Người Việt xưa nay luôn dùng biểu tượng Cửa để diễn đạt thế giới quan – vũ trụ quan của mình. Điều này xuất phát từ văn hóa đặc trưng của nếp ăn ở trong nền nông nghiệp lúa nước, cộng với các suy nghiệm từ cách thức vận động đóng mở của cửa. Do đó khi xây nhà, bài trí nội thất, hầu như mọi thứ liên quan đến phong thủy luôn bắt đầu từ cửa. Cùng Nội thất tìm hiểu về phong thủy cửa nhà phù hợp và hài hòa.
Từ những triết lý nhân sinh, tôn giáo…
Theo Dịch lý, quẻ Càn, chỉ Trời, nói về cửa mở, mang tính chủ động, là Dương, thiên về Động. Quẻ Khôn chỉ Đất, là cửa đóng, mang tính thụ động, là Âm, thiên về Tĩnh. Sự đóng mở của cửa diễn ra theo quy luật âm dương mang tính luân phiên thể hiện âm dương nối tiếp nhau, phản ánh quá trình vần xoay của vũ trụ, âm dương điều hòa thì vạn vật mới tồn tại. Không thể có dương mà không âm, tương tự cửa không thể cứ mở suốt mà không đóng, hoặc chỉ đóng mà chẳng mở. Từ tính biểu tượng Âm – Dương đóng – mở này, triết lý về Khai Môn trong ngôi nhà truyền thống mang tinh thần trung dung: mọi sự trong đời nên theo cơ chế quân bình, có quy luật lặp lại, có chu kỳ thăng – giáng, sáng – tối như “sông có khúc người có lúc”, mới tạo nên sự lành mạnh, bình ổn. Mở quá hay đóng quá đều sẽ không tốt, vì cơ chế đóng mở để tiếp nạp Khí, tạo nên giao tiếp giữa con người và vũ trụ. Lão Tử quan niệm “bế kỳ môn” (đóng cửa) tức là đừng để ý, dòm ngó, lắng nghe thị phi bên ngoài thì tránh động tâm suy nghĩ, ắt suốt đời không lo nhọc nhằn. Còn “tế kỳ sự” (mở cửa) là làm tăng thị hiếu và dục vọng cá nhân bằng cách mở rộng các giác quan, lôi cuốn con người theo thú vui ngoại vật, ắt khó giữ lòng bình an.
Bản chất cửa luôn nằm tại vị trí phân lập, ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài (vốn thường không giống nhau, thậm chí đối lập). Vì thế, quan niệm dân gian quy định cửa biểu trưng cho nơi qua lại giữa hai trạng thái, giữa cái đã biết và cái chưa biết, giữa thiên đường và địa ngục,… ngăn cách bằng cánh cửa và bậc cửa, như cái ngưỡng của sự giới hạn. Trong tôn giáo, bước qua ngưỡng cửa là đi từ cõi phàm đến cõi thiêng (cửa Phật, cửa Chúa…), vì ý nghĩa đó, mà Môn đã trở thành tên gọi chung cho ngôi chùa Phật giáo. Thiền Môn hay Phật Môn tức là gọi chung các ngôi chùa, gợi ý niệm ngưỡng cửa của tâm linh con người, giải thoát hay không được giải thoát… tùy theo hình ảnh cửa mở hay đóng.
…đến phân biệt Vị và Hướng cửa
Trong phong thủy khi xét đến cửa cần phân biệt Vị và Hướng, hai khái niệm dễ bị nhầm lẫn mà thực chất vốn khác biệt rõ ràng. Ví dụ, gia chủ nghe nói mình hợp với nhà hướng nam là đi tìm nhà có “trục nhà” nhìn về hướng nam, nhưng khi đo la bàn tại cửa chính thì hóa ra là tây nam. Ví dụ khác, gia chủ thắc mắc là nếu hướng nhà không hợp thì có thể xoay xở được không, và câu trả lời là có thể xoay hướng cửa chính. Đây chính là vấn đề về Khai Môn Nạp Khí của một không gian cư trú thông qua cửa.
Như cơ thể người, dù thân hình có xoay ngang xoay dọc, nếu mặt người đó hướng về đâu, mắt mũi miệng hướng ra đâu thì giao tiếp với bên ngoài về hướng đó. Nói cách khác, đơn giản, hướng nhà là hướng của bộ cửa chính. Tùy từng nhà mà cửa chính có thể nằm về phía trước sân, ra mặt tiền, cũng có thể nằm qua bên hông, có thể thẳng mà cũng có thể xéo so với mặt đường, trục nhà, thân nhà… miễn đó là cửa chính, sử dụng thường xuyên, là cửa giao tiếp chủ yếu. Vì vậy thay đổi hướng bộ cửa chính về mặt phong thủy tức là thay đổi hướng nhà, cho dù cấu trúc của ngôi nhà không đổi.
