Khi chiêm ngưỡng được những khung cảnh yên bình ở Gilgit-Baltistan và gặp gỡ những người dân chất phác hiền hậu của vùng núi phía Bắc Pakistan, những hoài nghi trong tôi về một đất nước chỉ toàn “chiến tranh và khủng bố” đã không còn chỗ đứng.
Pakistan có lẽ không là điểm đến được nhiều người lựa chọn. Nhưng với những người thích khám phá những vùng đất mới, những nơi ít người dám đặt chân tới, Pakistan lại có một sức hút đầy mê hoặc. Từ khi biết đến Gilgit-Baltistan, vùng núi ở cực Bắc Pakistan với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tôi đã không thôi nghĩ về nó.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch đến Pakistan, để được ngắm những vườn hoa đào, hoa mận ở thung lũng Hunza yên bình, để đặt chân đến cửa khẩu cao nhất thế giới nằm trên đèo Khunjerab cao 4.700m quanh năm tuyết phủ, và để tận mắt nhìn thấy những danh thắng dọc theo cung đường Karakoram huyền thoại được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới.
Cung đường Karakoram huyền thoại
Chạy dọc theo dãy núi cheo leo hiểm trở cùng tên, đường Karakoram là tuyến xa lộ cao nhất thế giới nối các tỉnh Punjab, Khyber Pakhtunkhwa và Gilgit-Baltistan của Pakistan với Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc. Điểm bắt đầu Karakoram là cây cầu Thakot ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, cách thủ đô Islamabad tầm 250km. Karakoram được Pakistan và Trung Quốc cùng nhau xây dựng với rất nhiều công sức bởi địa hình hiểm trở.
Con số công nhân, kỹ sư của hai nước hy sinh do đá lở và tai nạn trong quá trình thi công lên đến hàng trăm. Tuyến đường này còn là hiện thân của một phần Con đường tơ lụa huyền thoại ghi dấu chân của những đoàn thương nhân và lạc đà hơn 2.000 năm trước. Đi dọc Karakoram nghĩa là đang đi song song với Con đường tơ lụa vang bóng một thời.
Trong những ngày rong ruổi, tôi đã có cơ hội nhìn thấy tận mắt những dấu vết của Con đường tơ lụa. Những con đường zíc zắc như những sợi chỉ vắt vẻo trên sườn núi đá khô cằn ấy đã góp phần không nhỏ cho những thành tựu giao thoa văn hóa từ Á sang Âu. Những chuyến đi ngược xuôi của các thương nhân và những chú lạc đà ấy đã hình thành nên một cung đường mà sau 2.000 năm vẫn còn được nhắc đến với sự ngưỡng mộ tột bậc.
Cho đến tháng 4-2019, thời điểm tôi đến Pakistan thì Karakoram vẫn đang còn được xây dựng và sửa chữa. Đường đi cũng lắm chông gai và thách thức bởi trong hành trình chín ngày thì có đến năm ngày dài rong ruổi trên Karakoram. Có những ngày chúng tôi phải ngồi trên xe 20 tiếng, không chỉ vì đường dài, mà còn phải dừng lại vì những nguy cơ và rủi ro luôn rình rập ở khắp nơi.
Dù đã được anh hướng dẫn Riaz (của Hunza Explorers) cảnh báo từ trước, tôi và những bạn đồng hành không khỏi sốt ruột mỗi lần phải dừng xe chờ đợi cả mấy tiếng đồng hồ vì đá lở, đá lăn. Những hàng dài xe ngược xuôi rồng rắn nối đuôi nhau chờ đợi. Thật may chúng tôi không phải ngủ qua đêm trên xe lần nào. Nhưng trước đó cũng đã từng có nhiều đoàn người phải quay về thị trấn gần nhất hoặc phải qua đêm ở khách sạn “ngàn sao”.
