Tết đến, cùng với phong tục thưởng xuân truyền thống của cha ông “thịt mỡ – dưa hành – câu đối đỏ”, một bàn thờ gia tiên trầm ấm hay một góc thưởng trà tinh tế bên người thân và bạn hữu là nét đặc trưng văn hóa đồng thời hàm chứa nếp sống sinh động, quây quần không thể thiếu của mỗi gia đình Việt. Những góc “riêng mà chung” ấy rất cần thiết để tạo lập không khí thân mật, hài hòa về nội khí phong thủy, mà nếu thiếu vắng thì những góc sống trang trọng ngày đầu năm mới sẽ trở nên lạnh lẽo.
Việc trang trí nhà cửa ngày tết cổ truyền còn thể hiện mối tương tác giữa con người và bao cảnh: một năm cũng phải có tối thiểu một lần làm tươi mới không gian sống của mỗi nhà, mỗi người bằng cách hoặc chỉnh trang, dọn dẹp, hoặc bảo trì, bày biện lại. Việc “tươi hóa”, gia tăng sinh khí chốn ăn ở không nhất thiết phải cần đến những đồ nội thất cao cấp hay tốn kém nhiều khoản chi phí mà cứ “tự nhiên nhi nhiên”, gia chủ căn cứ theo nhu cầu và hình thế, điều kiện vốn có của ngôi nhà (hay căn hộ) mà thu xếp, phối kết hài hòa từng phần, từng khu vực chức năng.
Nhà nhỏ, căn hộ chung cư
Với những căn nhà không rộng hoặc căn hộ chung cư, phòng khách thường phải kiêm thêm các chức năng sinh hoạt, là nơi xem tivi của gia đình và nhất là chỗ sắp đặt tủ thờ. Vì vậy, có thể tổ chức những góc ấm cúng ngày tết kèm theo vật dụng tương ứng và có chức năng bổ trợ, ví dụ bộ bàn ăn kết hợp tiếp khách khi nhà có đông người. Nên đặt kính thủy (gương soi) tại những chỗ hẹp và góc nhà vừa có thể giúp ngăn chặn luồng hung khí từ ngoài vào, đồng thời tạo cảm giác không gian rộng ra. Khu vực từ cửa vào đặt tủ giày và ghế cho khách khi mang giày dép, hay góc tiếp giáp lối đi từ các phòng thông ra trong căn hộ nhỏ đều thích hợp để treo gương.
Nên lưu ý tạo góc ấm cúng để sinh hoạt, tiếp khách còn phải quan tâm đến điểm nhìn. Nếu biết khéo léo hướng tầm nhìn của khách ra những góc đẹp bằng một vài sắp đặt giản đơn và đậm chất Á Đông như khung cửa có chậu mai vàng, bộ bàn bên quầy bar nhỏ… sẽ thể hiện thái độ trân trọng của gia chủ đối với khách trong ngày tết cổ truyền. Người Việt vốn hiếu khách chân tình, nếp nhà Việt hiện đại cũng vậy, cần mang nhiều đặc trưng phương Đông hơn. Ngôi nhà có kiến trúc và kiểu dáng hiện đại nhưng cách bài trí nội thất vẫn có thể linh hoạt đưa vào các yếu tố Á Đông như một vài chậu cây cảnh đặc trưng, vật dụng, đèn, bàn ghế… dịp tết Âm lịch.
Khai thác lợi điểm bình phong, quầy bar
Các tủ kệ kiểu quầy bar ngày càng được ưa dùng trong xử lý phong thủy ngôi nhà hiện đại. Cần nói thêm rằng gọi là “quầy bar” song đơn giản chỉ là một mặt bàn để ngồi uống nước, trò chuyện, ăn nhẹ hoặc là nơi chuyển thức ăn từ bếp ra bàn ăn. Nếu biết bố trí hợp lý quầy bar này sẽ có lợi nhiều mặt về điều chỉnh trường khí trong nhà; vừa khai thác lợi thế che chắn, giúp giảm trực xung của loại tủ kệ đa năng, vừa tạo điểm nhấn trang trí đồng thời cản bớt luồng di chuyển và tầm nhìn. Mặt khác, đặt kệ trang trí hay bình phong ở chỗ hợp lý sẽ giúp hình thành một không gian đệm, vùng âm dương giao nhau, rất cần thiết để giảm bớt khói và mùi nấu nướng mà còn tạo một nơi hỗ trợ gian bếp vốn hẹp (bày món ăn hay pha chế nước giải khát). Ở một số chung cư, quầy bar còn được bố trí ngoài hiên cạnh cửa sổ, kết hợp với bể cá cảnh, hồ thủy sinh để đưa thêm Thủy khí vào nội thất mà còn tạo sự duyên dáng cho căn hộ. Bình phong, tủ kệ vừa giúp tạo ranh giới một cách tương đối, vừa giúp kết nối không gian các khu vực chức năng khác nhau như giữa bếp với bàn ăn, giữa phòng khách với phòng sinh hoạt… Không gian giao tiếp vốn đặc trưng bởi tính động, dương tính nhiều hơn âm tính (trừ khu vực bàn thờ, các góc tâm linh), cần linh hoạt tùy thời điểm cũng như tùy số người sử dụng, do vậy góc quây quần vui vẻ dịp xuân về cần được đặt tại vị trí trung tâm của căn hộ hoặc tại các vị trí đầu mối giao thông của nhà phố (như sảnh tầng, gần cầu thang) để tiện qua lại, tránh xuyên sâu vào không gian riêng.
