“Mắc cười quá” – Vợ tôi vừa về đến nhà đã ôm bụng cười, làm tôi cứ tưởng hôm nay cô ấy trúng mánh gì đấy. Cô ấy gật lia lịa: “Đúng, có trúng một mánh, mánh… cảnh sát giao thông thổi còi. Mà anh có biết em ngồi trên xe có ai không? Ông Bảy!
Ai chứ ông Bảy có lẽ cả thành phố này đều biết, vì ổng từng giữ chức lớn, rất hay xuất hiện trả lời phỏng vấn trên tivi. Khi cảnh sát thổi còi, hình như xe đi sai làn đường sao đó, thấy lỗi cũng nhẹ, ông Bảy thò đầu ra, nghĩ cảnh sát giao thông nhận ra ông “vip” sẽ cho đi. Không may, mấy anh này trẻ măng, hình như mới ra trường, chẳng biết ông Bảy là ai. Ông đành đưa cái thẻ gì đó. Anh cảnh sát xem kỹ lắm, xem xong trả lại và nói: “Đúng bác có làm ở đó thật, nhưng bác… về hưu rồi bác ơi, thẻ này đã lâu rồi”. Không cười sao được!”.
Bây giờ đến lượt tôi cười. Tôi kể lại câu chuyện đại ý, Napoleon một lần ra lệnh lính không được cho ai qua lại một nơi nào đó, nhưng sau chính ông ta có việc phải qua. Bị lính giữ lại, ông bèn nói mình là Napoleon đây mà, nhưng anh lính vẫn cương quyết, đã có lệnh cấm thì Napoleon cũng không được qua. Sau đó, Napoleon cho gọi người lính ấy lên khen ngợi, tặng huân chương. Đó, người ta nghiêm như vậy là phải, đừng trách anh cảnh sát. Nhưng vợ tôi cự lại: “Đâu phải họ nghiêm túc gì đâu, mà vì ông Bảy đã… về hưu, tức là không còn quyền lực gì, nên chẳng sợ đó thôi!”.
- Xem thêm: Xây dựng đế chế
Nhắc chuyện này nhớ đến cậu Tư. Cậu giỏi chuyên môn, khắp nơi chào mời làm chuyên gia, trả tiền hậu hĩnh chứ không phải đồng lương “khinh chất xám” của Nhà nước trả đâu. Viện nghiên cứu nơi cậu công tác cũng rất muốn giữ cậu lại, vì trả lương rẻ kiểu Nhà nước mà cậu lăn lưng ra làm biết bao nhiêu dự án, công trình, kiếm tiền nuôi viện.
Rồi cậu nhận ra giá trị của mình nên cương quyết xin về hưu non, phục vụ như vậy là quá đủ rồi. Nhiều người bà con dòng họ nói cậu thôi đừng xin nghỉ nữa, vì giá của cậu cao, cậu làm ở một viện có tiếng, nếu nghỉ thì cậu chỉ còn là một “anh hưu”, cái thế của cậu sẽ khác lắm… Cậu Tư nghe “khuyên” thì la lối um sùm, nào là bị tư duy bao cấp bám lấy Nhà nước, chuộng hình thức, bất tài, chứ tài của cậu sẽ được thị trường trả đúng giá, không bóc lột cậu như ở viện.
Và quả thật, cậu Tư sau khi về hưu vẫn đắt hàng như tôm tươi, vì cậu giỏi thực sự. Cậu giàu lên hơn hẳn ngày xưa. Mỗi lần gặp lại đám bà con ngày trước khuyên can, cậu lại nói: “Tôi về hưu mà khắp nơi đưa đón, khách sạn, nhà hàng, mời được tôi đâu có dễ!”. Bà xã tôi nghe vậy, nói: “Có mấy người giỏi được như cậu. Còn người về hưu là thế nào, cậu đâu có biết”.
Cậu trả lời ngay: “Thế tôi sống ở trên trời hả? Về hưu, là đã cống hiến xong, được yên bình nghỉ ngơi, thiếu gì ông đọc sách, chơi cờ. Ông bà nào con cái thành đạt, hiếu thảo thì khỏi lo gì. Thấy không, bác Năm hết bay đi Úc lại sang Mỹ chơi với con cháu đó thôi”. “Cậu ơi, ai cũng được như vậy thì đất nước ta đã tiến đến tận đâu rồi”.
Một hôm chúng tôi vào bệnh viện thăm ông bác. Vào đúng phòng không thấy ông đâu, hỏi thì ra ông đang ở phòng bên, đang tranh cãi tin tức thời sự, tình hình thế giới với mấy ông hưu trí cùng nằm viện. Huyết áp lên ầm ầm, mặt ông nào cũng đỏ gay, nếu không gọi về phòng có người nhà vào thăm, có khi họ vác ghế choảng nhau chưa biết chừng.
Nhưng đau nhất là một ông trước đây làm to, thường giúp đỡ mọi người, thân với nhiều người, vậy mà khi có kẻ hành hung tranh chấp nhà cửa, đi cầu cứu người xưa thì… Người nói đang đi họp ở Hà Nội ba tuần nữa mới về. Ai thân lắm thì nói, để tôi báo xuống phường cho. Ông mếu máo: “Thôi còn lạ gì phường, họ bênh phía bên kia nên vâng dạ cho xong, mình biết, nhiều nơi phải chung chi. Tôi giờ cũng muốn chung chi cho được việc nhưng không biết đưa bằng cách nào”.
- Xem thêm: Con tàu đắm
Đó, thấy chưa, không sống với “dân gian” nên đâu có biết quan hệ dân gian đơn giản và trôi chảy như thế nào. Nhiều vị “cạo bàn giấy” cả đời ở cơ quan, anh Ba anh Tư cần gì đều phục vụ, ai cũng khen có năng lực, thế rồi đến lúc về hưu, cái nhà không kịp lo. Thua xa tay lái xe, chẳng học hành lên xuống nổi tiếng khen thưởng gì, chỉ lái xe cho ông lớn mà bây giờ còn trẻ, chưa về hưu, đã kịp xoay cái nhà ngon lành. Đúng là khôn thì khôn thuở lên ba, dại thì đến… về hưu còn dại.
Cho nên, nhiều người sợ về hưu lắm. Phải xa chức vụ kèm theo quyền lợi là “sảy cơ quan ra thất nghiệp” ngay. Thỉnh thoảng nhớ anh em cơ quan, ghé vào, những người lịch sự sẽ hỏi: “Có khỏe không?” rồi chuồn lẹ. Ông nào còn dây dưa cố vấn là có người nói ngay: “Anh cứ xuất hiện thế này, anh em mới rất khó làm việc!”. Chẳng lẽ họ lại dùng ngôn ngữ của dân bán hàng ngoài Hà Nội: “Lặn đi cho nước nó trong”?