Đèo Khunjerab và cửa khẩu cao nhất thế giới
Đi hết cao tốc Karakoram phía Pakistan là đèo Khunjerab cao 4.693m nối liền Pakistan và Trung Quốc (khu tự trị Tân Cương). Cửa khẩu Khunjerab cao nhất thế giới và quanh năm tuyết phủ này chỉ hoạt động sáu tháng mỗi năm – từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 – và chỉ mở vào một số ngày trong tuần. Chinh phục trọn Karakoram dài 1.300km từ Pakistan xuyên qua Tân Cương, Trung Quốc là ước mơ của rất nhiều phượt thủ.
Trước khi đến Pakistan, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn cho mình một tấm visa Trung Quốc để có thể vượt biên giới Pakistan nếu muốn, hoặc nếu tình hình căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ trở nên nghiêm trọng khiến tôi không thể trở về Việt Nam từ Islamabad. Chuẩn bị sẵn một phương án “trở về” an toàn chắc hẳn cũng không thừa. Nhưng sau khi chinh phục đèo Khunjerab, tôi lại quay trở về Hunza để tiếp tục ngắm những thung lũng hoa.
Những thung lũng hoa đẹp ngỡ ngàng
Vào mùa xuân, các loài hoa ở Gilgit-Baltistan bắt đầu nở rộ từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 (có thể thay đổi do tình hình thời tiết khác nhau mỗi năm), suốt từ vùng Ghizer ở độ cao 2.000m đến vùng Upper Hunza cao 3.000m. Những cành hoa đào sắc hồng, hoa mơ sắc trắng ở những thung lũng miền Bắc Pakistan cứ thế đua nhau khoe sắc bên những dãy núi tuyết ngạo nghễ tạo nên một khung cảnh thật sự choáng ngợp. Những gốc đào nằm chênh vênh bên bờ rào đá mộc mạc, rũ những cành hoa dịu dàng bên dãy tuyết sơn hùng vĩ, thẹn thùng nhưng lại rực rỡ bên những hàng cây poplar cao vút khiến tôi cứ ngẩn ngơ.
Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi không ngờ có một thiên đường đang hiện hữu ở một nơi mà người ta xem là còn nhiều “biến động”, nơi mà cả thế giới đang dõi theo vì tình hình căng thẳng leo thang với nước láng giềng Ấn Độ, nơi mà ai nghe đến cũng giật mình vì những tin tức chiến tranh, khủng bố lan tràn trên các mặt báo. Những ngày lang thang ở thung lũng Gupis, Phandar, Hoper, Karimabad, tôi đã được chiêm ngưỡng một mùa xuân yên bình và ngập tràn sắc hoa tưởng như chỉ có ở chốn thần tiên.
- Xem thêm: Medellín – Phố núi đẹp nhất Colombia
Ẩn mình dưới những khung cảnh choáng ngợp ấy là những ngôi làng mộc mạc, đơn sơ với cuộc sống hết sức bình dị. Hầu hết các gia đình đều có nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Thanh niên phần lớn đều phục vụ trong quân đội, những thành viên khác trong gia đình cùng nhau trồng trọt, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Thế mới thấy, ẩn sâu bên trong một vùng đất tưởng chừng chỉ có chiến tranh hay khủng bố lại là cuộc sống yên ắng đến vô cùng.
Đến vùng đất Gilgit-Baltistan chỉ trần trụi với một trái tim khát khao khám phá, nhưng tôi lại mang về vô vàn nỗi nhớ nhung. Nhớ những ngày men theo bờ rào đá, ngược lên con dốc nhỏ hay lối mòn dẫn vào nhà của người dân địa phương. Nhớ những buổi sáng lang thang vào sâu trong bản làng và được người dân niềm nở mời vào nhà dùng trà sữa. Giữa một vùng đất mới còn hoang sơ và ít bị tác động bởi du lịch, tôi thảnh thơi ngồi ngắm hoa đào, hoa mơ đầy xao xuyến bên dãy núi tuyết hùng vĩ và thưởng thức tách trà sữa “chai” ấm lòng mang đậm hương vị chân quê. Đó không phải là mơ, đó là thiên đường có thật ở vùng núi phía Bắc Pakistan.