Trên các mạng xã hội những ngày gần đây, giới sinh hoạt tạo hình nhiều nước đang xôn xao về một trường hợp đặc biệt: một cậu bé mới 11 tuổi ở Nigeria đã bộc lộ tài năng khác thường về hội họa, thu hút được sự chú ý ở tầm quốc tế. Tự gọi mình là một “họa sĩ tí hon” thế nhưng những mơ ước tương lai của Kareem Waris Olamilekan hay Waspa, tên thường gọi của em, chẳng tí hon chút nào: Waspa đang hướng tới mục đích lớn – đó là được thấy những tranh vẽ chân dung giống người mẫu một cách kỳ lạ của mình rồi sẽ được treo lên các bức tường của bảo tàng mỹ thuật.
Olamilekan vẽ những bức chân dung tả thực và cực thực (hyperrealism) với nhân vật trong tranh là bạn bè, người thân trong gia đình và nhiều người mẫu khác, kể cả những nhân vật trên báo chí mà em thích. Tất cả đều được vẽ hết sức chi tiết và thể hiện được tính cách nhân vật, điều chẳng dễ dàng ngay cả với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp; cho thấy tài năng của em đã vượt xa độ tuổi đồng thời phản ánh sự gần gũi với hai thần tượng của em: bậc thầy hội họa thời Phục hưng Michelangelo (1475-1564, cũng là nhà điêu khắc, nhà kiến trúc vĩ đại) và họa sĩ đương đại Arinze Stanley Egbengwu, một tên tuổi về tranh chân dung được vẽ với bút pháp cực thực ở Nigeria.
Giống như Arinze Stanley, hầu hết tranh của Olamilekan được em vẽ bằng bút chì. Tuy nhiên, em còn dùng các chất liệu khác như thuốc màu, phấn tiên và cả bút bi để khắc họa chân dung nhân vật. Cũng không dừng lại ở thể loại chân dung, Olamilekan còn khám phá nhiều đề tài khác, như tiết lộ mới đây trong một chương trình của đài BBC về châu Phi: “Em vẽ biếm họa và vẽ truyện tranh thiếu nhi, vẽ các minh họa từ sách giáo khoa và báo chí”. Cũng trong chương trình nói trên, chú bé được coi là một trường hợp thần đồng Olamilekan đã bày tỏ mơ ước sẽ có ngày tranh em được triển lãm tại bảo tàng. Trong trang Instagram của mình, em nói: “Nghệ thuật là thiên hướng của em. Nó ở trong em”.
Olamilekan bắt đầu vẽ từ năm lên sáu và từ cái “xưởng vẽ” tạm bợ trong một khu dân cư nghèo khó và tăm tối ở Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria, những bức tranh vẽ chân dung bằng bút chì của em đã tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ khắp đất nước đông dân nhất tại châu Phi (186 triệu người, theo số liệu năm 2016 của Ngân hàng Thế giới). Chỉ sau hai năm say mê vẽ, Olamilekan đã trở thành một họa sĩ thực thụ, được giới hội họa công nhận là họa sĩ nhỏ tuổi nhất tại quê hương em. Có năng khiếu hội họa bẩm sinh, thế nhưng tài năng của Waspa đã nảy nở nhanh chóng còn nhờ sự hướng dẫn của Adeniyi Adewole, một sinh viên mỹ thuật mới tốt nghiệp.
Chàng trai Adewole đã biến cái hiên nhà của mình ở Lagos thành một lớp dạy vẽ cho những đứa trẻ nghèo như Waspa. Anh dạy chúng vẽ cũng như giúp chúng hoàn thiện năng lực hội họa của mình. Adewole cho biết Olamilekan là học trò có tài nhất của anh: “Waspa có thể đi xa, xa hơn rất nhiều những mong đợi của chúng tôi bởi tôi tin vào những gì em đã làm được, Waspa sẽ đến với nơi nào đó lớn hơn. Chúng tôi thường nói với Waspa rằng đừng tự coi mình như một nghệ sĩ bên lề. Hãy tin rằng em có thể có tên tuổi như Michelangelo, như Leonardo da Vinci”.
