Chuyên gia tâm lý người Canada, Alyson Schafer, chia sẻ: “Có sự khác nhau về cách tiếp cận và mục đích cuối cùng giữa việc dạy con một cách độc đoán và thể hiện quyền hạn của các bậc cha mẹ. Mục đích của cha mẹ độc đoán hoặc độc tài là nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời bằng cách sử dụng các phương pháp kiểm soát bên ngoài, ép buộc con trẻ phải cư xử theo ý muốn của cha mẹ. Trong khi đó, cha mẹ biết thể hiện quyền hạn với con cái thường đặt nhiều niềm tin vào trẻ và dạy dỗ chúng bằng hình thức kỷ luật”.
Khi trẻ tức giận
Theo ý kiến của chuyên gia tâm lý người Mỹ, Fran Walfish: “Khi con trẻ tức giận, các bậc cha mẹ độc đoán phản ứng bằng cách đưa ra những hình phạt hoặc nhanh chóng trấn áp trẻ bằng cách nói lớn tiếng. Tuy nhiên, cha mẹ có quyền hạn hiểu được vấn đề của con cái và thể hiện sự đồng cảm với trẻ bằng lòng trắc ẩn, sau đó giúp chúng nguôi ngoai cơn giận bằng một hoạt động khác. Việc dạy các kỹ năng giữ bình tĩnh và cho trẻ thời gian lấy lại sự bình tĩnh có thể giảm bớt những cơn giận dữ của trẻ”.
Khi trẻ cãi vã nhau
Trường hợp trẻ cãi vã, cha mẹ độc đoán sẽ là những cảnh sát viên thực thụ, cố gắng tìm ra một trong những lỗi lầm của trẻ để trừng phạt. Từ đó, những lỗi lầm của trẻ được họ “khắc ghi” sâu trong tâm trí. Trong khi đó, cha mẹ có quyền hạn với con cái sẽ dạy trẻ các kỹ năng xã hội về sự chia sẻ, cách thức giải quyết những xung đột. Họ tin rằng với những kỹ năng đó, trẻ sẽ xử lý tốt các mối quan hệ của chúng. Còn nếu sự việc có chiều hướng leo thang, đôi bên sẽ cùng gánh chịu hậu quả tương tự.
Khi trẻ nói dối
Chuyên gia Walfish đã nhận định: “Những trẻ có cha mẹ độc đoán hay độc tài thường hay nói dối để tránh né sự trừng phạt, nhất là đòn roi của cha mẹ chúng”. Một phụ huynh độc đoán có thể làm “xấu mặt” con cái khi gọi trẻ là “đứa nói dối” hay “đứa trẻ xấu”.
Khi trẻ nói dối, để thể hiện quyền hạn cha mẹ tỏ thái độ bằng cách cau mày, đồng thời xem đó là một cơ hội vàng để dạy bảo trẻ. Có thể dạy trẻ tinh thần trách nhiệm, khen thưởng khi trẻ nói sự thật, cho dù lời thú tội của chúng có tệ hại thế nào đi nữa. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa trẻ sẽ không nhận hậu quả bởi việc làm chưa tốt của chúng, mà đó là một sự cân bằng.
Khi trẻ ăn uống kén chọn
Một gia đình độc đoán sẽ ép buộc con cái phải ngồi vào bàn ăn và không chịu rời đi cho đến khi trẻ ăn hết phần của chúng, ngay cả những món trẻ không thích. Đây là một cuộc đấu tranh quyền lực, bởi trẻ phải ngồi ăn trong suốt hai giờ đồng hồ đến khi bạn bỏ cuộc và cho phép trẻ rời khỏi bàn ăn.
Ngược lại, những bậc cha mẹ có quyền hạn thường quan tâm đến những sở thích khác nhau của con cái, cố gắng thích nghi với sự đa dạng để tránh lãng phí thời gian của tất cả mọi người, bằng cách không áp đặt việc ăn uống đối với trẻ. Họ muốn con cái ăn uống đầy đủ và đa dạng, giúp trẻ nhận xét điều gì đúng hay sai, chẳng hạn như nên ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Khi trẻ không chịu đi ngủ
Cha mẹ độc đoán sẽ chọn cách hoặc khen thưởng hoặc trừng phạt con cái. Chẳng hạn như, nếu trẻ ngoan ngoãn đi ngủ và không làm bạn bực mình, để bạn có thể có thêm thời gian sử dụng iPad, hoặc trừng phạt trẻ vì làm mất thời gian giải trí của bạn. Tuy nhiên, đây chỉ là hai mặt trái của cùng một đồng xu. Thể hiện tính dân chủ là sự chọn lựa của các bậc phụ huynh có quyền hạn đối với con cái. Tùy vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể tổ chức một cuộc họp về giờ giấc ngủ mỗi ngày và cân nhắc thời gian ngủ hợp lý cho trẻ.
– Theo Reader’s Digest