Ở Oman, quốc gia dầu mỏ giàu có nhất nhì Trung Đông, phương tiện giao thông khá phát triển, mỗi người dân đều sắm xe hơi riêng bên cạnh đó là taxi và xe buýt nối các thành phố. Từ thủ đô Muscat đến Salalah mất hơn 14 giờ nếu đi xe, tuy có thể ghé nhiều điểm tham quan hấp dẫn nhưng phải lái xe băng qua sa mạc Wahiba Sands với những cồn cát có nơi cao đến 200m trong cái nóng 40 độ C thì cũng không mấy dễ chịu. Vì vậy để tiết kiệm thời gian chúng tôi quyết định đi bằng máy bay. Sau 90 phút, từ trên cao, Salalah – viên ngọc xanh giữa sa mạc Trung Đông hiện ra với cảnh núi non chen lẫn cây xanh tươi tốt, bờ biển cát trắng trải dài.
Lễ hội mưa Khareef
Salalah là thủ phủ của tỉnh Dhofar, cũng là thành phố lớn thứ hai ở phía nam Oman – quê hương của Sultan Qaboos bin Said Al Said nổi tiếng với lịch sử, văn hóa và phong cảnh ngoạn mục. Salalah được bao quanh bởi một dãy núi hình cánh cung mà đằng sau là hoang mạc Empty Quarter rộng mênh mông. Mặt kia tiếp giáp biển Ả Rập với nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng. Nhờ những đợt gió mùa thổi vào từ đại dương, cùng màn sương mù dày đặc vào mỗi sáng sớm nên Salalah có khí hậu mát mẻ, khác hẳn không khí oi ả ở phía bắc.
- Xem thêm: Bangladesh hoang sơ mà rực rỡ
Tháng 8 hằng năm ở Salalah là mùa gió mùa thổi mạnh nhất, mang theo những cơn mưa rả rích. Ở giữa Trung Đông khô nóng hơn 40 độ C và toàn sa mạc như vậy nên mùa thu Salalah được coi là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong năm. Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, hằng năm chính phủ Oman thường xuyên tổ chức chương trình lễ hội Khareef với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo đặc sắc. Vì thế, từ tháng 7 đến tháng 9, Salalah trở thành “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch từ các quốc gia Trung Đông và châu Âu. Theo Trung tâm Thống kê và Thông tin quốc gia (NCSI) Oman, có tới 630.000 khách đến Salalah trong mùa lễ hội Khareef 2017, trong khi dân số ở đây chỉ ngót nghét 300.000 người.
Các gia đình lái xe đến đây, dừng xe giữa những bãi cỏ trống để cắm trại. Trẻ em nô đùa, thả diều, tắm suối, còn người lớn trò chuyện, chuẩn bị bữa tiệc ngoài trời, cùng nhau chụp ảnh, tận hưởng thiên nhiên xanh mát. Vào dịp này, du khách được xem các điệu nhảy truyền thống, tham gia các trò chơi, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương… Ngoài kiểu thời tiết “độc nhất vô nhị” ở Trung Đông, Salalah còn sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh thuộc hàng di sản thế giới.
Nằm trên đỉnh một ngọn đồi đầy hoa cách trung tâm Salalah khoảng 40km là ngôi mộ của nhà tiên tri Nabi Ayoub (Job). Theo kinh Koran và truyền thuyết Hồi giáo, Job là người rất giàu có và có nhiều con cái. Thượng đế đã thử thách ông khiến tất cả sự nghiệp của ông bị tiêu tan, bản thân lâm trọng bệnh nhưng ông vẫn sắt son và kiên trì tôn thờ Thượng đế, ngay cả khi bị Satan dụ dỗ từ bỏ đức tin. Vì thế Thượng đế đã giải trừ bệnh tật cho ông và ông được chọn làm đấng tiên tri. Bên ngoài, mộ còn có một dấu chân in trên đá mà người ta tin rằng đó là vết chân của Nabi Ayoub.
Công viên khảo cổ học Sumhuram, nơi có thành phố cổ Khor Rori đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2000. Một nhóm các nhà khảo cổ đến từ Ý đang thực hiện các cuộc khai quật tại đây. Họ đã tìm thấy một pháo đài, đền thờ và dấu vết của một cảng cổ. Khor Rori được thành lập bởi các vị vua Hadramaut trong thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và tồn tại đến thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Một số học giả Mormon tin rằng đây là vùng đất Bountiful, nơi Nephi(*) ở lại khi ông du hành từ Jerusalem. Một cảm giác không thể tuyệt vời hơn khi leo lên đỉnh đồi và ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt, mà một bên là các bức tường thành cổ, một bên là khu vực sông tiếp giáp với biển.
Pháo đài Taqah gần đó là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc điển hình của vùng này. Từng bị người Yemen xâm chiếm trong thời gian dài nên văn hóa ở đây khác biệt hoàn toàn so với Muscat, rõ nhất là qua kiến trúc ô cửa sổ các thánh đường Hồi giáo và những công trình công cộng. Nhà thờ Hồi giáo Ibn Afif cũng là nơi đáng để dừng chân.
