Nhiều phụ nữ Hàn Quốc đi tiên phong trong một cuộc vận động toàn quốc chống lại các chuẩn mực của cái đẹp do đàn ông áp đặt mà táo bạo nhất là không trang điểm khi ra đường và không mang áo ngực (escape the corset)! Nhưng một cuôc khảo sát mới đây do Realmeter thực hiện cho thấy có đến 76% đàn ông Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 66% ở độ tuổi 30 phản đối phong trào nữ quyền.
Từ câu chuyện của Bae Eun-jeong…
Giống như nhiều phụ nữ Hàn Quốc (HQ) khác, Bae Eun-jeong, 21 tuổi, không bao giờ quên trang điểm khi đi ra đường. Lý do, cô ghét khuôn mặt mộc tự nhiên “sinh ra đã có sẵn” của mình. Thời gian Bae dành cho trang điểm không bao giờ dưới 2 tiếng, đến nỗi cô không còn thời gian để ngủ hay ăn sáng trước khi đến trường.
“Trang điểm và trau chuốt vẻ ngoài là ưu tiên số 1 của tôi” – cô nói. Ngay cả một chuyến đi dơn giản đến siêu thị gần nhà Bae cũng mất cả tiếng để chuẩn bị. Nếu không, cô sẽ mất tự tin và có cảm giác rất nhiều người đang nhìn mình với đôi mắt kinh hãi. “Tự ghét những gì trời cho” đang là tâm lý khá phổ biến của nhiều phụ nữ trẻ HQ hiện nay.
Họ không hài lòng với những gì mình có và muốn che lấp bằng trang điểm, ăn mặc. “Để khuôn mặt mộc hoặc trang điểm sơ sài ra đường tôi luôn có cảm giác mất tự tin và rất bối rối khi thấy ai đó nhìn mình – Bae bộc bạch – Vì vậy, mỗi lần bước ra đường tôi đều chỉnh trang lại khuôn mặt, cho dù chỉ đi có 30 phút rồi về. Thời gian dành cho trang điểm có khi nhiều hơn thời gian ra ngoài”.
Bae không phải là một cô gái bình thường mà là ngôi sao có nickname Lina Bae trên mạng xã hội YouTube chuyên hướng dẫn cách trang điểm và cung cấp cho người theo dõi những lời khuyên về cách trang điểm hoàn hảo như “màu đồng dành cho mùa hè” và “màu mắt xanh lá mờ ảo dành cho mùa đông”.
Nhưng đến đầu năm 2019, sau khi xem lại các bình luận trên những video đưa lên mạng, cô thấy có rất nhiều cô gái trẻ than thở là “rất xấu hổ nếu phải đi ra đường với khuôn mặt chưa kịp trang điểm”. Họ thà bỏ qua một cái hẹn gấp gáp còn hơn là không tô vẽ lại khuân mặt “nhìn đâu cũng thấy khiếm khuyết”. “Mang bộ mặt mẹ đẻ đi ra đường là điều tệ hại nhất trong đời – một bình luận viết – Khi bạn bè quanh tôi đều trang điểm và mang đồ trang sức thì tôi không thể làm khác họ vì sẽ rất lạc lõng, thậm chí trở thành quái vật dưới mắt nhiều người”.
Một cô gái khác bộc bạch: “Tôi không tự tin lắm về khuân mặt cũa mình. Trang điểm là cách loại bỏ cảm giác tiêu cực này. Không có gì sai trái khi bạn dùng trang điểm để tăng thêm sự tự tin”. Nhưng điều Bae bị sốc nhất là ngay cả những thiếu nữ mới 13 tuổi cũng có suy nghĩ tương tự dù đây chưa phải là lứa tuổi cần gây ấn tượng mạnh cho người khác phái để hẹn hò hay yêu đương. Sau những phát hiện bất ngờ này, Bae thú thật: “Tôi thấy được trách nhiệm của mình đối với các bình luận trên và trang YouTube của tôi đã có tác động mạnh đến xu hướng ‘nghiện trang điểm’ của giới trẻ hiện nay”.
- Xem thêm: Cái đẹp…
Để giảm nhẹ cảm giác “tội lỗi”, Bae đã đưa lên YouTube một video có tựa “Tôi không cần đẹp!” trong đó so sánh khuôn mặt lúc chưa trang điểm và lúc đã trang điểm của cô kèm theo những bình luận cô nhận được như “Trang điểm mấy cũng vẫn là một con heo xấu xí” hay “Nếu tao có khuân mặt giống mày tao sẽ tự tử!”.
