Trước đó tôi biết Bangladesh qua những hình ảnh đầy màu sắc của nhiếp ảnh gia Azim Khan Ronnie. Anh là một người bạn tốt của tôi, cùng đam mê nhiếp ảnh và là người đồng hành cùng tôi trên mảnh đất đầy sức sống này.
Sau chuyến bay dài đến Dhaka tôi di chuyển ngay đến Bogra, một thị trấn lâu đời thuộc vùng Rajshahi miền bắc nước này. Ở Bogra rất thú vị vì nơi đây lưu giữ những làng nghề truyền thống lâu đời bậc nhất của Bangladesh và tôi đã bị thu hút bởi những màu sắc sặc sỡ nơi đây.
Bangladesh là đất nước của những con người lạc quan nên màu sắc họ sử dụng trong ăn mặc hàng ngày cũng đa sắc. Đây là đất nước của sắc màu, của tình yêu, của sự lạc quan với cuộc sống. Tôi sẽ trở lại nơi này, khám phá nhiều hơn nữa những làng nghề truyền thống của Bangladesh, gặp gỡ những con người và tôi mong được đến nơi mà nụ cười và sắc màu cuộc sống luôn rộn rã như một bản nhạc vui.
Vào mùa, Bogra ngập tràn sắc đỏ của ớt, sắc vàng của lúa mới gặt và đâu đâu cũng vang lên tiếng cười nói rôm rả, tiếng bước chân của người nông dân Bangladesh vui với mùa thu hoạch.
Những khoảng sân rộng hàng chục ngàn mét vuông phơi đầy ớt cùng màu sắc rực rỡ của váy áo của những người phụ nữ làm việc đã khiến tôi thực sự ấn tượng. Màu đỏ của ớt cùng với vị cay nồng lan tỏa khiến cho tâm trạng người ta thực sự phấn chấn.
Những người phụ nữ dùng những chiếc thau nhỏ xếp thành hàng dài phân loại ớt tạo thành một bức tranh sinh động.
Điểm đến đầu tiên của tôi là một lò làm bánh Doi – một loại bánh tráng miệng truyền thống của Bangladesh. Bánh được làm từ sữa tươi, đường, muối và một loại ngũ cốc với nhiều bước rất công phu và được nướng bởi những chiếc hũ bằng đất nung xếp đều tăm tắp xung quanh lò than.
Bánh được ủ bằng một chiếc nong khổng lồ qua đêm và sẽ được ra lò vào sáng hôm sau. Bánh có màu vàng cánh gián bắt mắt và vị ngọt béo hấp dẫn.
Bogra còn là vựa lúa lớn của Bangladesh. Những hạt thóc vàng óng được phơi trên những khoảng sân rộng. Điều đặc biệt là sân phơi không phẳng mà họ đã thiết kế cao thấp tạo ra những vệt thóc vàng như sóng.
Tại một xưởng đóng tàu ở cảng Dhaka, những người công nhân cần mẫn làm việc, công việc tuy nặng nhọc nhưng họ luôn tràn đầy năng lượng và rất lạc quan. Những nụ cười tươi tắn lấm lem dầu mỡ, và người dân nơi đây rất hiếu khách.
Narsingdi là một làng nghề sản xuất vải. Trên cánh đồng đã qua mùa thu hoạch, họ trải những tấm vải mới nhuộm ra phơi. Họ làm đủ công đoạn từ dệt, nhuộm, phơi khô, may cắt thành khăn. Những sợi vải vắt trên những khung tre cho ráo nước.
- Xem thêm: Bangladesh hoang sơ mà rực rỡ
Điều đặc biệt ở Narsingdi là chỉ có đàn ông làm nghề dệt lụa. Vải được trải đều tăm tắp khắp những con đường, ngõ nhỏ và mảng ruộng tạo thành một Narsingdi tràn ngập sắc màu.
Ở Narsingdi đàn ông dệt lụa còn phụ nữ thì làm gốm, sản phẩm cung cấp cho toàn Bangladesh. Họ làm những chiếc hũ nhỏ từ đất sét và phơi trên những mảnh vườn trống.
Họ vừa làm việc vừa chăm sóc con cái. Lũ trẻ quanh quẩn với mẹ bên lò gốm, chúng có những đôi mắt đen láy, to tròn và rất hồn nhiên. Trẻ con ở đây sức sống như cây cỏ, bọn chúng tự chơi với nhau khi người lớn làm việc.
Với thiết kế đơn giản hình hạt thóc, những chiếc thuyền di chuyển len lỏi như những con cá nhỏ đầy sắc màu trên sông.