Những gì Olamilekan tập trung thể hiện thật chi tiết trong tranh chân dung khiến người xem còn cảm thấy thực hơn cả ảnh chụp. Em cho biết không thể vẽ tranh cực thực nếu không kiên nhẫn. Tranh của Olamilekan không chỉ đặc biệt về mặt thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc dù em chỉ vẽ những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày chung quanh mình và từ những trải nghiệm của chính em, nhất là những trải nghiệm từ cuộc sống của gia đình em. Có thể thấy điều đó từ một ví dụ điển hình là bức tranh được em đặt tên Bữa ăn hằng ngày, một tranh vẽ bằng chì than trên bìa cứng, mô tả một đứa trẻ tuyệt vọng để kiếm miếng ăn, trên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi và nước mắt. Bức tranh gợi nhớ đến những tác phẩm sống động của Arinze Stanley Egbengwu, người mà Olamilekan hết sức hâm mộ.
“Cảm hứng (để vẽ tranh) ở phía sau những gì đang diễn ra quanh em, đặc biệt là trong gia đình em. Những giọt mồ hôi em vẽ ở tranh chân dung Bữa ăn hằng ngày là biểu tượng của lao động nặng nhọc và cuộc sống khó khăn. Còn cái muỗng thể hiện miếng ăn. Mọi người trong xã hội của em hay trên đường phố của em đều phải sống như thế, họ vất vả, vất vả, họ đổ mồ hôi để có cái ăn”, họa sĩ nhí nói như thế. Và để thoát khỏi cảnh sống nhọc nhằn như thế, Olamilekan muốn trở thành một họa sĩ được cả thế giới biết đến tên tuổi. Ước muốn cũng như sự tự tin của Olamilekan sẽ được thời gian chứng minh, song em đã nhận được nhiều sự khen ngợi, tán thưởng từ chính cộng đồng nơi em đang sống. Em đã nhận được hợp đồng vẽ tranh, và một trong những hợp đồng đó là bức tranh tường vẽ cho trường Marshall ở thành phố Magboro, tiểu bang Ogun: “Bức tranh tường đó giúp em thêm tự tin vì em được tự do làm bất kỳ điều gì”.
Cần nói thêm về họa sĩ Arinze Stanley Egbengwu. Sinh năm 1993, Arinze Egbengwu còn là một kỹ sư, nhà doanh nghiệp trẻ và nhà hoạt động xã hội năng động. Anh được biết đến rộng rãi không chỉ ở Nigeria với những tranh chân dung cực thực mà hầu hết nhân vật là người gốc châu Phi. Vẽ với bút chì và làm đồ họa trên giấy, Arinze Egbengwu dùng tác phẩm của mình như một phương tiện thực hiện các hoạt động chính trị – xã hội, lên tiếng về các vấn đề nóng bỏng của cộng đồng anh đang sống và rộng lớn hơn là các vấn đề toàn cầu như phân biệt chủng tộc, nữ quyền và tình trạng nô lệ thời hiện đại.
Phải mất đến khoảng 200 giờ cho một tranh chân dung nên Arinze Egbengwu chỉ vẽ khoảng 9-10 tác phẩm mỗi năm, tất cả đều được vẽ trên giấy khổ A1 hay lớn hơn. Đam mê nghệ thuật đến với Arinze Egbengwu từ rất sớm và anh chỉ vẽ trên giấy bởi cả tuổi thơ của Arinze Egbengwu sống gần với giấy (gia đình anh có một xưởng làm giấy). Tốt nghiệp kỹ sư nhưng anh bắt đầu sự nghiệp hội họa từ năm 2012, tập trung nghiên cứu các nhân vật muốn vẽ, tìm cách diễn đạt cảm xúc trên khuôn mặt họ.
Arinze Egbengwu đã nhận được danh hiệu “Tranh tự họa xuất sắc nhất thế giới” năm 2017 của Giải thưởng Mỹ thuật Hoa Kỳ và từng được bầu chọn vào danh sách 10 người trẻ xuất sắc nhất Nigeria năm 2017. Triển lãm đầu tiên của anh được tổ chức tại gallery Omenka ở Lagos năm 2016. Tranh anh còn được tổ chức triển lãm lưu động khắp nước Mỹ và dự các hội chợ nghệ thuật như Scope Miami và Art Palm Beach cùng nhiều triển lãm nhóm khác.
Ngoài ra, phải kể đến một tên tuổi khác của hội họa đương đại Nigeria: Ayo Filade, cũng tạo được chỗ đứng với tranh chân dung cực thực. Năm nay 27 tuổi, Ayo Filade đã rất thành công tại hội chợ Art Basel ở Miami với hai triển lãm “Nhịp điệu tâm trạng” và “Đây không phải là ảnh chụp”.