Bên dưới video, Bae mỉm cười tươi tắn và nói với người xem: “Không đẹp nhưng vẫn OK!”. Video được hơn 6,3 triệu người xem và đồng cảm chỉ trong vài ngày. Bae giải thích: “Sở dĩ tôi đưa video này lên là vì tôi muốn phụ nữ được giải thoát khỏi những ức chế về khuôn mặt của mình. Tôi muốn chia sẻ với các bạn là chúng ta không cần thay đổi vẻ ngoài vì người khác. Đừng sợ khuôn mặt thật mà hãy hãnh diện vì nó”.
Thách thức các tiêu chuẩn nhan sắc của nam giới
Các tiêu chuẩn đẹp của đàn ông đã biến làm đẹp thành một kỹ nghệ rất phát đạt tại HQ. Hiện nay HQ là một trong 10 thị trường làm đẹp lớn nhất thế giới với doanh thu hơn 13 tỉ USD trong năm 2017 (số liệu của công ty theo dõi thị trường Mintel). Chăm sóc da là khu vực lớn nhất và thu được nhiều lợi nhuận nhất của kỹ nghệ làm đẹp HQ.
Ngoài ra, HQ còn được xem là “thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới” và đã xuất khẩu hoạt động làm đẹp sang nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Á. Khoảng 22% phụ nữ HQ thú nhận họ đã từng làm đẹp bằng dao kéo (số liệu của Viện National Youth Police Institute). Có hơn phân nửa trong số người từng làm đẹp cho biết vẻ ngoài là phần quan trọng trong giao tiếp và sự thành công”. “Kết quả là họ đầu tư nhiều thời gian, công sức, năng lượng và tiền để được đẹp hơn trước mắt đàn ông” – Lee nói.
Nhưng đang có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức. Hiện Bae thuộc số phụ nữ ngày càng đông tại HQ thách thức quan niệm của nam giới đối với cái đẹp. Họ hưởng ứng phong trào nữ quyền “Hãy bỏ chiếc nịt ngực giả tạo”. Tên của phong trào phát sinh từ cuộc chống đối cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) năm 1968, trong đó một số người hoạt động nữ quyền vất bỏ nịt ngực, keo xịt tóc, lông mi giả, giày gót cao và các món phụ tùng khác được xem là biểu tượng của “áp bức” nữ giới.
50 năm sau đó, các phụ nữ trẻ HQ đẩy cuộc chống đối lên mức mới bằng cách đòi loại bỏ những sản phẩm trang điểm, làm đẹp. Họ cắt ngắn mái tóc, đưa những bức ảnh “trở về với tự nhiên, với những gì mình có” lên mạng xã hội và khuyến khích những người khác hành động tương tự. “Về căn bản, phong trào ‘escape the corset’ có thể xem là thách thức đối với xã hội bị thống trị bởi nam giới – Nữ giáo sư xã hội học Lee Na-young hiện giảng dạy tại đại học Chung-Ang ở thủ đô Seoul nói – Phong trào này mang thông điệp bác bỏ những tiêu chuẩn đang tồn tại về cái đẹp và những bí ẩn vây quanh nó. Phụ nữ HQ đã đứng lên hưởng úng phong trào bằng một ngày không làm việc vào đầu mỗi tháng.
Họ kêu gọi đừng mua quần áo thời trang, đừng mua sản phẩm làm đẹp, đừng trang điểm… Nói chung là tẩy chay tất cả những gì liên quan đến cái đẹp giả tạo và xa lánh kỹ nghệ làm đẹp sống nhờ nó”. Lee cho biết đã có nhiều phụ nữ làm đúng lời kêu gọi của phong trào. Họ không làm đẹp nữa khi ra đường và xiển dương chế độ “nữ quyền” trong cuộc sống hàng ngày.
Cách biệt nam nữ ở mức báo động
Theo một báo cáo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), năm 2018, HQ xếp hàng thứ 115 trong 149 quốc gia có mực cách biệt cao nhất về nam, nữ. HQ cũng là nước có cách biệt lương cao nhất giữa nam và nữ trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chỉ có 3% lãnh đạo 500 công ty hàng đầu HQ là nữ.
Phụ nữ chỉ chiếm 17% số đại biểu Quốc hội (Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình). Trong cuộc họp báo vào đầu năm mới 2019 của Tổng thống HQ Moon Jae-in, ông cho biết “cách biệt giới là thực tế đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được” tại một đất nước phát triển như HQ. Trong một xã hội vẫn còn tính trọng nam sâu sắc, những phụ nữ không đáp ứng tiêu chuẩn đẹp của nam giới rất dễ bị gạt sang bên.
