để ý đến nhiều tác giả trong đó nổi bật có hai nghệ sỹ mà tôi rất muốn hợp tác cho các dự án sắp tới là ĐKG Vũ Bình Minh và ĐKG Đàm Đăng Lại.
Nếu các tác phẩm của ĐKG Vũ Bình Minh bộc lộ những hình thái và cảm xúc rất đa dạng, khiến cho công chúng tò mò về sự biến đổi không ngừng của sự vật hiện tượng, cũng như sự xoay vần không gian và thời gian trong vũ trụ. Thì tác phẩm điêu khắc của ĐKG Đàm Đăng Lại chính là sự kích thích thị giác người xem từ màu sắc, là sự kết hợp giữa các hình khối mơ hồ có bề ngoài ngây thơ nhưng lại vô cùng học thuật, điều này giúp cho tác phẩm của anh trở nên linh hoạt, biến đổi không ngừng với không gian xung quanh.
Tóm lại, xu hướng mới về nghệ thuật tạo hình trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam dường như có những thay đổi lớn và phát triển đáng kể những năm gần đây. Đơn giản vì xu hướng này thực sự “chất”, ấn tượng và giàu tính tư duy phù hợp với thế hệ trẻ được tiếp xúc với nghệ thuật đương đại khắp thế giới thông qua du lịch, nghỉ ngơi, khám phá và kể cả thông qua mạng xã hội cũng như các nền tảng sách, báo online khác.