Có lẽ, trên đời này hiếm người như chị, phụ nữ đơn thân, một tay nuôi năm con gái nên người. Cái hiếm ở đây không phải là nuôi “ngon lành” năm con gái ăn học, có công ăn việc làm, cô nào cũng xinh đẹp giỏi giang mà là quan điểm của chị.
Khi con gái đầu có bạn trai là một người nước ngoài, chị đã tỏ ý không thích dù chàng trai thuộc dạng con nhà… tỉ phú chứ chẳng chơi và đến đặt vấn đề xin cưới con gái hẳn hoi nhưng chị không gật cũng không lắc. Một bé trai ra đời, chị cũng không muốn tổ chức đám cưới cho con gái. Ai hỏi, chị trả lời, gả là mất con (!). Một thời gian, chàng “rể” về nước một mình vì không thuyết phục được “mẹ vợ”. Tất nhiên, cháu ngoại lấy họ mẹ, bà ngoại ôm luôn cháu.
Cuộc hôn nhân sau của con gái cũng với một người nước ngoài, chàng rể này có cơ ngơi làm ăn tại Việt Nam nhưng chị vẫn chấp nhận cho con gái mình kiểu làm “mẹ đơn thân”, hai cháu ngoại cũng lấy họ mẹ, mặc dù có đám cưới hẳn hoi. Hỏi sao, chị lại trả lời, lấy họ cha là mất cháu! Tìm hiểu sâu, mới biết, lý do chính chị không đồng ý còn có vấn đề không cùng tôn giáo. Chàng rể, vì quá yêu vợ nên phải chấp nhận ý muốn của mẹ vợ.
Con gái thứ hai không gặp tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài như cô chị nhưng là một phạm trù khác nữa. Mãi đến khi họ có với nhau ba đứa con, chị mới chấp nhận cho con gái về nhà bên kia chào ra mắt và cho các cháu về bên nội chơi những dịp như nghỉ hè, lễ dài ngày. Lý do của chị là bởi hai gia đình quá khác nhau về quan niệm sống. Bên kia, gia đình quan chức, chị là nhà doanh nghiệp, khó tìm thấy tiếng nói chung trong trao đổi. May sao, chàng rể yêu con gái chị và cũng quý mẹ vợ nên chấp nhận “hoàn cảnh”. Thêm nữa, lý do chị chưa cho hai cháu làm đám cưới rình rang còn bởi con đường tiến thân của chàng rể e rằng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ba đứa con. Hôn thú thì có nhưng khai sinh cho các con đều mang họ mẹ. Chị không tỏ vẻ e ngại hay bối rối khi nói với mọi người điều này.
Tất nhiên, không phải vì có ba cháu ngoại mà chị gây áp lực cho phía bên nội. Bên ấy quý cháu, thương con dâu, nhưng không vì thế mà chị giữ “kèo trên”. Bạn bè thỉnh thoảng lại thấy con gái chị khoe trên Facebook, mẹ chồng đưa đi mua sắm này nọ, toàn thứ đắt tiền, cô hé lộ, tuy mẹ chồng xởi lởi, nhưng cho gì thì cô nhận đó chứ không xin, trong khi đó đi với mẹ ruột thì đòi đủ thứ, món nào cũng đắt xắt ra miếng!
Tất nhiên, có nhiều lý do bên trong khiến người ngoài không hiểu được. Chỉ biết rằng, không vì thế mà gia đình họ không hạnh phúc mà ngược lại. Nhà chị lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của các cháu chơi đùa, mấy chàng rể mỗi khi có dịp gặp nhau lại bày ra lai rai hàn huyên.
Riêng hai cô sau đều có hôn nhân bình thường như mọi người. Theo ý chị, là bởi, hoàn cảnh hai bên gia đình tương đồng, sui gia có thể nói chuyện vui vẻ, hòa đồng, thân tình.
Đúng là, ở đời, mỗi người một quan niệm. Nếu ai cũng theo “truyền thống” con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, phải có đám cưới rình rang, ra mắt hai họ với bà con thì cũng có những người như chị. Không băn khoăn hay ngại ngần khi các cháu ngoại đều mang họ mẹ.
Chị biết, điều đó không phải bình thường hay tốt nhất cho con cái, nhưng đúng ý chị và các cháu quây quần bên mình. Con gái cần gì về nhà mẹ sẵn sàng đáp ứng ngay. Mỗi hoàn cảnh đều phải có sự cảm thông và hòa hợp để sống. Trường hợp con gái thứ hai, con rể hay bên nhà sui gia đồng ý cho ba đứa cháu mang họ mẹ vì đường tiến thân của con trai. Chưa biết quyết định này đúng hay không, nhưng trước mắt họ thấy ổn và không có gì phải “lăn tăn”.
Mỗi người một hoàn cảnh, khó tìm được mẫu số chung cho hoàn cảnh sống tạo nên từ quan niệm sống. Tuy nhiên, để thấy, đôi khi con người ta cần có những quan niệm khác hơn, có thể thoáng hay chặt chẽ, nhưng quan trọng là phải tạo được hạnh phúc và không đặt nặng việc ép mình vào một khuôn khổ nào đó coi như chuẩn mực chung của xã hội. Bởi, ai cũng chỉ có một đời để sống. Nghĩ như thế có thoáng quá hay không?