Chọn hình tượng để trưng bày cho hợp
Hình ảnh con giáp biểu trưng của năm mới, các vật khí phong thủy được xem là đem lại may mắn, cát tường thường được trưng bày vào ngày đầu năm mới. Ví dụ phong linh hoặc quả hồ lô đã được sử dụng phổ biến từ xa xưa. Trong khi phong linh đã thành biểu tượng kích hoạt sinh khí, ngăn ngừa tà khí thì hồ lô được xem như một vật khí phong thủy có tác dụng tăng cường sức khỏe và tài lộc. Các nhà phong thủy khuyên nên treo đồng tiền xâu, hồ lô bằng đồng, vật trang trí bằng kim loại ở các hướng có sao Nhị Hắc Thổ (trung cung) và Ngũ Hoàng Thổ (hướng đông bắc) để làm suy yếu tác dụng xung sát của hành Thổ trong năm Bính Thân 2016. Hoặc để hóa giải bớt tác động xấu của sao Tam Bích Mộc ở hướng tây bắc thì các vật khí phong thủy hành Hỏa (như đèn lồng đỏ, các loại đá hoặc quả cầu bằng thạch anh đỏ, hồng, cam…) được khuyên nên dùng.
Dù bạn chưa thực sự tin vào tác động hóa giải như nêu trên của vật khí phong thủy, thì các trang trí nhẹ nhàng có liên quan đến phong thủy mà không ảnh hưởng đến cấu trúc và thẩm mỹ nội thất đều được xem như một liệu pháp tâm lý đơn giản, hữu hiệu.
Chút lá hoa cho nhà thêm xuân
Hoa tươi ngày tết nơi tiếp khách và sinh hoạt gia đình luôn tạo nên sắc xuân và sự thân thiện, nhưng cần tránh loại có hương thơm nồng quá có thể gây dị ứng và làm giảm sự thoáng đãng nội thất. Chọn cây hay hoa gì có khi không quan trọng bằng chăm sóc cây hoa như thế nào. Một chậu cát tường nhỏ bên bậu cửa, một bình thiên điểu nơi phòng khách nếu được tỉa tót cẩn thận, thay nước thường xuyên vẫn tốt hơn là chưng nhiều cây nhưng thiếu quan tâm đúng mức.
Ở những vị trí đối ngoại vào dịp lễ tiệc, nơi đón khách nên chọn đặt các cây có tính trang trọng, cân đối và bề thế. Ví dụ chậu mai thế hay cặp kim quất ngay cửa ra vào, chậu phát tài góc phòng khách… đều có dáng đẹp, hoa tươi. Cần chú ý cây có sắc màu thuộc bộ ba liên hoàn xanh (Mộc), đỏ (Hỏa) và vàng (Thổ ) khá phù hợp với tiết khí xuân – hạ ấm áp tươi tắn. Tránh các loại cây gai nhọn, cây dáng mềm rũ hoặc hoa mỏng mảnh dễ rụng. Bonsai đẹp và tuổi thọ cao như si, đa, cần thăng… đều phù hợp với cách trang trí tương hợp nội thất phương Đông. Chơi những loại cây này đòi hỏi gia chủ thời gian chăm sóc và sự hiểu biết về nghệ thuật bon sai, cũng như cần có khung cảnh chưng cây tinh tế hơn các loại cây hoa thông thường.
Về màu sắc, chọn cây hoa chưng tết cũng nên cân nhắc tương quan với không gian nhằm bổ sung, tạo sự tương hòa với màu sắc ngôi nhà, ví dụ cây lá màu sẫm nổi bật bên nhà màu sáng, hay nhà sơn đậm màu thì nên bổ sung cây hoa màu tươi sáng để tạo sự cân bằng. Các loại cây có gai nhọn như xương rồng đặt bên ngoài nhà giúp giảm hung khí, nhưng tránh dùng trong nội thất.
Để có được những góc quây quần ấm cúng tươi tắn trong ngày xuân, vừa đảm bảo tiện nghi hiện đại mà vẫn hài hòa phong thủy truyền thống không quá khó và phức tạp. Nội thất nhà ở hình thành và hiện hữu theo nếp sống, nếp nghĩ, nếp cư xử… trong cả quá trình sống của gia chủ. Tạo được không gian sống tốt theo phong thủy còn đòi hỏi gia chủ hiểu rõ và diễn đạt những nhu cầu của chính mình một cách có văn hóa và chừng mực. Sao cho mỗi dịp xuân về ngôi nhà lại được như con người, có thêm một dịp thắm tươi mà vẫn là nhà ấy, người ấy, thân thuộc vậy.
- Ảnh Xuân Trang