Vị của cửa là chỗ bố trí cửa so với tâm nhà, điều này tương tự bên Tây phương hay nói vị trí gì đó theo nguyên lý đồng hồ, ví dụ như nói đối tượng A ở vị trí 2 giờ, tức là xét với tâm gốc nào đó. Trong phong thủy Đông phương thì xét từ tâm nhà, nhìn từ trong ra, một bộ cửa gọi là nằm ở vị Đoài tức là từ tâm nhà kẻ đường thẳng đến tâm cửa, đường ấy nằm trong cung Đoài theo la bàn. Sau khi chọn được vị trí cửa ở đâu rồi thì tìm hướng cửa bằng cách kiểm tra đường thẳng vuông góc với mặt phẳng cửa và nhìn bên trong nhà ra là hướng nào thì đấy là hướng cửa.
Phong thủy có câu “nhất vị nhị hướng” chính là nêu thứ tự xem xét trong không gian. Khi chọn đất cất nhà cũng tìm vị trí trước, định hướng sau. Khi làm nhà cũng phân cung để xem vị trí nào sẽ đặt không gian nào, sau đó xoay hướng của các thành phần trong vị trí ấy. Ví dụ, nghe nói “Đặt bếp hướng nam, xoay về hướng tây”, thì phải xét từ tâm nhà, đặt la bàn vào, sẽ tìm ra đâu là hướng nam của nhà, rồi mang bếp vào khu vực (vị trí) hướng nam đó, tiếp nữa bên trong khu bếp sẽ bố trí xoay mặt trước bếp về hướng tây.
Những định vị và định hướng như vậy sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu bố trí chung của toàn nhà, trong đó hệ thống cửa mang tính cơ bản, quyết định về không gian và khả năng thông thoáng, chiếu sáng, giao thông.
Xử lý cửa để giao hòa Âm Dương
Việc mở cửa tại đâu, nhiều hay ít, cửa rộng hay hẹp được phong thủy lâu nay lưu ý chú trọng yếu tố Âm Dương sao cho đảm bảo về tầm nhìn, hướng di chuyển và khả năng thích ứng với các sinh hoạt thường ngày. Khác với ngôi nhà truyền thống mở cửa thoáng rộng nhờ được vườn tược bao bọc, ngôi nhà phố thị hôm nay lại ít được thiên nhiên che chắn bảo vệ, hướng nắng hướng gió nhiều khi không thuận lợi, mở cửa tùy tiện sẽ khiến không gian bên trong hứng chịu đủ thứ tác động xấu của môi trường. Vì vậy, nếu ngay sau cánh cửa đi là những không gian sinh hoạt như phòng khách, ăn, bếp hay phòng ngủ thì cửa nên mở vừa phải và kín đáo để tránh Trực Xung. Lối đi thường nối các cửa với nhau nên mở cửa không khéo sẽ chia cắt phần khối tích sử dụng bên trong nhà ra. Một căn phòng càng có nhiều diện tích vô ích thì càng cần phải xem lại cách sắp xếp vật dụng và mở cửa đã hợp lý chưa. Khi căn phòng bố trí cửa hợp lý, tránh các luồng khí thổi thẳng, tiết kiệm lối đi, tận dụng các khoảng đệm sau cửa hoặc bên cạnh để làm tủ, kệ… thì không chỉ công năng đảm bảo mà tính chất trường khí cũng gia tăng.
Nguyên tắc cân bằng Âm Dương cho ta cách mở cửa hợp lý căn cứ theo vùng Âm Dương trong nhà và thời điểm trong ngày. Ví dụ vào ban ngày nắng gắt (Dương thịnh) thì hệ thống cửa cần khép (cửa có lam chớp hoặc sử dụng rèm xoay khá tốt) để tăng tính Âm nhằm cân bằng Nội Khí. Ngược lại ban đêm thì cửa cần mở đón gió, tránh ngủ trong những căn phòng đóng kín rất tù túng. Thông thường, những vùng khuất sau tường, ít đi tới được và ít ánh sáng chiếu vào là vùng Âm, ngược lại sẽ là vùng Dương. Cách mở cửa phải nối kết các vùng cần di chuyển nhiều, còn những bố trí vật dụng ổn định sẽ được nằm trong vùng Âm. Vùng tĩnh tại và kín đáo thì cần thuộc về Âm, đó là lý do vì sao không nên kê đầu giường ngay cửa vào phòng mà nên có mảng tường che Hậu Chẩm có cửa sổ mở hai bên.
Tất nhiên, cửa đi khác với cửa sổ vì tác động trực tiếp của cửa đi vào không gian nhiều hơn, trong khi cửa sổ tác động đến yếu tố tinh thần (nhìn thấy, cảm thấy) nên mở cửa sổ cần lưu ý nhiều về cảnh quan nhìn từ trong ra và tầm nhìn từ bên ngoài vào. Nhằm tạo đối lưu không khí tốt, nhà phố hẹp luôn cần có được cửa hậu (cửa đi hoặc ít nhất là cửa sổ) mở ra sân hoặc giếng trời phía sau. Tùy theo hướng khí hậu của nhà mà hệ cửa sau, cửa mái giếng trời… có thể kết hợp với lam chớp lật hay khe thông gió để dự phòng khi cửa phía trước đóng thì ngôi nhà vẫn có thể “hô hấp” tốt.
- Ảnh Xuân Trang