Một nơi khác mà chúng tôi đã tham quan là thị trấn Mirbat, cách Khor Rori khoảng ba chục cây số với bến cảng xinh đẹp, với các cuộc đấu giá cá biển vào buổi sáng. Thị trấn này cũng là nơi diễn ra trận Mirbat trong chiến tranh Dhofar vào năm 1970 nên nhiều tàn tích của trận chiến vẫn còn hiện diện.
Những bãi biển tuyệt vời Al-Mughsail cách trung tâm Salalah gần 50km cùng một đầm phá tuyệt đẹp với hàng ngàn con chim, thậm chí có cả chim hồng hạc. Nhưng hầu hết mọi người đều chú ý đến hang Marneef và hố phun ở gần đó hơn. Nó giống một hốc đá lớn ăn sâu vào lòng ngọn đồi với một lối đi xuống và nhiều lỗ thông hơi. Vào mùa hè, thủy triều cao bắn qua các lỗ này đến hơn 18m.
Con đường nhựa thơm
Khi đến Salalah, dễ dàng nhận thấy cả thành phố toát lên một mùi hương không thể lẫn vào đâu được. Hương thơm ở khắp mọi nơi, trong khách sạn, trên đường phố, trong các gian hàng ở chợ truyền thống. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót khi nhắc đến Salalah mà bỏ qua nhũ hương frankincense – một sản vật đặc trưng của nơi đây. Nhũ hương frankincense có giá trị tương đương với vàng và vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Oman cũng như cả vùng Ả Rập. Salalah được mệnh danh là “thủ đô của mùi hương”.
Frankincense là cây thuộc họ trám (boswellia), chỉ trồng được ở Salalah do phù hợp với đất cát xen lẫn núi đá sa mạc. Nhìn từ xa, trên thân cây xù xì là những chiếc lá nhọn giống những bụi xương rồng mọc hoang trên sa mạc. Đến gần mới thấy thân cây có một lớp như vỏ cây tràm. Khi cây được tám tuổi, người ta lột lớp vỏ bên ngoài và dùng một mũi khoan đặc biệt đâm vào thân cây. Từ vết thương này, nhựa cây sẽ tiết ra bên ngoài, khô dần và đóng cục. Những hạt nhựa trắng trẻo trên thân cây màu nâu đỏ lóng lánh như những viên kim cương dưới ánh nắng mặt trời. Khoảng ba tuần sau, lớp nhựa sẽ cứng như một viên đá cuội và có thể thu hoạch. Cứ sau bốn tháng, người ta khoét lỗ sâu thêm một chút để nhựa tiếp tục tiết ra.
Mỗi người trong nhóm chúng tôi được phép chọn một hạt để đốt thử. Mới hay, khi vừa tiết ra, nhựa có mùi như cam quýt, còn khi đã khô thì nồng mùi gỗ. Những loại đạt chất lượng cao được thu mua và sử dụng cho hoàng gia, những loại kém hơn được xuất khẩu hay bán trên thị trường nội địa. Hơn 5.000 năm trước từng có con đường giao thương nhộn nhịp frankincense cả trên biển lẫn đường bộ. Người Ai Cập vượt biển Đỏ đến Salalah mua nhũ hương để sử dụng. Người Ấn Độ mua frankincense để bán cho các hoàng đế Hy Lạp và La Mã thông qua con đường tơ lụa. Trong thời cổ đại, frankincense rất quý hiếm nên được các pharaoh Ai Cập hay các hoàng đế La Mã rất ưa chuộng.
- Xem thêm: Thú vị như cuộc sống ở Bhutan
Frankincense được sử dụng để tạo hương thơm trong việc ướp xác, trích ly tinh dầu để tạo thành nước hoa và các hoạt động thờ cúng. Các hoàng đế La Mã sử dụng frankincense để điều trị một số bệnh bằng cách pha với nước để uống hoặc nhai trực tiếp. Chất liệu quý này còn được dùng để điều trị vết thương cho các chiến binh. Người Ả Rập dùng frankincense như chất làm sạch không khí bằng cách đốt trong nhà thay cho các loại trầm hương. Ngày nay, một số thành phố trên con đường giao thương đã bị biến mất vì nhiều lý do, riêng con đường giao thương nhũ hương tại Oman đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Những lò đốt hương khổng lồ dọc theo các con đường chính nhắc nhở du khách đang ở vùng đất nhũ hương, một loại hàng hóa có giá trị hơn cả dầu mỏ đối với bán đảo Ả Rập ngày nay. Ở đây còn có Bảo tàng Al Baleed chuyên trưng bày nhũ hương rộng tới 2.000m2 với nhiều hiện vật lý thú, đặc biệt là các món đồ độc đáo được chế tác bởi người dân địa phương. Xung quanh bảo tàng là cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng, quán bar và một vườn cây bản địa.
Tắm trong mùi hương đặc trưng trong suốt thời gian ở Salalah, tôi đã chọn những cái lò đốt bằng gốm màu sắc rực rỡ nhiều kích cỡ khác nhau cùng những hạt nhũ hương thô mang về làm quà cho bạn bè.
(*) Nhân vật trong sách Mặc Môn (Book of Mormon), con trai của Lehi là nhà tiên tri và người lưu giữ biên sử và vị lãnh đạo vĩ đại của dân Nephite