Máy bay vừa hạ cánh xuống Guwahati – thành phố lớn nhất bang Assam vùng Đông Bắc Ấn Độ, ai nấy trong đoàn chúng tôi đều muốn thu mình lại dưới cái nóng 40 độ C. Nằm giữa sông Brhmaputrra và cao nguyên Shillong, Guwahati điển hình cho các thành phố quy mô trung bình ở xứ Ấn. Một số tòa nhà hiện đại đang vươn lên giữa phố phường lụp xụp. Phương tiện di chuyển công cộng phổ biến là những chiếc xe bus không máy lạnh, chỉ có chiếc quạt máy nhỏ ở mỗi hàng ghế luôn phát ra tiếng kêu phành phạch dù mũi quạt được mạ vàng khá diêm dúa. Nhìn ra cửa xe thấy ôtô và môtô phân khối lớn chen chúc trên đường.
Thành phố bên sông
Dù điểm đến chính của hành trình là Shillong, điểm nghỉ mát cách nơi chúng tôi hạ cánh đến mấy trăm cây số mọi người vẫn không thể không quan sát Guwahati thật kỹ. Những đô thị kiểu Ấn khó có thể nói đẹp hay bình yên, nhưng vẫn cứ thu hút du khách phải ngắm nhìn bằng tất cả sự tò mò. Người Ấn Độ yêu màu sắc đến kỳ lạ, nhà cửa phố chợ dù xây dựng sơ sài thì vẫn cứ phải màu mè đến hết mức có thể. Đền đài tất nhiên không thể thiếu, Ấn Độ có đến mấy trăm ngàn ngôi đền song chẳng đền nào giống đền nào. Các đền thờ ở Guwahati cũng là những báu vật độc nhất vô nhị kiêu hãnh tọa lạc giữa phố chợ xô bồ.
Mà nhắc đến chợ thì không thể bỏ qua chợ trung tâm của Guwahati với những khu bán thực phẩm rộng mênh mông. Các sạp hoa quả, gia vị, rực rỡ tràn trề hàng hóa. Có cả dãy gian hàng bán củi nằm cạnh dãy bán trầm thơm ngào ngạt. Rồi từng vựa hoa cúng xen giữa vựa lá dừa khô (để lợp nhà), vựa cỏ lau khô (để làm chổi). So với chợ Việt Nam, chợ Ấn Độ có phần thanh sạch hơn do không bán nhiều thịt cá. Người đi chợ chủ yếu mua rau củ quả, gia vị, ớt xanh ớt đỏ. Đặc biệt, người dân ở đây vẫn còn ăn trầu cau nên đi đâu cũng thấy từng bao tải đầy ắp loại cau vỏ vàng nhẵn bóng bên cạnh sạp lá trầu xanh mơn mởn.
Bờ sông Guwahati cũng là nơi phô bày một phần đời sống của người dân thành phố. Sông có bãi cát trắng mịn rộng đến 50 mét – nơi sinh sống của mấy xóm đánh cá. Sông Guwahati còn thường xuyên nhộn nhịp nhờ lực lượng giặt quần áo thuê. Đô thị này có những trung tâm nghiên cứu công nghệ nổi tiếng cả châu Á nhưng vẫn còn hàng vạn người ăn trầu bỏm bẻm và đi giặt quần áo thuê kiếm sống! Một số ít khác cũng sống nhờ vào dòng sông nhưng theo cách thông minh hơn. Đó là đội ngũ chủ các quán ăn nhỏ dọc bờ sông, các quán xá này hấp dẫn du khách ở chỗ tận dụng được các xác thuyền sắt làm chỗ cho khách ngồi ăn và ngắm cảnh hóng mát.
Hôm sau, trên đường đi Shillong, chúng tôi ghé thăm thị trấn Sualkuchi, nơi được mệnh danh kinh đô tơ lụa của bang Assam. Từ xa xưa, Sualkuchi đã nổi tiếng với nhiều mặt hàng vải vóc được xuất khẩu khắp thế giới. Ngày nay dù được đầu tư công nghệ dệt hiện đại nhất, thị trấn vẫn giữ nguyên vẹn vẻ cổ kính của mình. Toàn bộ phụ nữ ở làng đều mặc sari truyền thống, búi tóc, cài hoa và trang điểm theo lối xưa. Có lẽ đây cũng là cách tiếp thị vải vóc hiệu quả nhất, những món lụa là óng ả, sắc màu tinh khiết làm các cô gái Ấn đẹp càng thêm đẹp. Thú vị hơn, công nghệ nuôi tằm lấy tơ lụa ở đây đã đạt đến trình độ sản xuất tơ mà không phải làm chết tằm.