- Xem thêm: Bản đồ sắc đẹp thế giới
Tháng 11.2018, một chi nhánh của chuỗi cà phê Yogerpresso đã sa thải một nhân viên ngay trong ngày đầu tiên đến làm việc chỉ vì cô cắt tóc ngắn và không trang điểm! Hành vi này đã gây công phẫn dư luận khiến công ty phải xin lỗi và phải bồi thường. Vụ việc kết thúc ở đó và cô gái vẫn làm việc bình thường. Ngoài cái đẹp, phụ nữ HQ còn lên tiếng về một số vấn đề khác. Ví dụ cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 8.2018 tại Seoul của hàng chục ngàn phụ nữ chống dùng camera ghi hình lén dưới váy tại nơi công cộng với khẩu hiệu “Cuộc sống cuả tôi không phải là ảnh khiêu dâm cho các người!”.
Cuộc biểu tình xảy ra khi Cảnh sát Quốc gia HQ cho biết năm 2017 họ nhận được hơn 6.000 báo cáo về các trường hợp quay phim lén dưới váy trong toilet, phòng thay đồ, tại hôi nghị, lớp học, nơi làm việc và cả trong nhà. Con số này tăng mạnh so với 1.300 của năm 2011. Số video quay lén thường được đưa lên nhiều diễn đàn và trang web với tên giả như chiến lợi phẩm. Thật ra, cơn giận của phụ nữ bắt đầu sau khi xảy ra vụ giết một phụ nữ gần ga xe lửa Gangnam Station của Seoul vào năm 2016. Nạn nhân 23 tuổi bị đâm chết bởi một nam nhân viên nhà hàng.
Khi hỏi động cơ, anh ta nói: “Tôi phải ra tay vì phụ nữ luôn làm tôi bực mình”. Kết quả: Kim Sung-min (đang bị bệnh tâm thần phân liệt nặng) lãnh án 30 năm tù. Vụ sát nhân đã giúp các phụ nữ trẻ nhận thức được bạo hành tình dục là vấn đề chung ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Lee nói: “Chống bạo hành tình dục đã trở thành vấn đề kiên định của các nhà hoạt động nữ quyền HQ.
Họ thường xuyên cảnh báo về nó cả ở trên mạng xã hội lẫn ngoài cuộc sống”. Bae cho biết cô chỉ quan tâm nhiều đến nữ quyền sau vụ sát nhân. “Cứ nghĩ đến tai hoạ có thể xảy đến với vbất cứ người phụ nữ nào khác là tôi lạnh sống lưng” – cô viết trong cuốn sách I Am Not Pretty.
Sự chống trả của nam giới
Tuy nhiên các nhà hoạt động nữ quyền đang gặp sự chống trả quyết liệt của giới trẻ nam. Nhiều nam giới khẳng định các chuẩn mực về cái đẹp không hề thay đổi. Kỹ nghệ làm đẹp rất phấn khởi khi nghe tin vui này. Rất nhiều thanh niên muốn lấy vợ cao, đẹp và thời trang hơn là lấy vợ xấu! Trình độ học vấn và nghề nghiệp là thứ yếu.
“Điều đó cho thấy nếu muốn tạo ra sự thay đổi, phụ nữ phải tác động vào tư duy của đàn ông trước đã. Công việc này phải bắt đầu ngay trong ngôi nhà của mình và tại nơi mình làm việc” – Lee nói. Nhưng có vẻ tiếng nói của nữ giới đã được nhiều người lắng nghe hơn nếu nhìn vào mức tăng 19% doanh thu những cuốn sách cổ suý cho nữ quyền tại chuỗi cửa hiệu sách Kyobo lớn nhất HQ trong tháng 11 năm 2018 so với cùng kỳ năm trước.
Sự chuyển biến cũng thấy trong khuân viên các làng đại học. Năm ngoái, Hội Nữ quyền của Đại học nữ Sookmyung ra tuyên bố hỗ trợ phong trào “escape the corset” thông qua một poster vẽ bằng cây son môi và viết kẻ lông mày. Sau đó, một số sinh viên đã cởi… váy, mặc quần vào và lan truyền hai tin nhắn “Trang điểm không phải sức mạnh của nữ giới!” và “Trở thành búp bê của đàn ông không phải là quyền lực nữ. Không tự biến mình thành búp bê mới là quyền lực!”.
- Xem thêm: Nhan sắc
“Sinh viên cũng mặc âu phục nghiêm túc nhận bằng tốt nghiệp thay vì mặc váy như trước – sinh viên Park Hye-ri, 22 tuổi nói – Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm như thế trong lịch sử đại học”. Còn sinh viên Oh Min-ji nhận định: “Trước khi có phong trào ‘escape the corset’, nhiều cô gái thích được khen đẹp hoặc khen người khác đẹp. Họ xem đẹp là sự hoàn hảo. Nay thì khác, nhiều nữ sinh không còn tin đẹp là hoàn hảo mà xem đây là ‘sự áp đặt của đàn ông’ để thoả mãn dục tính của họ”.