Ngôi làng kỳ lạ ở miền cao
Rồi đoàn cũng đến được Shillong sau sáu tiếng đồng hồ chịu đựng cung đường ngoằn ngoèo, dằn xóc quá sức tưởng tượng! Đặt chân đến cao nguyên lúc 1 giờ trưa, bầu không khí trong trẻo mát lạnh làm mọi người quên hết mệt mỏi. Shillong là thủ phủ của Meghalya – một trong những bang nhỏ nhất của Ấn Độ. Thành phố có vẻ đẹp đồi núi nên thơ cùng một khí hậu tuyệt vời. Shillong được mệnh danh là Scotland của phương Đông (Scotland of the East). Khách sạn chúng tôi ở có một khoảng vườn nhỏ trước sảnh trồng nhiều hoa cúc nhiều màu rực rỡ và dàn dây leo xanh mướt. Xa xa phía đồi thông có mấy con đường mòn rải rác hoa dại. Hình như trong lòng Ấn Độ mênh mông có cả một mảnh châu Âu nho nhỏ.
Mấy năm nay, Shillong thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế. Thành phố cao nguyên này yên tĩnh sạch sẽ, hơn nữa lại là cánh cửa dẫn vào nhiều ngôi làng cổ đầy bí ẩn ở những vùng núi xung quanh. Có những ngôi làng rất khó đến và còn nhiều hủ tục khiến du khách phải e sợ, nhưng có những ngôi làng thanh lịch và hiếu khách đến không ngờ. Các công ty du lịch nhỏ ở Shillong luôn có sẵn các tour đi thăm làng trong ngày hoặc qua đêm. Điểm đến đang được du khách yêu thích nhất hiện nay là làng Mawlynnnong cách Shillong chừng 90 cây số. Con đường núi đi đến làng tuy nhỏ nhưng khá tốt, hai bên đường phong cảnh tuyệt đẹp với từng trảng cây rừng sum suê, các thác nước trong vắt, những dải thung lũng lẩn khuất trong sương mù.
Làng Mawlynnong sạch, đẹp và ngăn nắp một cách vô cùng tự nhiên. Lượng du khách đổ đến chẳng hề khiến làng xô bồ hơn hay cố gắng tỏ ra chỉn chu hơn. Ngôi làng theo chế độ mẫu hệ này vẫn giữ nguyên phong cách đã có cả ngàn năm qua: luôn làm cho mình đẹp đến hết mức có thể, tươm tất đến hết mức có thể. Y hệt như những nữ chủ nhân của nó! Theo nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, Mawlynnong là nơi có nữ quyền cao nhất toàn xứ Ấn. Quyền quản lý cộng đồng và gia đình thuộc về những người phụ nữ mảnh mai, xinh đẹp. Đến nay làng vẫn duy trì chế độ mẫu hệ với những người phụ nữ nắm trọn quyền lực trong tay và con cái mang tên họ của mẹ, con gái út là người được hưởng thừa kế. Những cô bé ở Mawlynnong học tại trường làng cho đến 11-12 tuổi. Sau đó họ sẽ đến Shillong để tiếp tục học lên cao. Khi tốt nghiệp cấp 3, các bé gái sẽ được tự quyết định có muốn học lên đại học hay quay trở về làng.
Phụ nữ Mawlynnong nổi tiếng cá tính và yêu cái đẹp. Những ngôi nhà ở đây không bề thế nhưng luôn được chăm chút tỉ mỉ và mang đậm dấu ấn của nữ chủ nhân. Nhà nào cũng có một khu vườn trồng nhiều hoa, hàng rào tỉa xén gọn gàng và trang trí sáng tạo. Đầu làng cuối xóm khó tìm thấy một mảnh rác. Hầu hết người dân có thể giao tiếp với khách du lịch bằng tiếng Anh nên du khách ghé vào những quán nhỏ ăn cơm, uống nước, mua vài món lưu niệm đều cảm thấy thú vị. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những “cây cầu sống” độc đáo ở trong làng. Loại cầu này được tạo thành từ thân cây trầu hoặc rễ cây cao su, gia cố bằng đá sỏi và nằm ngang giữa sông. Để tạo nên cây cầu có khả năng chịu tải 50 người cùng lúc, dân làng phải mất đến 15 năm để trồng và uốn rễ cây. Công trình này không những phục vụ nhu cầu đi lại mà còn làm nên vẻ đẹp đặc sắc cho cả làng. Đây đúng là tác phẩm từ sự thông minh và kiên nhẫn của phụ nữ trong làng.
Chưa hết, để được nhìn ngắm vùng đồng bằng rộng lớn của Bangladesh phía bên kia biên giới, dân làng Mawlynnong còn xây nên cây cầu dài 24m làm từ thân cây được gọi là Cảnh Trời. Cầu đẹp, khung cảnh nhìn thấy từ Cảnh Trời cũng tuyệt đẹp. Phụ nữ xứ này đến thời du lịch phát triển thật chẳng khác gì cá gặp nước!